"Vì một tình yêu Hà Nội"

01:10, 03/10/2010

Khi nhận làm kịch bản cho lễ hội những ngày hội văn hóa Hà Nội trên đất Lâm Đồng, tôi thực sự vui và cũng không ít lo lắng. Tôi làm vì một tình yêu Hà Nội và vì một tình yêu Lâm Hà – mảnh đất mới của những con dân Hà Nội xa xứ.

Chiều hôm qua – 2.10, ngày thứ hai của lễ hội  văn hóa Hà Nội trên đất Lâm Đồng, trời Lâm Hà bất ngờ đổ mưa ầm ào và kéo dài đến hơn 9 giờ đêm. Mọi hoạt động của lễ hội ở ngoài trời hầu như bị ngưng trệ. Giọng của tổng đạo diễn chương trình, anh Nguyễn Vũ Hoàng – GĐ Trung tâm Văn hóa Lâm Đồng – chùng xuống: “Trời thương không trót rồi!”. Nhưng cũng có một cái lợi khác là chính nhờ thế mà nhóm PV Lamdong Online chúng tôi mới có dịp thảnh thơi ngồi trò chuyện được nhiều hơn với người được mệnh danh là chuyên gia đạo diễn các chương trình lễ hội của Lâm Đồng – anh Nguyễn Vũ Hoàng.

Ngày thứ nhất của lễ hội, nhất là trong đêm khai mạc (1.10), đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng cứ luôn tất bật và lo lắng. Đôi khi có chuyện cần, chúng tôi phải gọi vào máy điện thoại di động cho anh nhưng nhiều lần anh buộc phải trả lời qua quýt rồi đưa ra lời xin lỗi: “Mình bận quá, thông cảm!”.

Còn trong buổi chiều 2.10 thì khác: Những giọt cuối cùng của ly cà phê đen đã rơi xuống nhưng Nguyễn Vũ Hoàng vẫn không buồn ngó tới. Đôi mắt anh cứ bị dán chặt vào khoảng không đầy trời mưa giăng ngoài kia.

Đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng trong quán cà phê.
Đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng trong quán cà phê.

Chúng tôi gợi chuyện: “Đêm qua, trong lễ khai mạc, hình như không hề có “sao” ca nhạc nào thể hiện các ca khúc?”. Mãi đến lúc này, nhà đạo diễn mới quay lại với tách cà phê của mình: “Ừ, đúng đấy, không hề có “sao” nào cả. Nhưng, anh em hát được đấy chứ?” – anh quay hỏi ngược lại chúng tôi. Quả thực, không phải riêng chúng tôi mà hầu như ai cũng đều cảm thấy hài lòng với dàn diễn viên chuyên và không chuyên thể hiện các ca khúc trong đêm khai mạc.

Đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Là người làm nhiều chương trình lễ hội trong tỉnh và cả ngoài tỉnh, tôi có một kinh nghiệm nho nhỏ thế này: Các “sao” thường thu hút được sự chú ý của mọi người. Đó là thế mạnh khi quyết định mời các “sao” thể hiện ca khúc trong các chương trình. Tuy nhiên, với những lễ hội không phải là quá lớn và nhất là được tổ chức trong điều kiện còn eo hẹp về kinh phí như lễ hội “Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng” như thế này thì việc mời các “sao” không những điều kiện không cho phép mà đôi khi còn “phá” hỏng cả chương trình vì tính hài hòa của nó.

Ở lễ hội này, nếu tính cả những người không chuyên nghiệp thì dàn diễn viên tham gia đêm khai mạc lên đến 500 người – một con số không quá lớn nhưng đủ để “tạo áp lực” về tài chính cho các nhà tổ chức. Vì thế, tôi với tư cách là tổng đạo diễn chương trình, phải tính toán một cách kỹ lưỡng, sao cho chương trình không quá nghèo nàn nhưng cũng không quá… phung phí vì phải tập trung toàn lực cho đêm khai mạc.

PV: Nhưng nói gì thì nói, chúng tôi vẫn thấy rất ngạc nhiên là những cái tên ca sỹ, diễn viên ấy nghe rất lạ nhưng lại có một khả năng trình diễn không kém so với giọng chuyên nghiệp. Anh “tăm” những giọng ấy ở đâu vậy?

Đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Thể hiện các ca khúc trong chương trình khai mạc, ngoài ba nhóm nhạc (không phải là quá nổi bật trong làng nhạc hiện nay) là CLB Sóng Nhạc, nhóm Piano và nhóm FM thì phần lớn các ca khúc trong chương trình đều được sự đảm trách của các giọng ca chưa thực sự chuyên nghiệp. Đó là các giọng ca Thúy Vân, Minh Nhật, Quỳnh Anh, Ngọc  Khánh, Nhật Thư, Trần Phương, Thái Sơn, Duy Đỉnh… Hầu hết các em đều đang là sinh viên của Nhạc viện TP HCM, có giọng hát khá tốt.

