Trần Bình Phương và khát vọng về một nguồn sáng

02:11, 11/11/2010

Vóc người cân đối, da trắng, gương mặt rất đàn ông, với cặp kính đen lịch lãm, mỗi khi nói, lại nở nụ cười khiến người đối diện mới gặp không nghĩ Phương là một người khiếm thị. Tôi cũng vậy, chỉ khi anh đứng lên cầm chiếc gậy khua khua vào khoảng không tìm đường ra về, tôi mới biết.

Chân dung một ông chủ khiếm thị

Vợ chồng Trần Bình Phương trước cơ sở Nguồn Sáng 2 ( 5M. Phan Như Thạch - phường I - Đà Lạt).
Vợ chồng Trần Bình Phương trước cơ sở Nguồn Sáng 2 ( 5M. Phan Như Thạch - phường I - Đà Lạt).
Vóc người cân đối, da trắng, gương mặt rất đàn ông, với cặp kính đen lịch lãm, mỗi khi nói, lại nở nụ cười khiến người đối diện mới gặp không nghĩ Phương là một người khiếm thị. Tôi cũng vậy, chỉ khi anh đứng lên cầm chiếc gậy khua khua vào khoảng không tìm đường ra về, tôi mới biết.
 
Gặp Phương cách đây hơn 10 năm tại nhà một người bạn, khi đó chúng tôi mới ở tuổi đôi mươi. Ấn tượng của tôi về Phương là “một người trẻ tuổi, hiểu biết và nhiệt huyết”. Chúng tôi nhanh chóng trở thành những người bạn. Phương nói với tôi rất nhiều về ước mơ, dự định của mình. Phương thích đọc các tài liệu về kinh tế, luôn ngưỡng mộ những tấm gương doanh nhân trẻ thành đạt, biết làm giàu nên có lúc anh nói: “Tôi muốn trở thành một doanh nhân”. Phương cũng có thói quen nghe đài phát thanh, hầu như đêm nào cũng nghe để biết tin tức trong tỉnh, trong nước và thời sự quốc tế. Thấy người làm báo có mặt ở mọi nơi, tiếp cận mọi vấn đề của đời sống, gặp gỡ nhiều người, nên có lần anh lại nói: “Tôi cũng thích được làm nhà báo như bạn”. Chơi thân với nhau, hiểu nhau, với sự mẫn tuệ của Phương, tôi biết anh có rất nhiều ước mơ, hoài bão mà trong đó có những ước mơ… không thể thực hiện được.

Sinh ra với đôi mắt sáng, lên 4 tuổi số phận lấy đi ánh sáng của anh. Cha mẹ không khá giả, nhưng đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác tìm thầy chạy chữa cho con, nhưng vô vọng. Lật giở lại tập album gia đình đã cũ, ảnh cậu bé dưới 4 tuổi trong những tấm hình da trắng, gương mặt khôi ngô, ánh mắt sáng ngời, Phương bảo: “Cất đi. Chẳng tiếc làm gì. Tôi là chính tôi của hôm nay và ngày mai”. Lớn lên, anh được học hết phổ thông với chương trình dành cho người khiếm thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Say mê học tập, thích tìm tòi; tri thức đã tiếp cho Phương sức mạnh. Không mặc cảm, không trách phận, Phương bảo: Ông trời luôn công bằng, thường cho người ta thứ này, và lấy đi của người ta thứ kia. Muốn mọi người xung quanh xem mình là người bình thường như bao nhiêu người khác, thì trước hết chính mình phải xem mình là người bình thường. Với tinh thần lạc quan và có rất nhiều khát vọng lớn, Phương thật sự bình thường trong mắt tôi, nhiều khi tôi quên anh là người khiếm thị.

Gian nan bước khởi nghiệp và ước mơ về một nguồn sáng

Công việc, cuộc sống cuốn tôi đi. Gặp lại Phương, bên cạnh anh là một cô gái tên Quế, nhanh nhẹn và tốt bụng. Quế quê ở Đắc Lắc, đi học Đại học Đà Lạt. Trong những buổi tham gia công tác xã hội, họ gặp nhau và đến với nhau bằng tình yêu thực sự. Sát cánh bên Phương, hai người bổ sung cho nhau, cô trở thành đôi mắt sáng ngời cho anh. Có những chiều Đà Lạt không nắng, ba chúng tôi cùng đi uống trà Cung Đình trên đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn. Phương nói về một doanh nghiệp, chưa biết kinh doanh gì, nhưng phải mang tên “Nguồn sáng”. Mong ước lớn nhất của Phương là tạo được việc làm cho những người khiếm thị.

