Nhiều vướng mắc khó tháo gỡ?

02:11, 30/11/2010

Hơn một năm triển khai Luật BHYT (Lâm Đồng triển khai từ tháng 9/2009), đến nay việc phối hợp giữa cơ quan và các cơ sở điều trị trong tỉnh còn nhiều vướng mắc. Các ngành chức năng chưa có sự đồng thuận trong việc tháo gỡ vướng mắc, vì vậy, sự thiệt thòi được đẩy về phía người bệnh.

Hơn một năm triển khai Luật BHYT (Lâm Đồng triển khai từ tháng 9/2009), đến nay việc phối hợp giữa cơ quan và các cơ sở điều trị trong tỉnh còn nhiều vướng mắc. Các ngành chức năng chưa có sự đồng thuận trong việc tháo gỡ vướng mắc, vì vậy, sự thiệt thòi được đẩy về phía người bệnh.
 
Người bệnh BHYT chờ hường dẫn các thủ tục liên quan tại BVĐK Lâm Đồng.
Người bệnh BHYT chờ hường dẫn các thủ tục liên quan tại BVĐK Lâm Đồng.

Bài I: CĂNG THẲNG THANH TOÁN BẢO HIỂM Y TẾ
 
Bệnh viện chi nhiều –BHYT thanh toán ít đã tạo sự căng thẳng trong việc giải quyết các chi phì khám chữa bệnh BHYT. Do khung giá viện phí Bộ Y tế quy định năm 1995, sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định 28 điều chỉnh, bổ sung danh mục và biểu giá thu một phần viện phí tại tỉnh giai đoạn 2006-2010, nhưng nay không còn phù hợp với thực tế. Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã thống kê sơ bộ 12 loại kỹ thuật, thủ thuật được triển khai trên bệnh nhân với chi phí cao gấp nhiều lần so với mức BHYT thanh toán. Đó là phẫu thuật mắt theo phương pháp phaco; chụp X quang kỹ thuật số, cắt amydan, sản, thở khí dung, thông tiểu, y học cổ truyền, thủ thuật nắn bó bột trong điều trị gãy xương, thủ thuật đặt sond blackemore, thủ thuật đặt catherter chạy thận cấp cứu, đặt máy tạo nhịp tim cấp cứu tạm thời, ghép khuyết xương sọ nhân tạo cimen, titan.

Chẳng hạn: cắt amydan bằng phương pháp gây tê được BHYT chi trả 40.000 đồng, nhưng hiện nay bệnh viện thực hiện bằng phương pháp gây mê đã hơn 400.000 đồng/ca. Thủ thuật nắn bó bột trong điều trị gãy xương được BHYT thanh toán 40.000 -50.000 đồng, trong khi chi phí bệnh viện cho bột bó đã 62.000 đồng. Thủ thuật đặt sond blackemore được BHYT chi trả 400.000 đồng/cái thì bệnh viện đã chi cho vật tư 1,5 triệu đồng/cái. Kỹ thuật ghép xương sọ nhân tạo phải có nẹp, vis, lưới titan, cimen do vậy phải thanh toán theo loại phẫu thuật kết hợp xương 1,2 triệu đồng, nhưng BHYT chỉ thanh toán 450.000 đồng. Tương tự BHYT chỉ thanh toán 75.000 đồng cho thủ thuật đặt catherter chạy thận cấp cứu, trong khi chi phí cho bộ catherter đã 640.000 đồng; BHYT chi trả 270.000 đồng cho kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim cấp cứu tạm thời, trong khi đó bệnh viện đã chi phí 3.770.000 đồng cho bộ dây dẫn điện cực. Một ca mổ chấn thương sọ não, vật tư tiêu hao đã 1,5 -2 triệu đồng, BHYT chỉ thanh toán 900.000 đồng. Dịch chạy thận nhân tạo 300.000 ngàn đồng/trường hợp, chỉ được BHYT thanh toán 100.000 đồng…

Hiện chưa có danh mục bệnh mạn tính, bệnh cần điều trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế nên có nhiều vướng mắc không thống nhất giữa bệnh viện và BHXH tỉnh. Ví dụ: bệnh xơ gan là bệnh mạn tính, khi bệnh nhân ra viện được bác sĩ tiếp tục cấp đơn thuốc theo quy định của bệnh mạn tính, nhưng BHXH Lâm Đồng không đồng ý do bệnh này không có tên trong các bệnh mạn tính theo Quyết định 82 (ngày 20/10/2010) của BHXH Việt Nam. Các bệnh viện không đồng tình về việc chạy thận nhân tạo trước năm 2010 được áp dụng điều trị nội trú, có tính chi phí giường bệnh, nhưng đến năm 2010, BHYT chuyển bệnh nhân chạy thận nhân tạo là đối tượng điều trị ngoại trú nên không thanh toán tiền khám cho bác sĩ.

