Xã hội cần, thí sinh vẫn chê

07:10, 09/10/2010

Kỳ tuyển sinh này, không ít trường ĐH đã ngậm ngùi đóng cửa một số ngành đào tạo, trong đó có cả những ngành mà địa phương đang khát nhu cầu nhân lực. Mâu thuẫn này là do đâu?

Kỳ tuyển sinh này, không ít trường ĐH đã ngậm ngùi đóng cửa một số ngành đào tạo, trong đó có cả những ngành mà địa phương đang khát nhu cầu nhân lực. Mâu thuẫn này là do đâu?

Kỳ tuyển sinh này ĐH An Giang đã tuyên bố đóng cửa 5 ngành đào tạo do không thể tuyển được người học là các ngành Chăn nuôi, sư phạm Sinh, sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm Kỹ thuật công nghiệp và CĐSP âm nhạc.

Đoàn viên ĐH Đà Lạt "tiếp sức" cho thi sinh dự thi đại học.
Đoàn viên ĐH Đà Lạt "tiếp sức" cho thí sinh dự thi đại học.
Ông Trần Văn Thạnh, trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD cho biết, thật khó lý giải khi những ngành mà vùng đồng bằng sông Cửu Long rất cần nhân lực như chăn nuôi, trồng trọt thì trường không thể tuyển sinh nổi. Dù có quảng bá, về tận trường phổ thông hướng nghiệp nhưng thí sinh vẫn không vào. Trường học hiện nay rất cần giáo viên dạy học Tin học, vậy mà ngành này trường tuyển sinh cũng vô cùng chật vật. Rõ rằng là nhu cầu xã hội cần, nhưng sao thí sinh vẫn thờ ơ?

Lý giải hiện tượng các thí sinh đổ xô vào những ngành kinh tế, tài chính ngân hàng, ông Thạnh cho rằng, có thể đó là do “trào lưu”, do tên gọi các ngành này nghe “sang trọng” và quan trọng hơn là do các em nghĩ rằng, do học những ngành này ra có thể dễ xin việc  và xin được việc với mức lương cao. Còn những ngành như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, ngay tên gọi đã khiến liên tưởng đến chân lấm tay bùn, học xong ra trường lại phải về nông thôn nên thí sinh không thích.

Cũng giống như ĐH An Giang, năm nay, ĐH Lương Thế Vinh cũng phải đóng cửa 4 ngành là Thú y, Cơ khí, Nuôi trồng thủy sản, Bảo vệ thực vật, Văn hóa du lịch.

Ông Nguyễn Hữu Kiều, Trưởng phòng đào tạo ĐH Lương Thế Vinh cho biết, các trường khi mở ngành đều tính đến việc phục vụ đào tạo nguồn nhân lực mà địa phương cần. Như ĐH Lương Thế Vinh, tuy là trường dân lập mới mở nhưng cũng mở cả 4 khối ngành. Ngoài Kinh tế là khối ngành mà hầu như trường dân lập nào cũng mở, trường còn mở cả khối ngành Kỹ thuật công nghiệp; Nông lâm ngư và xã hội nhân văn.

Ông Kiều cho biết, xác định nhiệm vụ phục vụ nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Hồng nên trường đã mở khối ngành Nông lâm như, khối ngành mà ít trường dân lập quan tâm nhưng ngay từ những năm đầu đã gặp khó khăn về tuyển sinh. Ngành Thú ý khóa 2 tuyển được khoảng 15 thí sinh nhưng đến khi tốt nghiệp chỉ còn 9 em. Mặc dù, nguồn nhân lực những ngành này, theo ông Kiều sẽ rất cần, đặc biệt trong tương lai không xa.

Nguyên nhân mà ông Kiều đưa ra cũng không khác nhiều so với ĐH An Giang, đó là thí sinh muốn thoát ly khỏi nông thôn nên không muốn vào ngành nông nghiệp để khi ra trường các em phải quay trở lại nơi bị cho là khó khăn.

Năm nay, ĐH Đà Nẵng ngưng đào tạo đến 11 ngành. ĐH Bách khoa ngừng mở ngành Cấu kiện và vật liệu xây dựng; trường Sư phạm dừng ngành sư phạm Giáo dục đặc biệt; ĐH Ngoại ngữ dừng  các ngành tiếng NGa, sư phạm tiếng Trung, sư phạm tiếng Trung, cử nhân tiếng Thái Lan; ĐH Kinh tế dừng ngành Kinh tế lao động, Kinh tế quản lý công, kinh tế chính trị. Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, những ngành trên không hẵn xã hội có nhu cầu ít nhưng đó là những ngành khó kiếm việc làm thu nhập cao.

Đại diện nhiều trường có ngành phải đóng cửa năm nay cho rằng, để những ngành này “sống” được cần có chính sách khuyến khích của nhà nước khi tuyển dụng và đặc biệt là công tác hướng nghiệp cần được thực hiện có bài bản, hiệu quả ngay trong trường phổ thông.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Hợp, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Văn Hiến (trường đóng cửa 3 ngành học trong năm nay) lại cho rằng, chuyện các trường mở ngành, hay dừng đào tạo một số ngành nào đó là theo nhu cầu của xã hội, vì vậy, cũng nên coi đó là chuyện bình thường.
 
Theo báo Giáo dục và Thời đại