Huyện Lạc Dương một trong những huyện nghèo của tỉnh với gần 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên luôn nhận được sự quan tâm đầu từ từ nhiều nguồn vốn khác nhau của Nhà nước, nhất là đầu tư cho hạ tầng cơ sở.
Một trong những tuyến đường được coi sