Ngày 15/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khiếu nại, các đại biểu quan tâm nhiều đến các quy định về việc khiếu nại đông người.
Góp ý chung về nội dung và bố cục của dự thảo luật, các đại biểu đánh giá, dự án Luật được soạn thảo nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc, đồng thời bổ sung nhiều vấn đề liên quan, gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội. Các đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành của Luật khiếu nại, tố cáo: quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.
Về nội dung khiếu nại đông người, theo đại biểu Trần Thị Phương Hoa - Nam Định, những năm gần đây kinh tế nước ta ngày càng phát triển, việc thu hồi đất để triển khai các dự án thường liên quan đến quyền lợi của nhiều người và thực tế dù pháp luật không cho phép, nhưng khiếu nại đông người vẫn xảy ra và cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể từ chối việc giải quyết. Do đó, đại biểu này đề nghị bổ sung thêm qui định về khiếu nại đông người và tách ra làm hai trường hợp cụ thể.
"Đối với việc khiếu nại mà nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì hướng dẫn công dân làm chung một đơn khiếu nại và cử người đại diện tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại. Đối với việc khiếu nại đông người nhưng mỗi người khiếu nại một nội dung thì hướng dẫn từng người làm đơn riêng và thụ lý riêng từng trường hợp để giải quyết", đại biểu Hoa đề xuất.
Cũng quan tâm đến khiếu nại đông người, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng đề nghị, dự luật nên bổ sung và làm rõ trường hợp cùng một lúc mà người khiếu nại vừa gửi khiếu nại đến cơ quan hành chính, vừa khiếu kiện ra tòa thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết và sự liên hệ, sự phối hợp giữa các cơ quan này như thế nào để thông báo cho nhau biết được về việc thụ lý giải quyết?
Theo đại biểu Thúy, cần có cơ chế bắt buộc người khiếu nại phải thực hiện nghĩa vụ là khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết để tránh khiếu nại vượt cấp, khiếu nại tràn lan. Đồng thời, cần có chế tài xử lý đối với trường hợp cố tình khiếu nại sai, không chấp hành quy định pháp luật quy định những trường hợp cơ quan Nhà nước được phép từ chối tiếp công dân.
"Tình trạng khiếu nại đông người đã diễn ra ở nhiều nơi là một thực tế đáng quan tâm. Đã có nhiều vụ những người dân khiếu nại từ các địa phương khác nhau, nội dung khiếu nại khác nhau đã tìm cách tổ chức cùng nhau tập hợp đông người, gây mất trật tự tại những nơi công cộng, cả trước Đại sứ quán nước ngoài. Vậy đây có thuần túy là những khiếu nại của công dân cho quyền lợi của mình hay là bị lợi dụng, kích động bởi âm mưu tập hợp để tập dượt nhằm ý đồ đen tối nào đó?", đại biểu Lê Dũng - Tiền Giang nêu vấn đề.
Theo đại biểu Dũng, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng tình trạng khiếu nại đông người để kích động gây rối, sự kích động để lợi dụng đó sắp tới có thể tinh vi hơn, vừa trắng trợn hơn. Do vậy, nếu Luật không quy định để điều chỉnh, tạo hành lang pháp lý nhằm chấn chỉnh và giải quyết tình trạng khiếu nại đông người thì các cấp, các ngành sẽ tiếp tục lúng túng trong xử lý.
"Tôi đề nghị Luật khiếu nại cần có những quy định về khiếu nại đông người, thế nào là khiếu nại đông người, trình tự thủ tục của việc khiếu nại đông người, trình tự thủ tục để giải quyết khiếu nại đông người, những việc được làm, những hành vi nghiêm cấm trong khiếu nại đông người... Những quy định đó cần rõ ràng, cụ thể nhằm giải quyết kịp thời có hiệu quả quyền lợi, nguyện vọng chính đáng hợp pháp của công dân, đồng thời ngăn ngừa và có cơ chế xử lý nghiêm khắc đối với kẻ xấu", đại biểu Dũng nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Việt Hưng - Hoà Bình đề nghị, cần có cơ chế hành chính cụ thể đối với những hành vi lợi dụng khiếu nại để trục lợi gây mất trật tự an toàn xã hội và phải quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan khi tham gia giải quyết khiếu nại đông người.
"Hiện nay chúng ta cũng chưa quy định cụ thể mà tính chất chung chung, do đó trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại đông người cũng chưa được hiệu quả lắm", đại biểu Hưng nhận xét.
"Khiếu nại đông người lâu nay trong luật của chúng ta nghiêm cấm nhưng thực tế vẫn tồn tại khách quan", đại biểu Lợi nói.
Vì vậy, đại biểu Lợi tán thành cao việc đưa quy định về giải quyết khiếu nại đông người vào dự thảo luật và đề nghị, luật nên quy định về nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định trình tự thủ tục giải quyết để đảm bảo quyền khiếu nại của công dân.
Đại biểu Trần Thế Vượng - Hải Dương đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ và công phu về khiếu nại đông người, phải có tổng kết. Theo ông, hiện nay đa phần khiếu nại đông người là khiếu nại không đồng tình với chính sách, pháp luật của Nhà nước.
"Chính vì lẽ đó mà những năm qua chúng ta cứ giải quyết mà không bao giờ giải quyết được bởi vì Luật khiếu nại là quyết định khiếu nại hành chính, mà trong khi đó, xét thấy người ta ra quyết định đúng cho nên cứ nói rằng dưới không giải quyết và đùn đi đẩy lại, nhưng thực ra là người ta quyết định đúng rồi thì không ai có thể giải quyết khác được", đại biểu Vượng nói.
Từ đó, đại biểu Vượng đề nghị, cần phải quy định riêng về khiếu kiện đông người và khiếu nại hành chính.