Chủ tịch Hội Luật gia Lâm Đồng khóa V: Các cấp Hội Luật gia đã chủ động nhiều hình thức nâng cao văn hóa pháp luật cho cộng đồng

03:11, 28/11/2010

5 năm qua, các cấp Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng đã tích cực trong mọi hoạt động của mình, góp phần đáng kể trong việc nâng cao dân trí pháp luật ở địa phương.

Ông Trần Đình Kháng, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng.
Ông Trần Đình Kháng, Chủ tịch Hội Luật gia
tỉnh Lâm Đồng.
5 năm qua, các cấp Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng đã tích cực trong mọi hoạt động của mình, góp phần đáng kể trong việc nâng cao dân trí pháp luật ở địa phương. Để hiểu rõ thêm vấn đề này, Phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn ông Trần Đình Kháng, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng khóa V.

PV: Là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, các cấp Hội Luật gia trong tỉnh Lâm Đồng đã phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí của mình, thể hiện rõ ở công tác hướng tuyên truyền pháp luật về cơ sở. Xin ông có thể cho biết cụ thể hơn ?

Ông Trần Đình Kháng: Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân…” và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp Hội Luật gia trong tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện gần 2.000 lượt tuyên truyền pháp luật, thu hút gần 1,1 triệu lượt người tham gia. Đồng thời phát hành về cơ sở gần 150 ngàn tờ gấp, tờ rơi, tạp chí pháp luật; 625 băng đĩa tập hợp nhiều lĩnh vực pháp luật; mở nhiều lớp tập huấn pháp luật cho hội viên Hội Luật gia… Những huyện, thành Hội triển khai hiệu quả dẫn đầu công tác tuyên truyền pháp luật là Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Tẻh, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng. Những hình thức tuyên truyền đã triển khai khá thiết thực gồm: Tuyên truyền miệng, xây dựng chuyên mục trên Đài Phát thanh và truyền hình, phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng tổ chức tuyên truyền với các chủ đề pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống bạo lực học đường, bình đẳng giới… Đặc biệt Hội Luật gia tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nông dân trên địa bàn. Ngoài ra ở cấp Hội Luật gia cơ sở đã tham gia hòa giải thành gần 2.250 vụ tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư .

PV: Trong các hoạt động chính trị của mình, các cấp Hội Luật gia Lâm Đồng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội ở địa phương. Xin ông cho biết thêm về điều này?  

Ông Trần Đình Kháng: Các cấp Hội Luật gia trong tỉnh Lâm Đồng luôn xác định nhiệm vụ nghiên cứu, góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy ước ở cơ sở là một trong những hoạt động chính trị của mình, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội ở địa phương. Các cấp Hội đã tham gia thẩm định và đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành trên 250 văn bản quy phạm pháp luật mới; rà soát hơn 3.000 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện, qua đó đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hàng trăm văn bản để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương. Và đã góp ý xây dựng trên 100 quy ước ở cơ sở. Đặc biệt Hội đã tham gia có hiệu quả tuyên truyền trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Lãnh đạo Tỉnh Hội còn tham gia trong Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, góp phần thực hiện tốt chiến lược cải cách tư pháp ở Lâm Đồng. Làm tốt nhiệm vụ này có thể kể đến các Huyện Hội Luật gia thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; các huyện Đức Trọng, Cát Tiên, Đam Rông; các Chi hội Luật gia Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng...  

PV: Trong Cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cấp Hội Luật gia trong tỉnh Lâm Đồng đã tập trung nâng cao trình độ chính trị, xây dựng ý thức kỷ luật, kỷ cương trong mọi hoạt động của mình. Vậy  ông dẫn chứng kết quả thực tế như thế nào? 

Ông Trần Đình Kháng: Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, 100% hội viên các cấp Hội Luật gia trong tỉnh Lâm Đồng tham gia học tập đầy đủ Nghị quyết của Đảng và tất cả chuyên đề sinh hoạt chính trị. Gắn cuộc vận động với việc xây dựng và phát triển tổ chức Hội, đến nay số lượng hội viên của Hội tiếp tục được kiện toàn và kết nạp mới. Toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 12 cấp Huyện hội; 17 Chi hội trực thuộc Tỉnh Hội; 128 Chi hội trực thuộc Huyện hội với tất cả 1.882 hội viên. Số tăng so với 5 năm trước gồm 01 Huyện hội, 92 Chi hội và 617 hội viên. Các huyện có 100% số xã có Chi hội Luật gia là Đức Trọng, Đam Rông và Lạc Dương.

Trong tổng số hội viên nói trên, chiếm 75% là Đảng viên. Trong đó nhiều hội viên tham gia vào cấp ủy từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Về trình độ pháp lý có: 80% trình độ đại học và cao đẳng, 20% trình độ trung cấp.    

PV: Với những hiệu quả công tác đáng kể trong 5 năm qua, ông đánh giá như thế nào về những bài học kinh nghiệm cho hoạt động của các cấp Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng trong nhiệm kỳ tới?

Ông Trần Đình Kháng: Có thể đúc kết 4 bài học kinh nghiệm chính trong hoạt động của các cấp Hội Luật gia Lâm Đồng trong 5 năm qua. Một là, quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, nắm vững pháp luật của Nhà nước có liên quan đến tôn chỉ và nội dung hoạt động của Hội. Đây là nguyên tắc chỉ đạo trong toàn bộ hoạt động của các cấp Hội và hội viên. Hai là, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên, các tổ chức Nhà nước và các tổ chức hữu quan. Thực tiễn cho thấy, nơi nào các tổ chức Hội Luật gia chủ động triển khai công tác Hội gắn với nhiệm vụ kinh tế- xã hội chung của Nhà nước thì nơi đó luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo hỗ trợ. Ba là, phát huy nhiệt tình, trí tuệ của đội ngũ cán bộ và hội viên, quan tâm đến lợi ích của hội viên. Để thực hiện điều này phải tiếp tục lựa chọn người đứng đầu các cấp Hội một cách dân chủ, công khai; người được chọn phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên tâm với công việc Hội, được sự tin cậy của cấp ủy Đảng và chính quyền, có quan hệ tốt với các cơ quan hữu quan. Bốn là, nâng cao năng lực điều hành của các cấp Hội. Tỉnh Hội Luật gia thống nhất tổ chức chỉ đạo, phối hợp hoạt động của toàn Hội. Ban Chấp hành của tổ chức Hội Luật gia các cấp phải thực sự là một tập thể đoàn kết, vững mạnh, năng động, thực hiện tốt vai trò tổng tham mưu của mình.

PV: Xin cám ơn ông !      

Văn Việt (Thực hiện)