Một thời gian sau, tôi đến thăm Phương, Quế vẫn ở căn hộ tập thể (37.Trần Hưng Đạo - phường 10) bố mẹ dành cho để Phương “muốn làm gì thì làm theo ý thích của mình” ngổn ngang cây chít làm chổi. 7 - 8 người khiếm thị đang ngồi thắt, cột, chuốt… những bàn tay mò mẫm. Ai cũng cần mẫn với niềm vui được làm việc, được là người có ích. Vui nhất là những bữa cơm trưa được dọn ra, chỉ có Quế là người sáng mắt ngồi xới cơm lần lượt cho từng người, mọi người quây quần ấm cúng, không khí thật thấm đẫm tình người. Vào thời điểm năm 2002, được sự hỗ trợ của một số tổ chức xã hội, cá nhân có lòng hảo tâm, Phương đã đứng ra mua vật liệu: Bông chít, dây kẽm, cán chổi bằng tre, gỗ. Để bó được một cây chổi, phải qua nhiều công đoạn như bó lọn, tết chặt, bó cán… và quan trọng nhất là phải bó làm sao xiết cho thật chặt để khi quét, chổi không bị bung ra. Với người sáng mắt làm công việc này đã khó, với người khiếm thị lại càng khó hơn. Sản phẩm làm ra ngày một nhiều, nhưng chất lượng không đồng đều, cái thì bán được, cái thì không.  Phương cùng Quế đã đi nhiều nơi: Công sở, trường học, chợ… để giới thiệu, chào hàng, nhưng sản phẩm vẫn ứ đọng. Không tìm được đầu ra, không cạnh tranh được với chổi của làng nghề Du Sinh (phường 4) vốn có tiếng từ lâu ở Đà Lạt. Tiền bỏ ra, công sức đổ vào mà không có thu, cơ sở làm chổi Nguồn Sáng thành lập được chưa đầy một năm thì ngưng sản xuất. Trong lúc khó khăn, Phương vẫn rất lạc quan, cặp kính đen, đôi môi lúc nào cũng hé rạng một nụ cười. Nụ cười đó làm người đối diện tin anh không bao giờ nản chí mà đang ấp ủ một dự định mới.

Phải kinh doanh ở lĩnh vực mình am hiểu, phù hợp với mình thì mới thành công – Nhiều đêm trăn trở, Phương nhớ lại thời đi học ở thành phố Hồ Chí Minh, được hướng nghiệp về vật lý trị liệu. Anh quyết định trở lại thành phố học mát-sa, đấm bóp thành nghề để… kinh doanh. Được bạn bè khiếm thị ở cơ sở vật lý trị liệu Chiến Thắng (quận Tân Bình) tận tình chỉ dạy miễn phí, Phương học và tiếp thu được những tinh hoa đấm bóp, mát-sa của người Nhật kết hợp với đọc và tìm hiểu các tài liệu về mát-sa trị liệu của các nước phương Đông (Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ), với đôi tay nhạy cảm, khéo léo, anh nhanh chóng lành nghề. Học nghề rồi, nhưng không có vốn, số tiền anh có chỉ đủ để in vài hộp danh thiếp. Đã có lúc anh nghĩ đến việc đi đấm bóp, mát-sa “dạo”, bằng cách đi tự giới thiệu và phát danh thiếp ở các khách sạn, nhà nghỉ du lịch, khi nào khách cần có thể gọi điện anh sẽ được vợ đưa đến phục vụ tận nơi…  Xoay xở mãi, giữa năm 2003, cơ sở vật lý trị liệu Nguồn Sáng ra đời. Những người thợ đầu tiên cũng là những người khiếm thị được anh Phương chỉ dạy, truyền nghề. Trong lúc các phương tiện truyền thông đại chúng nói nhiều về các cơ sở mát-sa trá hình, dịch vụ mát-sa vốn mang tiếng xấu, thì việc cho ra đời một cơ sở dù “sạch” nhưng liên quan đến vấn đề tế nhị, nhạy cảm “tắm táp”, xoa bóp dễ khiến người xung quanh nghi ngờ…

