BS Jean-Paul Homasson đến Đà Lạt trong vai trò đồng trưởng ban tổ chức hội nghị hô hấp và phẫu thuật lồng ngực Pháp-Việt lần thứ VI, diễn ra trong 3 ngày (10-12/11) tại Trường ĐH Yersin Đà Lạt. Trước khi rời Đà Lạt, ông đã dành cho Báo Lâm Đồng một cuộc trò chuyện đầy cảm xúc.
Bs Jean-Paul Homasson phát biểu và người con gái được ông nhận đỡ đầu phiên dịch tại Hội nghị Hô hấp và Phẫu thuật lồng ngực Pháp-Việt lần thứ VI. |
Thưa ông, hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp và cũng dịp này, lễ kết nghĩa giữa Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện Denain (Pháp) đã diễn ra. Có thể nói, đây là sự kiện rất đặc biệt ?
BS Jean-Paul Homasson: Đúng vậy! Việc kết nghĩa này mở ra định hướng mới trong chương trình hợp tác đào tạo sâu rộng hơn và gắn kết chặt chẽ hơn trong tình hữu nghị. Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi gởi kiện hàng đầu tiên là trang thiết bị y tế từ Pháp cho Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng như: máy thở, máy tạo oxy, máy nội soi phế quản, máy cắt đốt nhiệt, giường đa năng. Đào tạo bác sĩ đi tu nghiệp tại Pháp về chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán điều trị bệnh lý hô hấp…Đồng thời, hàng năm Hội phổi và Bệnh viện Denain cử các giáo sư, bác sĩ đến Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng hướng dẫn chuyên môn. Việc kết nghĩa này sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản lý hành chính, tài chính, tổ chức bệnh viện, giúp đào tạo về chuyên môn chẩn đoán và điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực nội soi, thăm dò chức năng hô hấp.
Cũng nói thêm là từ năm 1994, Hội phổi Pháp-Việt được thành lập sau chuyến đi đầu tiên của tôi đến Việt Nam trước đó 2 năm. Hoạt động chính của Hội là giúp đào tạo cán bộ y tế Việt Nam tại Pháp có chuyên môn tốt để họ trở về đào tạo lại đội ngũ trong nước. Qua 18 năm, Hội đã làm nhịp cầu đào tạo 10 thạc sĩ, tiến sĩ Việt Nam tại Pháp, hàng ngàn lượt bác sĩ Việt Nam du học ngắn hạn tại Pháp, cung cấp các trang thiết bị trị giá hàng tỷ đồng, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện lớn ở Việt Nam như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Tp.HCM. Năm 1996, thông qua bác sĩ Dương Quý Sỹ -người Đà Lạt sang thực tập tại Pháp đã giúp chúng tôi thiết lập mối quan hệ hợp tác với Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Thời quan qua, Hội đã cấp học bổng du học cho một số bác sĩ học thạc sĩ, tiến sĩ và hơn 500 lượt cán bộ y tế địa phương được tài trợ du học ngắn hạn tại Pháp.
Và ông đã 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen. Trong dịp này, ông đón nhận niềm vinh dự ấy với cảm xúc diễn tả thế nào nhỉ?
BS Jean-Paul Homasson: Hãnh diện, vinh dự và xúc động! Tôi chia sẻ niềm vinh dự này với 160 thành viên của Hội phổi Pháp-Việt. Cũng nói thêm rằng ở Pháp, tôi đã vinh dự nhận Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh (Huân chương cao quý nhất của nhà nước Pháp - PV), ở Việt Nam tôi được Bộ y tế tặng Huy chương Vì sức khỏe nhân dân, là công dân danh dự của Tp.HCM…Có thể nói, tôi là bác sĩ ở Pháp duy nhất được nhận nhiều bằng khen danh dự của Chính phủ Việt Nam và nhiều địa phương. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp cho rằng tôi đã bị “Việt Nam hóa” rồi!.
Điều gì thôi thúc ông đến Việt Nam và thành lập Hội phổi Pháp-Việt hoạt động chủ yếu bằng nguồn kinh phí tự túc?
BS Jean-Paul Homasson: Bắt nguồn từ tình cảm của các thành viên Hội phổi Pháp, muốn giúp đỡ một quốc gia đang phát triển. Hội hoạt động từ kinh phí tự vận động đóng góp, nhờ sự tài trợ của các hãng dược. Kinh phí có được tập trung giúp đỡ Việt Nam (trang thiết bị y tế, học bổng cho du học sinh), chúng tôi dành thời gian nghỉ trong năm để đến Việt Nam tình nguyện chuyển giao kỹ thuật, chuyên môn y tế và không nhận bất cứ đồng tiền nào của hội. Mục đích của chúng tôi muốn giúp đào tạo người tài giỏi ở Pháp về Việt Nam làm việc và đào tạo lại cho người tại chỗ. Riêng tôi cảm thấy như bị nhiễm “vi rút Việt Nam” trong máu của mình. Ngoài việc hợp tác phát triển y tế, quan trọng hơn là thắt chặt tình bạn hữu giữa các bác sĩ Pháp và các bác sĩ Việt Nam. Đây là nền tảng để duy trì hợp tác lâu dài, giữ cho mối quan hệ bền vững. Cũng xin giới thiệu thêm tôi vừa là bác sĩ và đang giữ vai trò Phó Thị trưởng của thành phố Chevilly Larue. Với cương vị này, thành phố chúng tôi đã kết nghĩa với tỉnh Yên Bái của Việt Nam trong việc giúp đỡ xây dựng trường mẫu giáo, hệ thống an toàn thực phẩm…
Thật ngạc nhiên! Là Phó Thị trưởng của một thành phố Pháp đến Đà Lạt, ông cảm nhận thế nào về thành phố chúng tôi?
BS Jean-Paul Homasson: Đà Lạt rất đẹp! Có nét tương đồng về khí hậu, cảnh quan, kiến trúc Pháp. Đặc biệt, thành phố này được một người Pháp -BS Alexandre Yersin tìm ra. Đà Lạt còn mang dấu ấn “quá khứ” của Pháp, khiến chúng tôi đến đây cảm thấy thật gần gũi. Vì vậy, trong khai mạc hội nghị vừa rồi, chúng tôi dành thời gian cho phóng sự “Theo bước chân BS Yersin” do 2 bác sĩ Pháp giới thiệu. Chúng tôi ngợi ca về ông - một bác sĩ vừa là một nhà thám hiểm ra thành phố xinh đẹp của các bạn. Tôi đã nhiều lần đến Đà Lạt, ở đây, tôi còn có một người con - một cô bé được tôi nhận đỡ đầu đã 16 năm qua. Khi tôi gặp, cô bé mới 5 tuổi, con của một gia đình nghèo, bố mẹ không hòa thuận, sau đó người mẹ mất vì bệnh ung thư, bố sống ở Tp.HCM, cô bé ở với bà và dì tại Đà Lạt. Tôi nhận đỡ đầu chủ yếu tài trợ việc học hành, hiện con gái của tôi đang học ngoại ngữ năm thứ ba của Trường ĐH Đà Lạt. Vì vậy, Đà Lạt và con người nơi đây đối với tôi thật đặc biệt! Và tôi đã nhận lời mời của bà Giám đốc Sở Y tế mời dự lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2011) nhân kỷ niệm 35 năm thành lập ngành Y tế Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng sắp xếp sớm trở lại Đà Lạt.
Cám ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị!
Diệu HIền (thực hiện)