Việt Nam ngày càng tụt hạng

10:10, 13/10/2010

Việt Nam mạnh trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế môn Toán, nhưng điều đó sắp trở thành quá khứ.

Việt Nam mạnh trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế môn Toán, nhưng điều đó sắp trở thành quá khứ. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo cấp quốc gia đầu tiên về vấn đề thi học sinh giỏi quốc gia và tuyển chọn học sinh đi thi quốc tế, diễn ra ở Hà Nội hôm 12/10.

Ba thành viên đội tuyển thi Toán quốc tế của Việt Nam đoạt HCV năm 2007 chung vui với thí sinh quốc tế .
Ba thành viên đội tuyển thi Toán quốc tế của Việt Nam đoạt HCV năm 2007 chung vui với thí sinh quốc tế .

Toán - Tin thụt lùi

GS TSKH Hà Huy Khoái gửi tới hội thảo một bảng so sánh khiến những ai quan tâm thành tích của đội tuyển quốc gia thi học sinh giỏi quốc tế môn Toán phải giật mình. Từ một đội luôn nằm trong tốp 10 xếp hạng toàn đoàn, từ năm 2005 tới nay đã rơi xuống tốp 11 – 15. Theo ông Khoái, nhiều chuyên gia dự đoán, nếu xu hướng này tiếp tục đội tuyển có thể ở tốp 16 – 20 trong tương lai gần.

Ngược với xu hướng giật lùi trên, nhiều nước từ những vị trí thua xa Việt Nam dần bước vào tốp 10 thế giới. Tiêu biểu là trường hợp Thái Lan. Năm 2000, nước này xếp thứ 29, trong khi Việt Nam xếp thứ 5. Năm 2006, khi Việt Nam thụt lùi về vị trí 13 thì Thái Lan vươn lên vị trí 15. Hai năm qua, trong khi Việt Nam vẫn loanh quanh trong tốp 15 thì Thái Lan lên vị trí thứ 7 rồi thứ 5.

Những môn khác vốn ít thành tích lại đi xuống mấy năm qua, trong khi các nước Đông Nam Á khác có tiến bộ rõ rệt. Tại hội thảo, ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Đội tuyển Tin học từng gây tiếng vang lớn vào năm 1999, khi 3/4 học sinh đi thi đoạt huy chương vàng và Việt Nam đạt vị trí số 1 nếu tính điểm đồng đội. Bảy năm gần đây không có một huy chương vàng nào và năm 2010 cả đội tuyển chỉ có 1 huy chương đồng.

Về tổng thể, năm 2010, Việt Nam chỉ đạt 2 huy chương vàng cả 5 môn (Toán, Lý, Hoá, Sinh, Tin), trong khi Indonesia và Singapore mỗi nước đạt 6 huy chương vàng, Thái Lan 12 huy chương vàng”.

Thi cử và chương trình lệch với quốc tế?

Trong các phát biểu thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, cách tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi của Việt Nam không giống ai. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia chỉ diễn ra trong 1 ngày: 3 tiếng với các môn Lý, Hoá, Sinh; 4 tiếng với môn Toán và 5 tiếng với môn Tin, trong khi với các kỳ thi quốc tế, hầu như môn nào cũng thi trong 2 ngày, mỗi ngày 5 - 6 tiếng.

Theo TS Phạm Văn Lập, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội, việc tăng thời lượng thi không chỉ tăng lượng kiến thức được kiểm tra mà còn tạo ra áp lực tâm lý gần giống như các kỳ thi quốc tế để học sinh Việt Nam làm quen. TS Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng tăng thời gian thi sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng cấu trúc đề thi, dẫn đến thuận lợi hơn cho việc xét giải và tạo cơ hội nhiều hơn cho học sinh.

Ngoài ra, các kỳ thi quốc gia không có phần thi thực hành cho những môn mà thế giới đều tổ chức thi thực hành: Lý, Hoá, Sinh. Một chuyên gia chuyên đào tạo học sinh giỏi Vật lý, kể: “Một số học sinh khi vào huấn luyện ở đội tuyển cho biết chưa từng được sử dụng những dụng cụ thí nghiệm, đo lường thông thường về vật lý, thậm chí có em nói chưa từng nhìn thấy cái biến trở, đồng hồ đo điện”.

Độ vênh trong chương trình THPT của Việt Nam so với thế giới cũng là nguyên nhân được một số đại biểu đề cập. TS Phạm Văn Lập nêu ví dụ: “Môn Sinh ở THPT của ta không dạy phân loại học, chỉ dạy một số phần về sinh lý người và động vật nhưng lại tập trung nhiều vào di truyền và tiến hoá. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới và chương trình thi Olympic quốc tế dành khá nhiều thời lượng cho sinh lý người với mục đích để học sinh có hiểu biết cơ bản về sinh học cơ thể người, qua đó chủ động rèn luyện và bảo vệ sức khoẻ bản thân”. Sau khi nêu một số dẫn chứng khác, ông Lập kết luận: “Học sinh của ta có nhiều kiến thức, nhưng những kiến thức đó vừa thừa vừa thiếu”.

PGS TSKH Nguyễn Thế Khôi, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chỉ trích việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học môn Vật lý 100% bằng hình thức trắc nghiệm khách quan. Ông Khôi cho rằng thành tích đội tuyển thi Vật lý hằng năm chưa cao có nguồn gốc từ chất lượng dạy học môn này trong nhà trường giảm sút, từ việc học để đáp ứng hình thức thi 100% trắc nghiệm.

“Các câu hỏi trắc nghiệm như hiện nay không đòi hỏi học sinh nắm các vấn đề vật lý một cách sâu sắc, không đòi hỏi học sinh vận dụng hiểu biết bản chất vật lý của các định luật, công thức, không đòi hỏi học sinh vận dụng các hiểu biết để giải thích các hiện tượng vật lý, để tìm hiểu khả năng ứng dụng của vật lý trong khoa học kỹ thuật và đời sống, không yêu cầu học sinh có hiểu biết về kỹ năng và thực nghiệm. Xét về tính chất đặc trưng của việc dạy và học Vật lý thì những điều tôi vừa nói là những yêu cầu rất cơ bản của môn học này”, ông nói.

Theo Tiền Phong