PV: Hầu hết những ca khúc được trình bày trong đêm khai mạc là những ca khúc “nghiêm”, vậy theo anh, vấn đề ca khúc và người thể hiện liệu có gì không hợp lắm khi chọn dàn diễn viên hầu hết đều là trẻ tuổi, cho dù họ đang là sinh viên nhạc viện?

Đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Bấy lâu nay, trong xã hội thường phổ biến quan niệm cho rằng tuổi trẻ chỉ hợp với những bài hát trẻ, còn với những bài hát truyền thống thì họ.. dị ứng.

Tôi thì nghĩ vấn đề không hoàn toàn như thế; với người trẻ, nếu biết khai thác, giọng hát của họ cũng có thể được phát huy ở những ca khúc mang tính thính phòng.

Ở đêm khai mạc “Thăng Long, ngàn năm thương nhớ”, ngoài tác phẩm “Chiều Lâm Hà” của nhạc sỹ Dương Toàn Thiên, các ca khúc còn lại được đưa vào sử dụng đều là những ca khúc mang tính “truyền thống” và tương đối “kén giọng”. Đó là những bài “Nghìn năm Thăng Long” (của Thượng tọa Thích Chân Quang), “Người Hà Nội” (nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi), “Sóng đàn Hà Nội” (thơ: Trần Chính, nhạc: An Thuyên), “Hà Nội linh thiêng hào hoa” (Lê Mây), “Nhớ mùa thu Hà Nội” (Hoàng Dương)… Và, thực tế của đêm khai hội tối hôm trước đã chứng minh là các giọng ca trẻ vẫn hợp với các ca khúc “kén chọn” người hát ấy!

PV: Lúc nãy, anh có nói là sự hài hòa của cả chương trình. Chúng tôi thấy người dẫn chương trình cũng rất hợp. Nhưng đó cũng lại là một… người lạ?

Đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Đó là một người dẫn chương trình rất… mới! Tôi gặp cậu ấy ở Hà Nội cách nay 7 năm, thấy mến, tôi mời vào Đà Lạt chơi. Sau đó, cậu ấy về lập nghiệp ở TP HCM và được một nhà báo làm ở Đài Truyền hình VN (khu vực phía Nam) nhận làm con nuôi. Hôm trước khai mạc “Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng”, gia đình của cậu ấy có chuyện buồn (bố nuôi mất), tôi động viên cậu ấy cố lên. Và, như các bạn thấy đấy, người dẫn chương trình trong đêm khai mạc “Thăng Long, ngàn năm thương nhớ” đã đọc rất hùng hồn rằng: “Ta hòa mình trong tiếng trống tiếng chiêng… Giữa cao nguyên tràn ngập cờ hoa… Ta đồng nhịp với thời gian… Cùng cả nước lắng nghe từng tiếng gõ…”!

PV: Nghe nói trong kịch bản khai mạc “Thăng Long, ngàn năm thương nhớ”, nhất là trong lời bình, mà anh là tác giả, anh gửi gắm nhiều điều lắm?

Đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Khi nhận làm kịch bản cho lễ hội những ngày hội văn hóa Hà Nội trên đất Lâm Đồng dự kiến sẽ được tổ chức tại huyện Lâm Hà, quê hương của những người con Hà Nội trên đất Nam Tây Nguyên, tôi thực sự vui và cũng không ít lo lắng. Và, những ký ức về một Hà Nội mà tôi chứng kiến, mà tôi hòa mình vào nó với một tình yêu trong veo thuở trước chợt ùa về, chợt trỗi dậy trong tôi… Có rất nhiều điều đáng để nói, nhưng chung quy lại, tôi làm vì một tình yêu Hà Nội và vì một tình yêu Lâm Hà – mảnh đất mới của những con dân Hà Nội xa xứ.

Nói đến đây, nhà đạo diễn chương trình lễ hội “Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng” lại quay nhìn ra bên ngoài. Mưa vẫn ầm ào xối xả. Trời sập tối lúc nào không rõ. Sốt ruột nhìn đồng hồ, Nguyễn Vũ Hoàng buồn buồn: “Dời chương trình lễ hội cồng chiêng đêm nay sang đêm mai thôi!”, và anh bấm điện thoại di động. Trời vẫn mưa xối xả. Chúng tôi thầm mong: Ngày mai, trời sẽ tạnh! Đất trời nơi này vốn rất thương con dân Hà Nội xa xứ mà, nhất là trong những ngày đại lề Ngàn năm Thăng Long như thế này!

Khi chúng tôi ngồi viết bài này trong một quán cà phê ngay trước khu trung tâm huyện Lâm Hà – nơi đang diễn ra lễ hội “Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng”, trời đang trong veo, nắng vàng ru êm rắc nhẹ trên những sắc màu. Mong cho đêm nay không mưa, mong lắm!

Thụy Trang – Khắc Dũng – Tuấn Linh