Do mưa trên diện rộng, mực nước của một số hồ chứa và sông, suối trong tỉnh lên cao, mực nước hồ thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh lên rất nhanh.
Chưa bao giờ ngập lớn như vậy
Mưa dài trên diện rộng cộng với xả lũ, huyện Đơn Dương chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Cống xả lũ Đa Nhim phải liên tục tăng, ngày 01/11 từ 150 m3/s lúc 12g đến 200 m3/s lúc 14g, sau đó xả 300, 400m3/s và bắt đầu từ 8 giờ ngày 02/11 xả 500m3/s, giữ lại lưu lượng nước trong hồ 300m3/s.
Nước ngập hàng trăm ha rau màu ở hạ lưu hồ Đa Nhim. Ảnh: Minh Đạo |
Bà con nông dân tranh thủ thu hoạch chạy lũ. Ảnh: M. Đạo |
Trong số 5 ngôi nhà của dân bị sập do sạt lở đất, nhà của bà Đinh Thị Lợi (nhà 197, tổ 91, Lý Thường Kiệt, thị trấn Đ’Ran) bị ảnh hưởng nặng nhất.
Khoảng 15 giờ ngày 01/11, một khối lượng đất lớn từ núi đổ ập xuống làm sập nửa ngôi nhà xây, vùi 2 xe máy cùng nhiều tài sản khác. Chị Lợi vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ sệt nói: “Ba tiếng nổ “ầm, ầm, ầm”, tôi run tay bủn rủn không biết gì nữa... May mà mấy mẹ con đang ở ngoài chưa vào nhà, sớm một chút thì ba mẹ con cũng chết mà muộn một chút thì ông xã về cũng chết”.
Chị Đinh Thị Lợi rầu rĩ trước nhiều tài sản đang bị vùi dưới đống đổ nát của ngôi nhà. Ảnh: M. Đạo |
Theo ông Hùng, “Vùng cống dâng Nghĩa Bình, riêng mưa đã bằng mức xả lũ 150 m3/s cộng với xả lũ 500 m3/s nữa nên nước ngập rất lớn. Các cụ già ở đây bảo chưa bao giờ thấy ngập cao như thế”.
Có thể còn lở đất, lũ quét
Tại hiện trường vùng lũ Đơn Dương, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Mai Nam Dương trả lời Lâm Đồng Online: “Mấy ngày qua trên địa bàn của Lâm Đồng mưa nhiều, mưa lớn, mưa trên diện rộng, thượng nguồn của hồ Đa Nhim mưa lớn cho nên làm cho dòng chảy của hồ tăng tương đối nhanh, từ 100 m3/s chuyển thành 600 m3/s trong ngày 01/11. Ngày 02/11 lưu lượng về hồ giữ mức đấy sau đó có giảm cho nên mức xả lũ tại hồ tương đối cao làm cho diện tích ở vùng hạ du bị ngập lụt tương đối nhiều, gây thiệt hại nhiều về hoa màu, nhà cửa của nhân dân ven hạ du sông Đa Nhim. Việc mưa nhiều cũng gây sạt lở đất ở nhiều khu vực nhưng rất may là chưa thiệt hại về người. Hiện nay mưa lũ đã giảm mức độ lớn và có thể trong 1-2 ngày tới đây cường độ và lưu lượng mưa có thể giảm bớt nên có thể ngập lụt không tăng thêm nhưng diễn biến khí hậu thời tiết trong năm nay có những dấu hiệu bất thường. Ví dụ cho tới lúc này vào đầu tháng 11 rồi nhưng lượng mưa trung bình từ đầu năm đến nay mới đạt được khoảng 70% so với trung bình nhiều năm. Như vậy trong tháng 11 và 12 này chưa phải là đã hết mùa mưa, mà có thể diễn biến mưa tiếp tục tăng hơn so với những tháng của giữa mùa mưa, làm cho mực nước ở các sông suối tiếp tục tăng và việc gây sạt lở đất, lũ quét vẫn có thể xẩy ra. Vì vậy chúng ta không thể chủ quan, cho rằng cuối mùa mưa rồi, không còn những ảnh hưởng lớn từ thiên tai. Phải có những giải pháp để phòng tránh, đối phó với tình hình”.