Đến nay có không ít cán bộ, cấp cơ sở vẫn chưa nắm rõ Luật này nên tỏ ra lúng túng trong tư vấn, xử lý... Vì thế, rất cần thiết việc ban hành khung giám sát, đánh giá để thực hiện Luật, để cấp cơ sở căn cứ vào đó tổ chức, thực hiện.
Ảnh minh họa. |
PGS.TS Đặng Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) cho rằng, phải xác định rõ nguyên nhân, thực trạng của tình trạng bạo lực gia đình thì mới phòng ngừa, ngăn chặn được. Ở những vùng sâu, vùng xa, nguyên nhân cụ thể của tình trạng bạo lực gia đình là do kinh tế kém phát triển, đời sống vật chất thiếu thốn, nạn rượu chè, cờ bạc,... ThS. Trần Thị Hồng, Viện Gia đình và Giới cho biết, qua những lần khảo sát ở cơ sở cho thấy, cán bộ ở địa phương chưa hiểu về Luật, theo đó chưa xác định được như thế nào là hành vi bạo lực gia đình nên lúng túng trong công tác phòng ngừa.
Chia sẻ với ý kiến này, bà Phạm Thị Thanh Nhã (Sở VHTTDL TP.HCM) cho biết, thực tế đáng buồn hiện nay là cán bộ ở cơ sở chưa nắm vững văn bản Luật. Do đó, khi địa phương tổ chức hội thảo về giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình thì chủ yếu nhận được báo cáo thành tích chứ chưa đánh giá được một cách cụ thể về thực trạng trên địa bàn. Theo bà Nhã, chưa biết được đâu là dấu hiệu của bạo lực gia đình thì không thể nào phòng ngừa được. Do đó, phải có khung giám sát, đánh giá để cấp cơ sở căn cứ vào đó thực hiện, trong đó chú trọng đến công tác phòng ngừa.
Vấn đề bạo lực gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và liên quan đến hầu hết các yếu tố của đời sống xã hội. Trong khi đó, nguồn lực để thực hiện Luật còn thiếu và yếu, nhất là năng lực chuyên môn của cán bộ xã, phường... Vì thế cần lồng ghép công tác phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình của những ngành khác, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Điều phối viên quốc gia (Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hiệp quốc), nên lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo; phòng, chống tội phạm,... Đây là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình - Xã hội (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cũng cho rằng, trình độ năng lực của cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế, phải kiêm rất nhiều lĩnh vực khác nhau nên không thể nắm bắt hết tình hình được. Do đó, cần lồng ghép công tác phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình hoạt động của những đoàn thể khác như Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc... Bà Mai cho biết, mô hình “Ngôi nhà bình yên” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong 4 năm qua đã tiếp nhận và hỗ trợ cho hơn 4.000 chị em phụ nữ đến tạm lánh. Tại đây, các nạn nhân sẽ được tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ nhiều dịch vụ khác nhau...
Liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực ở cấp cơ sở, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng về tính chính xác của những báo cáo. Bà Lưu Thị Phượng, Phó giám đốc Sở VHTTDL Đồng Nai nói, nghịch lý hiện nay là những người làm công tác gia đình ở xã, phường gánh rất nhiều việc nhưng chế độ thì rất thấp. Điều này dễ nảy sinh hiện tượng báo cáo thiếu trung thực vì họ không gánh vác hết nhiệm vụ. Do đó mong muốn có khung giám sát, đánh giá cụ thể để các địa phương thuận lợi hơn khi thu thập số liệu tại những thôn ấp, làng bản. Bà Nguyễn Thị Nguyên, Phó giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng cho biết, cán bộ cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, thiếu cộng tác viên để thu thập dữ liệu và giám sát tình hình thực hiện Luật. Vì thế, nội dung giám sát, đánh giá việc thực hiện Luật nên thu gọn, dễ hiểu để những người trực tiếp đi tổng hợp số liệu báo cáo những con số chính xác hơn.