Nhiều cơ sở điều trị ở Lâm Đồng bức xúc về việc BHXH tỉnh đang thu hồi tiền đã thanh toán cho thuốc cản quang trong chụp X quang, CT-Scanner từ năm 1998 đến quý 1/2010. Chi phí chụp CT-Scanner 1 triệu đồng/lần, trong đó sử dụng thuốc cản quang từ 150.000 -250.000 đồng. Theo các bệnh viện, quy định giá thu viện phí các kỹ thuật chụp X quang, CT.Scanner đã bao gồm cả thuốc cản quang. Nhưng BHXH Lâm Đồng cho rằng việc thu hồi này theo chủ trương của BHXH Việt Nam.
BS Nguyễn Bá Hy –Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng- cho biết:  Các trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào viện cấp cứu, do chưa có xác nhận kịp thời của cơ quan chức năng theo quy định của Luật BHYT, nên người bệnh phải tạm ứng chi phí trước cho bệnh viện. Điều này làm cho người nhà bệnh nhân phản ứng bệnh viện gay gắt, luôn thắc mắc vì sao có BHYT mà bệnh viện vẫn thu, nhiều trường hợp bức xúc đã gây rối tại nơi cấp cứu. Bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn trong việc kê đơn thuốc sau điều trị nội trú, việc hẹn tái khám đối với bệnh nhân BHYT chuyển tuyến, ảnh hưởng đến quyền lợi và gây phiền hà cho bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh viện không đồng tình việc BHYT cho rằng cán bộ y tế lạm dụng chỉ định xét nghiệm. Trong nhiều trường hợp phải áp dụng cận lâm sàng, xét nghiệm cơ bản mới chẩn đoán chính xác để tìm hướng điều trị cho bệnh nhân. Đối với một số trường hợp bệnh nhân gãy tay, các chấn thương, chụp động mạch não phải chụp X quang  ở nhiều tư thế, kỹ thuật này ít nhất từ 2-4 lần chụp (2-4 phim) nhưng BHYT chỉ thanh toán cho 1 phim chụp là không thoả đáng. Thời gian thanh quyết toán BHYT cho bệnh viện chậm, đến nay, BHYT vẫn chưa quyết toán 2,6 tỷ đồng số tiền khám chữa bệnh vượt quỹ BHYT của quý 2/2010 cho Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng.

BS Trần Ngọc Duyến –Phó Giám đốc BHXH Lâm Đồng cho rằng: việc biểu giá thu viện phí thấp chưa phù hợp hiện nay là tình trạng chung của cả nước. Tình trạng chi vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT cho phép luôn xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch và một số đơn vị y tế tuyến huyện, nhất là Trung tâm y tế Cát Tiên. Trong Quý 2/2010, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng có hơn 21 ngàn lượt khám chữa bệnh, chi phí hơn 7,7 tỷ đồng, trong đó chi vượt quỹ BHYT 2,6 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân khách quan, do các bệnh viện tuyến tỉnh nên việc chỉ định thuốc, cận lâm sàng, bệnh mạn tính nhiều. Nguyên nhân chủ quan, một số cơ sở y tế lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, kê nhiều kháng sinh, lạm dụng các xét nghiệm không cần thiết, ví dụ: bệnh nhân viêm họng không cần phải xét nghiệm 20 thông số, xét nghiệm cả HIV, men gan; bệnh nhân đau khớp vai lại được chỉ định xét nghiệm cả ký sinh trùng sốt rét…Thực tế kiểm tra, có tình trạng cán bộ y tế “bệnh nhiều” và đơn thuốc của cán bộ y tế cao hơn so với mặt bằng bệnh tật. Chẳng hạn: cùng một bệnh viêm loét dạ dày, viêm họng nhưng đơn thuốc của cán bộ y tế cao gấp 2-3 lần bình thường, do kê thuốc ngoại có giá cao. Điều này không thể hiện sự công bằng, hợp lý trong khám chữa bệnh BHYT. Trong chẩn đoán, đơn thuốc YHCT còn có nhiều bất cập do các tuyến huyện hầu như ít bác sĩ YHCT, chỉ có y sĩ YHCT. Phổ biến cách chẩn đoán theo Tây y nhưng điều trị bằng Đông y, chỉ định dùng thuốc tràn lan. Trong khi đó, chi phí một đợt điều trị bằng Đông y cao gấp 2-3 lần so với phương pháp Tây y.
Ông Duyến khẳng định: “BHXH tỉnh Lâm Đồng đã có đề xuất với Sở y tế đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành biểu giá viện phí mới. Nếu cứ áp dụng mức cũ thì các bệnh viện không cân đối được quỹ, vì BHYT thanh toán không đủ bù chi cho bệnh viện”.
 
Diệu Hiền