Câu chuyện một dòng sông

03:11, 24/11/2010

Trên đời này, có lẽ rằng, ai cũng có một người mẹ sinh ra, một nơi sinh ra, một nơi nuôi ta lớn lên, quê hương thường tồn tại trong ta bằng những điều rất cụ thể, một cánh đồng, một con ngõ, một người bạn gắn bó thuở ấu thơ, …

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trên đời này, có lẽ rằng, ai cũng có một người mẹ sinh ra, một nơi sinh ra, một nơi nuôi ta lớn lên, quê hương thường tồn tại trong ta bằng những điều rất cụ thể, một cánh đồng, một con ngõ, một người bạn gắn bó thuở ấu thơ, …

Quê hương là những chiều trốn học, đuổi bướm hái hoa, nhà thơ Giang Nam nói thế trong một bài thơ nổi tiếng Nhưng thực ra, không phải ai cũng có một quê hương theo nghĩa hẹp ấy.
    
Có khi, vì những cuồng quay của mưu sinh, có khi vì vô tâm, có khi vì không gắn bó sâu sắc với nơi nào … nên ta cũng chẳng biết quê mình thực sự là ở đâu, có kỷ niệm gì trong ký ức .
     
Trong vùng đất quê hương cụ thể ấy, với tôi, có một dòng sông của tuổi ấu thơ, con sông Đại Bình, chảy qua làng quê nơi tôi sinh ra, nơi tôi lớn lên, chảy qua vùng kỷ niệm của thời thơ trẻ .
 
Thực ra, sông Đại Bình chỉ là một con suối lớn, là một trong những phụ lưu của sông La Ngà. Tên bản địa là Đạbin, có lẽ do thuận miệng, người ta chuyển âm “Đạ” nghĩa là con suối, con sông, sang tiếng Kinh thành “đại”. Từ các dãy núi phía tây và phía nam Bảo Lộc, các nguồn của con sông nhỏ này gom nước ở vùng bắc đèo Bảo Lộc, chảy ngược về phía đông để gặp sông Đại Nga, từ đoạn đó, con sông có tên gọi Là Ngà xuất hiện trên bản đồ.

Nguồn chính của sông Đại bình tên là suối Cát, vì suối có nhiều cát, từ các khối đá Hoa cương bị thời gian tàn phá, rửa trôi theo dòng nước từ cả ngàn năm nay, người ta khai thác về trộn vữa xây nhà. Thượng nguồn có hai hệ thống thác nước, dãy thác bên trái được gọi là thác Bảy tầng, vì trên đoạn này có khoảng tám, chín thác lớn nhỏ kế tiếp nhau, vậy mà không hiểu sao, trên bản đồ  lại ghi là thác Bảy tầng. tầng thác phía dưới cao khoảng 20 mét nước đổ vào một máng đá, dòng nước cuộn xoáy chảy qua các gộp đá  xuống một đoạn bằng phẳng toàn đá cuội nhỏ, nước êm ả, mát lạnh. Đang leo đồi mệt mỏi, nóng nực mà xuống lội nước ở đây thì quả là không có gì sảng khoái hơn. Phía bên trái, cách thác Bảy tầng chừng cây số, có hai thác nước hình móng ngựa nằm nối tiếp nhau, nước đổ trắng xóa, nhìn giống như thác Ponguar ,mà nhỏ hơn mấy lần.
 
Những năm cuối thập niên bảy mươi, rừng ở đây chưa bị phá, những cây Kiền Kiền to hai, ba người ôm, thẳng tắp gần hai mươi mét, xếp như dựng nến dọc hai bên bờ suối. Mỗi khi rỗi rảnh, tôi hay đạp xe vào thác, ngồi trong làn hơi nước để nghe tiếng ầm ào của dòng nước xiết, để chờ lũ khỉ ,đàn cả trăm con chí chóe trên cành cây hay đi dọc suối thác tìm lan Thiết Hài, ngày đó, lan còn nhiều, mùa mưa, hoa Thiết Hài nở tím các gộp đá trên thác, lung linh, huyền ảo trong làn bụi nước. Phía thượng nguồn con suối có một trảng bằng khoảng  chục héc ta, nai, lợn rừng ở hàng đàn, có lần, tôi đã chứng kiến cảnh một con trăn gió, dài khoảng bốn mét tấn công và sau đó giết chết một con lợn rừng độ chừng ba chục ký.Khoảng đất đó, bây giờ đã là vườn cà phê tự bao giờ.
 
