Giá vàng thế giới “nổi loạn”, giá trong nước gần 35 triệu đồng/lượng

09:11, 05/11/2010

Đồng bạc xanh lao dốc mạnh do tác động từ kế hoạch bơm 600 tỷ USD của FED đã đẩy giá vàng thế giới tăng 3,3%, vượt qua ngưỡng 1.390 USD/oz, cao chưa từng có trong lịch sử. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của vàng quốc tế kể từ đầu năm 2009 tới nay.

Đồng bạc xanh lao dốc mạnh do tác động từ kế hoạch bơm 600 tỷ USD của FED đã đẩy giá vàng thế giới tăng 3,3%, vượt qua ngưỡng 1.390 USD/oz, cao chưa từng có trong lịch sử. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của vàng quốc tế kể từ đầu năm 2009 tới nay.

Tăng theo giá vàng thế giới, giá vàng trong nước ngay đầu giờ sáng nay đội thêm hơn 600.000 đồng mỗi lượng so với mức giá cuối giờ chiều qua, lên mức 34,8 triệu đồng/lượng, thậm chí có nơi xấp xỉ 34,9 triệu đồng/lượng, cao chưa từng có trong lịch sử. Ngưỡng 35 triệu đồng/lượng vàng đang tới rất gần.

Với tâm lý thận trọng, nhiều doanh nghiệp vàng lớn đã nới rộng mức chênh giá mua-bán vàng ra 200.000-300.000 đồng/lượng.

Lúc mở cửa 8h20, SJC tại Tp.HCM báo giá vàng SJC ở mức 34,65 triệu đồng/lượng và 34,8 triệu đồng/lượng (giá mua vào và bán ra). Giá vàng SBJ tại Sacombank-SBJ thậm chí còn được đẩy lên 34,61 triệu đồng/lượng và 34,89 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội, giá vàng SJC tại Phú Quý cũng được nâng lên 34,65 triệu đồng/lượng và 34,85 triệu đồng/lượng.

Lúc đầu giờ, nhiều điểm giao dịch tại Hà Nội chưa thông báo giá mua bán USD cụ thể. Một số điểm vẫn giữ giá niêm yết của cuối giờ chiều qua, bán ra USD ở mức 20.800 đồng và thu mua ở mức 20.600 đồng.

Thị trường New York ngày 4/11 đã chứng kiến một phiên giao dịch mang tính cột mốc nữa của vàng.

Trước đó, đà lên của kim loại quý này đã có chiều hướng tăng tốc trong phiên giao dịch tại châu Âu, đưa giá vàng vượt mốc 1.360 USD/oz từ chỗ chốt phiên dưới ngưỡng 1.350 USD/oz vào ngày 3/11 tại New York.

Tới khi thị trường Mỹ đi vào giao dịch, đà tăng của giá vàng càng thêm mạnh khi đồng USD mỗi lúc một suy yếu thêm so với các đồng tiền chủ chốt khác Với lực tăng khó cản, giá vàng lần lượt phá vỡ các ngưỡng kháng cự mà gần như không gặp một trở ngại nào.

Biểu đồ diễn biến giá vàng trong phiên này là một hình dốc mải miết đi lên từ đầu phiên tới cuối phiên.

Sau khi lên tới mức 1.394,6 USD/oz, giá vàng giao ngay đóng cửa ngày giao dịch ở mức 1.393,9 USD/oz, tăng 44,1 USD mỗi ounce, tương đương mức tăng 3,3%. Đây là mức giá trong phiên và mức giá chốt phiên cao chưa từng có trong lịch sử thị trường vàng quốc tế. Phiên này là tăng mạnh nhất mà thị trường vàng quốc tế từng ghi nhận trong vòng gần 2 năm qua.

Trong phiên sáng nay tại châu Á, giá vàng giảm do hoạt động chốt lời của giới đầu tư. Lúc 8h25 giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.387,8 USD/oz, giảm hơn 6 USD/oz so với giá đóng cửa tại New York.