Bẵng đi một thời gian không gặp Phương, chẳng còn biết cơ sở mát-sa của anh có bị “nhuốm màu” trong cơn lốc cạnh tranh thị trường hay không. Bỗng một buổi trưa, một đồng nghiệp của tôi rủ: “Ăn nhậu xong, tụi bao mọi người một chầu mát-sa sạch”. Nhiều người dị ứng: “Thời buổi này làm gì có mát-sa sạch”. Đồng nghiệp của tôi khẳng định chắc nịch: “Sạch 100%! Thử đi rồi biết. Sảng khoái, khỏe người, và sẽ té ngửa ra mà tiếc hùi hụi vì từ lâu mình bỏ qua một dịch vụ quá có lợi cho sức khỏe chỉ vì không biết”. Nghe đồng nghiệp say sưa “quảng cáo”, tôi lâng lâng, một niềm vui khó tả, xen lẫn niềm tự hào. Ông chủ “mát- sa sạch” là Phương, bạn tôi đấy. Những người bạn của tôi thì không làm việc xấu bao giờ. Định nói những lời như thế, nhưng tôi đã không nói ra.

Mát-sa “sạch” mang thương hiệu Nguồn Sáng!

Đem niềm vui, niềm tự hào vì có một người bạn đã tạo ra thương hiệu “mát-sa sạch”, tôi đến thăm Phương. Nhưng phải đi đến lần thứ 3, qua hai cơ sở Nguồn Sáng, tôi mới gặp được Phương. Cả Quế nữa. Lần nào dừng xe trước cửa, tôi cũng bắt gặp dòng chữ rất to trên biển hiệu: “Xông hơi, đấm bóp, phục vụ nghiêm túc, trong sáng, lành mạnh. Giá 50.000 đồng”. Đến 5 năm không gặp rồi mà Phương còn nhận ra tôi qua giọng nói. Hai bạn đang tất bật sơn sửa lại ngôi nhà mới mua trên đường Nguyễn Văn Trỗi để mở thêm Nguồn Sáng 3. Họ đã có với nhau một cô con gái gần 4 tuổi. Trong tổ ấm hạnh phúc của Phương, chúng tôi lại trò chuyện về mát-sa, đấm bóp.

Chỉ có ông chủ tự tin và tự hào với chất và lượng sản phẩm dịch vụ do mình tạo ra mới dám đi đăng ký bản quyền để tránh sự xâm phạm, bắt chước. “Mát-sa sạch Nguồn Sáng” đã được đăng ký quyền sở hữu độc quyền thương hiệu với Sở khoa học công nghệ Lâm Đồng cách đây 2 năm. Trong sáng, lành mạnh luôn là “tôn chỉ, mục đích” của cơ sở vật lý trị liệu Nguồn Sáng mà Phương gây dựng trong suốt 7 năm qua. Những ngày đầu, mát-sa Nguồn Sáng rất ít khách. Cũng chính từ định kiến không tốt của xã hội về dịch vụ mát-sa, nên những người ít tiền thì không dám đến vì cứ nghĩ nơi đó chỉ dành cho các “đại gia” vung tiền “hưởng thụ”; còn kẻ có tiền thì tìm đến không vì mục đích sức khỏe, mà lại đi tìm “thứ khác”. Đã không ít “đại gia” bị mời ra vì đòi hỏi “ngoài khả năng đáp ứng” của Nguồn Sáng… Giữ mình cho “sạch” trong môi trường du lịch nổi tiếng như Đà Lạt đối với dịch vụ mát-sa là khó, nhưng anh Phương có nguyên tắc riêng: “Mình kinh doanh theo bản chất của mình”. Chỉ 50 ngàn đồng cho một lần xông hơi, đấm bóp, mát-sa, bấm huyệt trị liệu, Nguồn Sáng hướng đến đối tượng phục vụ là người lao động bình thường, công chức, người có lối sống lành mạnh. Từ đôi bàn tay thoăn thoắt ấn trên lưng, bấm huyệt bàn chân khéo léo, thuần thục, nhân viên tận tình, phục vụ nghiêm túc; sau hơn 1 giờ được phục vụ mát-sa với đầy đủ các bài trị liệu, động tác đấm bóp thích ứng từ đầu đến chân, khách hàng thực sự có cảm giác được thụ hưởng thành quả của y học cổ truyền. Nhiều người đến một lần rồi thấy mình như đã tìm ra một giải pháp chăm sóc sứa khỏe hữu hiệu, họ quay lại lần thứ hai, thứ ba, và trở thành những khách quen thuộc của Nguồn Sáng. Người nọ giới thiệu người kia. Lượng khách tăng dần lên, ngày càng đông, trong đó có cả các bà, các cô. Chị Quyến (phường 2 – Đà Lạt) mỗi tuần đến Nguồn Sáng xông hơi, mát-sa một lần, tâm sự: “Đi riết rồi thành quen. Chỉ cần nhức mỏi lưng, đến đây thư giãn, xông hơi, thả lỏng, được mát-sa là hết ngay, thấy khỏe ra, da ít nổi mụn, tinh thần sảng khoái”.

