Chuyện của một giáo dục viên đồng đẳng

03:11, 25/11/2010

Anh đồng ý công khai danh tính, nhưng tôi nghĩ rằng ngoài tên gọi, sẽ tốt hơn để anh giữ cho riêng mình những gì riêng tư. Tôi ghi lại công việc thầm lặng của một giáo dục viên đồng đẳng như một sự sẻ chia với mọi người.

Anh đồng ý công khai danh tính, nhưng tôi nghĩ rằng ngoài tên gọi, sẽ tốt hơn để anh giữ cho riêng mình những gì riêng tư. Tôi ghi lại công việc thầm lặng của một giáo dục viên đồng đẳng như một sự sẻ chia với mọi người.

Tại Diễn đàn các tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS khu vực các tỉnh thành phía Nam vừa tổ chức ở Đà Lạt, nhóm đồng đẳng của Lâm Đồng đoạt giải A phần thi kiến thức và giải khuyến khích toàn đoàn. Vinh dự này có sự đóng góp tích cực của anh Lâm - Trưởng nhóm đồng đẳng Đà Lạt, phụ trách nhóm nam giới.

Năm 2007, tham gia vào nhóm đồng đẳng, anh Lâm trải qua nhiều lớp tập huấn ở Đà Lạt, Đắc Lắc, Long An về kiến thức tiếp cận cộng đồng, kỹ năng cơ bản là phải vững kiến thức để tuyên truyền giải thích cho anh em, gần gũi, quen bạn để tâm sự. Anh cũng trải qua quá trình sát hạch 40 người mới chọn được 12 người, trong đó chọn ra 2 người làm trưởng nhóm đồng đẳng. Từ công việc của một trưởng nhóm đồng đẳng thời gian qua, anh Lâm đã tiếp cận khoảng 70 lượt người tiêm chích ma túy để tuyên truyền giải thích về hành vi nguy cơ không an toàn trong tiêm chích, cấp bơm kim tiêm mới cho họ, hướng dẫn tái sử dụng khi làm sạch bơm kim tiêm an toàn, thu gom bơm kim tiêm và giới thiệu họ đến các điểm tư vấn xét nghiệm tự nguyện, kể cả cấp phát bao cao su. Cứ 2 - 3 tháng, anh dẫn một vài người đi xét nghiệm, khi có kết quả dương tính với HIV anh đưa họ đến phòng khám ngoại trú của Bệnh viện đa khoa tỉnh để được khám và điều trị.

Công việc mất nhiều thời gian để len lỏi, tìm kiếm, tiếp cận họ. Trong khi ánh mắt mọi người, dư luận xã hội còn kỳ thị, va khi mọi người xung quanh hiểu thì cũng có sự quan tâm, nhưng ở phương diện hẹp, những thành viên trong gia đình đối tượng khách hàng cứ nghĩ anh là người lôi kéo con cháu họ vào con đường xấu. Bằng kinh nghiệm, anh Lâm phải thổ lộ với người có uy tín nhất trong gia đình để họ hợp tác giúp đỡ con em cai nghiện. Những người tiêm chích ma túy không có nguyện vọng gì, họ thường trốn tránh, sợ kỳ thị, nên rất khó tiếp cận. Họ cần sự chia sẻ, nhưng hay sống xa lánh. Hoàn cảnh càng nghèo, thì họ càng liều hơn, họ dùng chung bơm kim tiêm không chút đắn đo. Cách làm của anh Lâm là tiếp xúc từ những người bạn gần gũi, rồi mở rộng ra, anh đi khắp nơi, từ Vạn Thành, Phước Thành, Xuân Thọ, Xuân Trường, Tà Nung để gặp gỡ chuyện trò. Trước đây, anh Lâm làm nghề thợ hồ, giờ chạy xe tho, nên thuận lợi cho việc tiếp cận khách hàng thường xuyên hơn. Công việc không có thời gian biểu nhất định, đối tượng thay đổi địa điểm nhiều, nên việc tiếp cận khó khăn. Chỉ với thu nhập 300.000 đồng/tháng cho người trưởng nhóm đồng đẳng, anh Lâm phải chi phí tốn kém để vào các nơi như nhà hàng, quán bar để tiếp cận đối tượng. Anh em tiêm chích thường nhận thức thấp, ăn nói xô bồ, hay gây gổ, vì vậy anh Lâm thường rủ thêm bạn cộng tác viên đi cùng. Gặp đối tượng khách hàng khó tính, họ lớn tiếng miệt thị, chửi bới, lăng nhục, uy hiếp và phủ nhận không tiêm chích, anh Lâm vẫn bình tĩnh, ôn tồn giải thích. Đối với người trẻ, anh Lâm có cách tiếp cận từ xa đến gần để khuyên nhủ họ, có trường hợp anh tác động gia đình các em, nhưng phải mất 6 - 7 tháng trời mới tiếp cận thành công.

Cuộc sống khó khăn, có nhiều tác động phải suy nghĩ, từ tác động xã hội và thu nhập thấp, có lúc anh Lâm định từ bỏ công việc của một đồng đẳng viên. Nhưng rồi anh nghĩ đến anh em, đến trách nhiệm của trưởng nhóm, “mình không làm thì mất quyền lợi anh em” - tự nhủ vậy và anh tiếp tục làm việc. “Không có tấm lòng thì không làm được” - anh Lâm cho biết.

Nỗi ưu tư của anh Lâm là hầu hết anh em nghiện nặng, bệnh nặng, kinh tế gia đình khó khăn, kiệt quệ về sức khỏe và kinh tế nhưng không có nguồn quỹ nào của xã hội hỗ trợ cho họ. Các trang bị y tế giúp chăm sóc tại nhà còn thiếu nhiều. Chứng kiến bạn bè trong nhóm đồng đẳng đã ra đi gần chục người, anh nghĩ: “Cuộc sống quý giá, không “quay đầu vào bờ” thì tôi cũng đã ra đi. Vì vậy, tôi phải học nhiều kiến thức về phòng chống HIV, có tinh thần làm việc và thấy việc làm của mình có hiệu quả, tác dụng lớn, có ích cho anh em. Niềm vui của các đồng đẳng viên là khi tiếp cận và giúp thêm được một người hiểu được và biết cách phòng tránh lây nhiễm HIV”.

An Nhiên