Sau một thời gian ngắn bình ổn ở ngưỡng 1,39-1,4 USD/Euro trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành cuộc họp mang tính cột mốc vào ngày 2-3/11, đồng USD đã lao dốc mạnh trở lại so với Euro và các đồng tiền then chốt khác sau khi FED tuyên bố chi 600 tỷ USD mua tài sản để hỗ trợ tăng trưởng.

Đáng chú ý, mối liên hệ giữa giá vàng và tỷ giá USD không hề suy yếu mà thậm chí còn trở nên mạnh hơn sau khi kế hoạch trên được FED đưa ra.

“Mối quan hệ giữa vàng và đồng USD đang còn rất mạnh, mà kế hoạch bơm tiền của FED thì đang ảnh hướng quá lớn đến tỷ giá của đồng tiền này. Đây là yếu tố tích cực đối với giá vàng trong ngắn hạn đối với giá vàng, chừng nào thị trường vẫn giao dịch vàng sát với các diễn biến của tỷ giá USD”, ông Daniel Major, chiến lược gia thị trường hàng hóa thuộc nhà băng hàng đầu Anh quốc RBS phát biểu trên Reuters.

Theo số liệu của hãng tin này, chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh của USD so với một rổ tiền tệ chủ chốt, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng trong phiên hôm qua. Tỷ giá USD so với Euro đã có thời điểm rớt xuống gần 1,43 USD/Euro, thấp nhất từ tháng 1 tới nay, trước khi phục hồi về 1,42 USD/Euro trong phiên giao dịch sáng nay tại Tokyo.

So với đồng Yên Nhật, tỷ giá USD sáng nay là 80,75 Yên/USD, ít thay đổi so với mức chốt đêm trước tại New York, nhưng không xa so với mức đáy của 15 năm thiết lập hôm đầu tuần.

Thị trường chứng khoán toàn cầu hôm qua và hôm nay đồng loạt tăng mạnh từ Á sang Âu tới Mỹ cũng là một nguyên nhân làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD, kênh đầu tư vốn được xem là an toàn. Giới đầu tư đang ồ ạt tìm đến với những kênh đầu tư có độ rủi ro và khả năng sinh lợi cao hơn sau khi FED tuyên bố bơm tiền.

Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật sáng nay tăng trên 2% và đạt mức điểm cao nhất trong 2 tuần. Đêm trước, chỉ số Dow Jones của Phố Wall tăng bùng nổ trên 1,9%.

Đêm nay, thị trường sẽ chờ thông tin về tình hình thất nghiệp tháng 10 tại Mỹ. Giới phân tích dự báo, nước Mỹ đã có thêm 60.000 việc làm trong tháng trước, sau khi mất 95.000 việc làm trong tháng 9. Theo các chuyên gia, nếu số liệu thất nghiệp tốt hơn dự kiến, USD có thể tăng giá trở lại, nhưng nếu con số này cho thấy sự đi xuống của thị trường việc làm, đồng bạc xanh có khả năng lao dốc mạnh hơn.

Tuy nhiên, bất chấp giá vàng tăng chóng mặt, quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã không có thay đổi về khối lượng giao dịch trong phiên ngày 4/11. Hiện quỹ này vẫn đang nắm giữ 1.292,2 tấn vàng.

USD mất giá không chỉ giúp vàng mà còn nhiều loại hàng hóa cơ bản khác tăng giá mạnh. Giá bạc tăng 6% trong phiên hôm qua, lên mức cao nhất kể từ năm 1980, giá bạch kim cũng đạt mức đỉnh kể từ năm 2008.

Tăng phiên thứ tư liên tục, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại New York đã lên mức cao nhất trong 7 tháng.

Đóng cửa phiên 4/11, giá dầu giao tháng 11 tăng 1,8 USD/thùng (2%), đạt 86,49 USD/thùng. Từ đầu tuần tới nay, giá dầu đã tăng thêm 6,2%. Sáng nay, giá dầu tiếp tục đi lên và đã tăng lên ngưỡng 86,49 USD/thùng.
 
Theo Thời Báo Kinh tế VN