Một con suối có tên Đạ Kras, phát nguồn từ dãy núi phía bắc đèo Bảo Lộc, chảy qua vùng núi đá Huyền vũ trước khi vòng về phía đông, đổ xuống một khối núi đá tạo nên thác Ba cây nhang hùng vỹ. Sở dĩ có tên Ba cây nhang vì án ngữ ngay đầu đường vào vùng thác, sát đường 20, có một chiếc lư và ba cây nhang to, bằng xi măng cốt thép, xây hồi đầu thập niên bảy mươi, bây giờ ở đó mới dựng một ngôi chùa nhỏ. Con suối xuống thác, chảy quanh co giữa đồi chè bạt ngàn, Gần đó,cách mấy ngọn đồi, có con suối mang tên Đạ R’lùng, trên đó có cái thác nhỏ tên gọi thác suối Mơ mà người ta hay nhầm là thác Bảy tầng vì nó cũng có bảy gộp đá, nhưng nhỏ và không hùng vỹ mấy, có điều rất gần đường 20, nên nam thanh nữ tú thường rủ nhau đi chơi mỗi ngày chủ nhật. Con suối có tên là suối Mơ, vì những ngày nơi đó còn hoang vu, một nhóm thợ sơn tràng đi ngang, dừng lại cắm trại qua đêm, một người khen con suối đẹp như mơ, nơi đó thành điểm hẹn của những người thợ rừng và có tên từ đó.

Qua thác suối Mơ, cả hai con suối nhập vào nhau, rồi mang tên Đạlào, cũng là tên của một buôn Mạ Ngăn trước kia, Đất của buôn này trải dài sang đến suối Cát, giáp với vùng rừng của buôn B’xu Đăng Lú. Đạlào sau này chuyển âm sang tiếng Kinh thành Đại Lào, tên một ấp trước kia, giờ là tên của xã cuối cùng về phía tây -nam của thị xã Bảo Lộc.
  
Qua một vùng đất khá bằng phẳng, suối Cát và suối Đạlào gặp nhau, chảy cắt ngang đường 20 ở cầu Đại Lào, là cây cầu xây từ cuối thập niên 20 còn sót lại, có nhịp hình vòng cung, cầu nằm trên các con lăn thép. Mới đây người ta đã làm một cầu mới, ngay bên cạnh cầu cũ, chắc rằng chẳng bao lâu nữa, cây cầu nhỏ nhỏ xinh xinh trong kỷ niệm của mấy thế hệ người Đại Lào, sẽ không còn nữa, roài nó sẽ bị đập bỏ, lấy sắt bán phế liệu.

Từ chỗ hai con suối gặp nhau, bên bờ, những cây Ô Hạp to hằng mấy người ôm thi nhau phủ bóng trên dòng suối, quanh năm con suối luôn thoảng hương thơm, mùi thơm hăng hắc của loài cây có thân sớ xoắn này, có những cây, gốc chỉ một nửa bám vào đất, một nửa rễ thả xuống dòng nước trong xanh, làm nơi trú ấn cho lũ tôm suối. Đến bây giờ, đông người, rừng nguyên sinh không còn, thiếu gỗ,người ta đốn gần hết Ô Hạp, không còn chỗ cho những buổi chiều ngồi dưới tàn cây thả cần câu xuống nước, nghe hương thơm tỏa ra dìu dịu, cho lòng thanh thản quên đi những vật vã của cuộc sống bon chen. Hai bên bờ sông, giờ chỉ toàn gai Mắc Cọt. Hình như, đến nay, còn sót lại hai cây Ô Hạp, thân mang đầy thương tích, làm mố cầu, ở cầu treo thôn Ánh Mai 3 và cầu khỉ thôn Tân Bình. Cũng vì mất hết cây hai bên bờ, nên dòng suối trở nên hung hãn mỗi mùa mưa về, nó tràn bờ nhấn chìm, kéo theo dòng nước lũ mọi thứ, có nơi nước khoét sâu, bờ sụp lở hàng trăm mét .
 
Đoạn suối này có chỗ nước trong xanh, bờ suối thoai thoải bãi cát thật sạch, lũ trẻ chúng tôi hay tắm ở đó, thi nhau bơi ngược dòng nước, lên ngồi trên một thân Ô Hạp cong, vắt ra gần giữa suối, đứng trên đó, lấy đà nhảy lộn mèo xuống tận đáy suối sâu bốn năm mét, chuồn chuồn Ngô ở đây nhiều lắm, truyền thuyết về chuồn chuồn cắn rốn mau biết bơi, cũng được truyền miệng ở đây, bao trẻ nhỏ vùng sơn cước này biết bơi ở bãi tắm đơn sơ mộc mạc ấy.  Về sau ,trở lại, bãi tắm ngày xưa đã trở thành nơi vứt rác chợ Đại Lào, âu cũng là tất yếu của thời buổi kinh tế thị trường vậy.
 
