Bầu đại biểu Quốc hội và HĐND cùng ngày: QH đề nghị sửa luật triệt để

11:11, 08/11/2010

Tại phiên thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 8-11, đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng ý với việc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày.

Tại phiên thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 8-11, đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng ý với việc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày.

Đây là lần đầu tiên tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi cả nước vào cùng một ngày. Theo đại biểu Sùng Thị Chư (Yên Bái), việc tổ chức bầu cử trong cùng một ngày sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của nhân dân, phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

“Tinh thần tiết kiệm rất tốt, nhưng chúng ta tiết kiệm song không được giảm chất lượng mà phải tăng chất lượng các đại biểu được nhân dân bầu lên, đặc biệt chúng ta phải bảo đảm quyền làm chủ, quyền dân chủ của người dân”, đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) đề nghị.

Đại biểu Sùng Thị Chư yêu cầu đề cao tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, khắc phục tình trạng một đại biểu phải gánh nhiều cơ cấu như hiện nay. Luật bầu cử cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Hiện nay quy định trong luật còn quá chung chung nên việc hiệp thương lựa chọn người ra ứng cử thiếu tiêu chuẩn cụ thể. Đại biểu Quốc hội phải là người có năng lực hoạt động thực tiễn, có trình độ học vấn, có bản lĩnh chính trị vững vàng…

Theo đại biểu Hoàng Thị Bình (Cao Bằng), năm tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật bầu cử năm 1997 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 còn rất chung chung. Nếu đối chiếu các tiêu chuẩn này rất khó lựa chọn ứng cử viên vì sẽ có rất nhiều người đủ tiêu chuẩn. Do đó, trong thực tế việc lựa chọn ứng cử viên đại biểu Quốc hội phải căn cứ vào cơ cấu nhiều hơn. Đại biểu Bình đề nghị cần phải quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu còn đề nghị công bố ngày bầu cử sớm hơn theo quy định trong dự thảo. Theo dự thảo luật, thành lập Hội đồng bầu cử ở Trung ương chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, tương đương ở cấp tỉnh, huyện, xã là 95 ngày; Ban bầu cử 65 ngày, Tổ bầu cử 35 ngày trước ngày bầu cử. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, thời gian trên thực hiện bầu cử riêng cho đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là phù hợp. Còn nhiệm kỳ này là bầu chung một ngày, gồm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ba cấp, đòi hỏi công việc nhiều hơn, phải có thời gian chuẩn bị nhiều hơn. Do đó, ông đề nghị tăng thêm thời gian thành lập Hội đồng bầu cử ở Trung ương từ 105 ngày lên 120 ngày, tương đương ở địa phương từ 95 ngày lên 105 ngày. Đề nghị này được các đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An), Đặng Huyền Thái (TP Hà Nội), Trần Thị Dung (Điện Biên) ủng hộ.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Duy Nguyên (Hải Dương), Dự thảo mới gồm 4 điều và điều chỉnh 17 nội dung của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và điều chỉnh 12 nội dung của Luật bầu cử Hội đồng nhân dân chỉ đáp ứng được cho việc triển khai bầu cử vào tháng 5-2011 sắp tới, chưa phải là luật mới điều chỉnh một cách toàn diện thống nhất và dài hạn cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Vì thế, ông đề nghị Quốc hội cũng đồng thời triển khai việc chuẩn bị soạn thảo một luật mới thống nhất toàn diện dài hạn cho công tác bầu cử nói chung theo hướng bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân vào cùng một ngày, khắc phục các hạn chế bất cập của các luật cũ.

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) cũng cho rằng, định hướng về lâu dài nên nhập hai luật bầu cử là Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp làm một.
 
Theo Nhân dân