Sau 5 năm hoạt động, anh Phương cho ra đời Nguồn Sáng 2 tại 5M. Phan Như Thạch, phường I , Đà Lạt là khu vực tập trung rất đông các khách sạn du lịch. Với 2 cơ sở, mỗi ngày Nguồn Sáng phục vụ khoảng 60 lượt khách. Hiện nay, có 12 lao động nữ đang làm việc tại các cơ sở của doanh nghiệp. Tất cả nhân viên trước khi vào làm việc đều được học nghề bài bản với phương pháp mát-sa đấm bóp, xác định vị trí huyệt đạo chính xác do anh Phương chỉ dạy. Rồi người đi trước chỉ cho người đi sau. Họ thường xuyên được anh Phương kiểm tra tay nghề và bổ sung các liệu pháp chăm sóc phục vụ mới. Sự “sạch” cũng được thấy rõ từ ngay hình thức bên ngoài, dù là những quy định rất nhỏ:  Tất cả các nhân viên nữ đều mặc quần Jeans hoặc Tây, áo Blu trắng trong khi phục vụ, thái độ phục vụ nghiêm túc, cư xử với khách hòa nhã. Phục vụ mỗi khách, người lao động được hưởng 1/3 số tiền công mà khách trả (13 ngàn đồng), 1/3 được dành cho tiền thuê mặt bằng, điện nước, khấu hao đầu tư cơ sở vật chất và doanh thu chỉ còn 1/3. Mỗi nhân viên bình quân mỗi ngày phục vụ từ 4-5 khách, và tùy vào sự phục vụ chu đáo, nghiêm túc, tận tình, các nhân viên còn được khách “cảm ơn” từ 20 - 30 ngàn đồng, tổng thu nhập của người lao động dao động từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng. Họ đều rất vui vì làm một công việc hoàn toàn trong sáng, phục vụ sức khỏe cộng đồng, đem lại cho mình cuộc sống ổn định. Vẫn như ngày đầu mới thành lập, Nguồn Sáng luôn tạo điều kiện, mở rộng cửa đón những người khiếm thị vào làm việc, chỉ cần họ muốn lao động.

Trong mùi lá xả, vỏ bưởi xông hơi bay ra chỉ ngửi thôi đã đủ làm cho tinh thần được thư giãn, càng về chiều khách ra vào càng đông, anh Phương cho biết: Cơ sở Nguồn Sáng 3 dự tính sẽ khai trương vào tháng 12/2010 sắp tới nhân dịp nô-el. Cơ sở này sẽ có thêm dịch vụ mới là mát-sa sóng khô và tắm thủy lực với thiết kế những tia nước ấm từ trong tường bắn ra, và con người sẽ thấy khỏe vì được mát-sa bằng nước. Tôi biết vợ chồng họ đang rất ăn nên làm ra. Từ hai bàn tay trắng, sau gần 10 năm nỗ lực, thành quả lao động mà vợ chồng anh Trần Bình Phương có được là ngôi nhà hơn hai tỷ đồng và một thương hiệu mạnh “mát-sa sạch” được khách hàng tin cậy. Tạm biệt Phương trong cái lạnh đầu đông Đà Lạt, cảm phục ý chí, nghị lực của bạn, vượt qua số phận nghiệt ngã, Phương đã vươn lên làm giàu và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nghèo và người khiếm thị.
 
Q.Uyển