Trên đỉnh núi V’nom Kon K’rim ở phía đông đèo Bảo Lộc, một con suối phát nguồn, chảy về hướng tây - nam  có tên Đạpêl. Ngày xưa, trên các triền đồi hai bên suối Đạpêl có rất nhiều dây xà bông, lúc tắm, lấy lá loài cây này vò trên đầu, bọt ra nhiều và cũng sạch như sát xà bông, vì vậy có tên Đạpêl, nghĩa là suối cây xà bông.Đến trảng B’lao S’re, nó đổ vào suối Đạ Ngào.
 
Phía tây nam Bảo Lộc, có một ngọn núi cao, tên là núi Vú, vì núi có năm ngọn, nhìn từ phía Bảo Lộc, giống hình một phụ nữ nằm xoải dài, ngực nhô lên đều đặn, nhọn hoắt, tên của dân tộc Mạ là V’nom S’rlung dưới chân núi có trảng Tà L’ngào là nơi xuất phát của nhiều con suối, đa số chảy về phía đông hoặc đông nam ra sông  Là Ngà, chỉ có một ngọn B’ngơ Đạ ngào, đổ về hướng đông bắc qua trảng B’lao S’rê, chảy quanh co dưới chân phía nam của ngọn V’nom Sapung. Đã có lúc, người ta đắp đập, chắn dòng, định biến trảng B’lao S’ré thành ruộng, lấy nước tưới từ đây, nhưng bất thành, công trình dở dang, còn lại con đập nhỏ và lòng hồ chứa nước. Ngày trước, nhiều người thường đi câu ở đó, giờ đây hình như đã có Việt kiều sở hữu, hồ và các dãy đồi gần đó bị rào lại, không thể còn  những buổi chiều thi nhau chèo thuyền câu quanh hồ như thuở nào nữa. Gần đến đoạn hợp lưu với suối Đại Lào,nó nhận thêm nước của dòng Đạtul làm thành một con sông nhỏ.Gần đó, có một đoạn là dấu tích con sông đã đổi dòng trong khoảng trăm năm gần đây, một đầu bị bồi lấp nên nhánh sông này không có đầu, con sông vì vậy có tên là sông Cụt, sông Cụt ngày xưa nhiều cá vô cùng, cá Me to hằng ký lô, cá lóc  hai ba ký rất nhiều, một đêm giăng lưới, cá Linh, cá Me đủ ăn cả tuần ở rẫy. Mùa nước cạn, đi bắt Trai cũng là một thú vui của lớp trẻ. Con Trai chôn mình dưới cát  hay dưới bùn nhưng luôn để lại một khe nhỏ ,là nơi Trai há vỏ ra thở, nhìn kỹ, nơi đó mặt cát hơi nhô lên, sủi tăm, chỉ việc đưa tay xuống nhặt Trai lên. Chiều tà, sau khi làm việc mệt mỏi, xuống sông Cụt bơi vài sải cho mát  rồi đi bắt Trai, chỉ một lúc là được một giỏ đầy.

Sông Cụt chảy qua đồi chè Lộc Châu, gặp suối Đại Lào thành sông Đại Bình từ đó. Con sông giờ đây chảy qua vùng trà, cà phê của Bảo Lộc , hòa cùng đỉnh Sapung làm nên cảnh núi rừng đẹp như tranh vẽ. Mặt sông phẳng lặng, không một ghềnh thác, nước chảy hiền hòa, tưới mát cho cuộc sống của những buôn làng  gần đó. Từ phía bắc đường 20 trên đất cũ của buôn B’ Xu, một con suối nhỏ chảy quanh co, tên là Đạ L’nghịt, nay dùng làm tên của một thôn người Mạ, thuộc xã Lộc Châu, con suối vượt đường 20, sau khi có nguồn nước từ suối Đạ Nhòng chảy từ Tân Hà xuống làm thành một con suối lớn, hòa nước vào sông Đại Bình.Có một dạo, khoảng ba mươi năm trước, con suối này là đường dẫn nước thải không qua xử lý của nhà máy chế biến bột giấy Bảo Lộc và sau đó là nhà máy ươm tơ gần đấy, làm sinh thái vùng này thay đổi hẳn, xóa đi các bãi tắm của lũ trẻ quanh vùng, làm mất đi loài Hến vốn nhiều như cát suối Đại Lào trên con suối nhỏ này.
  
Ngày xưa, hai bên sông là đất du canh của buôn Conhin Đạbin, trên những đồi rẫy cũ của họ, cỏ tranh bạt ngàn, đứng trên đường 20, đoạn đầu dốc Đỗ Hữu, chỗ trước khách sạn Hồng Thái bây giờ, nhìn xuống , sông Đại Bình thấp thoáng sau hàng Muồng vàng của thung lũng Nam Phương, bên kia sông, dãy đồi nhấp nhô, sau những cơn mưa đầu mùa, cỏ tranh nở bông trắng xóa, sườn đồi lộng gió, làm đồi cỏ đang mùa bông, dập dờn, như sóng nước.
 
