Trả lại màu tự nhiên cho thổ cẩm

03:10, 25/10/2010

Để góp phần giữ gìn và phát huy giá trị thổ cẩm truyền thống Tây Nguyên, Khoa Sinh học (trường Đại học Đà Lạt) đã thực hiện đề tài nghiên cứu “màu nhuộm tự nhiên cho thổ cẩm”.

(LĐ online) -Sáng nay (ngày 25/10), trường Đại học Đà Lạt phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Màu nhuộm tự nhiên và sản phẩm thổ cẩm”.
 
Sản phẩm sợi thổ cẩm được nhộm màu từ chất liệu của rừng.
Sản phẩm sợi thổ cẩm được nhộm màu từ chất liệu của rừng.

Sau 2 năm triển khai nghiên cứu, đề tài bước đầu đã xây dựng được quy trình công nghệ để chiết tách màu từ các loài cây và xác định nguồn nguyên liệu để sản xuất màu tự nhiên.

Thổ cẩm là một sản phẩm truyền thống gắn liền với bao đời của cộng đồng các dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên. Nó được hình thành từ những chất liệu của rừng, và làm nên những chiếc “ui” bền chặt gắn liền với cuộc đời của người phụ nữ dân tộc bản địa; ngay bản thân nó – thổ cẩm đã mang nhiều giá trị văn hoá của người bản địa rất riêng và rất độc đáo. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua nghề dệt thổ cẩm đã bị mai một, trong khi nhiều cơ sở sản xuất ra sản phẩm được cho là “thổ cẩm” đã sử dụng màu hoá học để nhuộm sợi, làm giảm giá trị của thổ cẩm truyền thống.

Chủ nhiệm đề tài cho biết, quy trình chiết tách màu theo nghiên cứu này có thể áp dụng cho sản xuất quy mô công nghiệp và cũng có thể dùng cho sản xuất nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Giá thành của loại màu tự nhiên tuy cao hơn màu hoá học trên thị trường khoảng 2 lần, nhưng sản phẩm nhuộm màu tự nhiên lại có thể bán với giá cao gấp 5 – 6 lần so với loại nhuộm màu hoá học, đồng thời ít ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng.
 
Thụy Trang