Tại Đà Lạt, Vụ Gia đình (Bộ VH – TT – DL) vừa tổ chức hội thảo tham vấn về vấn đề “Giám sát và đánh giá việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình”.
Tại Đà Lạt, Vụ Gia đình (Bộ VH – TT – DL) vừa tổ chức hội thảo tham vấn về vấn đề “Giám sát và đánh giá việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình”.
62 đại biểu là cán bộ chuyên trách về gia đình của 13 tỉnh, thành trong cả nước đã tham dự hội thảo. Luật phòng chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực thực thi từ ngày 1/7/2008; đến nay đã hơn 2 năm, nhưng bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nóng, nó ngấm ngầm như tảng băng chìm, vì không ít người vẫn có tâm lý coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư, giải quyết nội bộ trong gia đình; và không ít cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể (được phân công trong luật) né tránh vì coi đó là việc nhỏ, không xen vào.
Theo thống kê qua một cuộc điều tra mới đây của Bộ này; hiện nay có 21% số gia đình cho rằng họ đã trải qua ít nhất là 1 trong 4 hình thức bạo lực gia đình được Luật phòng, chống bạo lực gia đình đề cập. Đưa Luật đi vào cuộc sống là việc cần làm hơn bao giờ hết. Hội thảo đã đặt ra vấn đề: Công tác giám sát của các cơ quan chức năng, và đặc biệt là cơ quan phụ trách về vấn đề gia đình để theo dõi việc triển khai luật trên thực tiễn. Sau đó, đánh giá xem việc triển khai luật có đạt được mục tiêu chưa, trong đó khung đánh giá phải sát với thực tế: Số vụ bạo lực được ngăn chặn, số nạn nhân được can thiệp và bảo vệ, số người gây bạo lực gia đình bị xử phạt, răn đe và được tuyên truyền, giáo dục. Việc giám sát thực hiện Luật trên thực tiễn và đánh giá chính xác những gì đã làm được cũng là thể hiện trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các cơ quan chức năng (có ghi trong luật) đối với công tác phòng chống bạo lực gia đình, đưa luật thực sự đi vào cuộc sống.
Q. Uyển