Ngay trung tâm thị xã Bảo Lộc, hồ Đồng Nai như mặt gương soi bóng những dãy nhà dọc đường 20, Hồ này vốn là một đoạn con suối có tên  Đạ K’ longcun mà không hiểu sao tiếng Kinh lại gọi là suối Một, được đắp đập ngăn lại. Phía trên thượng nguồn, vốn có một cái hồ tự nhiên nữa, lau lách mọc đầy gọi là hồ suối Một, hồ này vừa ở gần trường trung học Bảo Lộc hồi ấy, vừa gần trường trung học tư thục Cộng Hòa, bây giờ là trường dân lập Lê Lợi, học sinh hai trường thường ra tắm, chơi đùa ở đây, ồn ào cả ngày, bây giờ đất chật, người đông, người ta đã lấp cái hồ be bé ấy , nhà cửa  mọc lên…
    
Từ hồ Đồng Nai, Đạ K’longcun chảy về phía đông, sau khi tưới mát cho vườn tược ven thị xã, con suối nhập vào sông Đại Bình ở chỗ gọi là Đá bàn, nước từ trên cao đổ xuống một khu có nhiều tảng đá to khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ, đền đó lúc vắng người có thể cảm nhận được sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên. Dọc sông, nhiều nơi có thể làm bãi tắm, trước đây, khi còn rừng, những cây cổ thụ bám dây leo chằng chịt, lũ trẻ hay đánh đu trên đó rồi buông mình xuống tận đáy sông. Ngày trước, cầu treo qua sông Đại Bình của buôn SôVen ở đoạn này, phía thượng nguồn, có một cây đa to, chim chóc kéo về tụ hội , tiếng chim hót líu lo cả một vùng, từ ngày cây bị đốn, chim chóc bỏ đi cả, không gian buồn tẻ hẳn.Người dân bản địa nói rằng cây đa đó vốn có thần ở, đốn cây, linh khí mất đi, đoạn sông này hết sinh khí, nhưng có lẽ, vì không còn rừng, cảnh sông nước mất đi vẻ đặc sắc, chẳng ai còn muốn tới. Nếu được tôn tạo, chỉnh trang lại, khu vực này có thể làm một điểm du lịch, nghỉ ngơi được, vừa gần thiên nhiên, vừa sát phố xá, chỉ đi mấy bước là đã đi từ nơi ồn ào, náo nhiệt sang nơi yên tĩnh, mát mẻ , cảnh sắc u tịch hẳn. Ngày trước, đoạn sông này rất nhiều rái cá, loài thú bơi lặn cực giỏi, những người lưới cá đêm ven sông thường chỉ lấy được đầu cá dính lưới, còn thân, rái đã ăn tự bao giờ. Vậy mà, có một thời, cặp chân trước rái cá cái có giá gần tạ gạo, người ta bắt gần như hết loài này, mà nếu có còn sót lại con nào, chắc rằng chúng cũng chết đói cả rồi, hoặc đã di cư đi tìm nơi sinh sống khác, vì cá đâu còn  nhiều ở sông này nữa.
   
Con sông chảy về phía đông ,gặp quốc lộ 55 ở cầu sắt Đại Bình, làm  phân giới một đoạn giữa thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, sau đó rẽ ngoặt về phía đông nam để gặp sông Đại Nga ở địa phận xã Lộc Thành huyện Bảo Lâm. Từ đó, dòng Là Ngà  qua hồ Hàm Thuận –Đạmi về vùng Hoài Đức, Tánh Linh , xuôi nam, nó lại gặp đường 20 ở cầu Là Ngà rồi hòa nước vào sông mẹ Đồng Nai.
   
Một con suối lớn vùng cao nguyên, có khi trên bản đồ chỉ là một nét vẽ ngắn, ngoằn ngoèo, có khi không có tên. Nhưng đấy là kỹ thuật, là bản đồ, là một tờ giấy chứa đựng nhiều thông tin, nhưng vô hồn. Còn trong ký ức của con người, con suối  đã thành con sông, con sông của tình yêu tha thiết  đối với mảnh đất đã nuôi dưỡng ta suốt tuổi ấu thơ. Chính những con suối, con sông đó, cùng những kỷ niệm buồn vui một thuở , đã là một phần hành trang vào đời của tôi. Con sông Đại Bình không chỉ là nguồn nước tưới cho những dãy đồi trà, cà phê bạt ngàn xanh tốt hai bên bờ , mà còn là nguồn mạch nhớ nhung của bao người Bảo Lộc.

Ghi chép: Ninh Thế Hùng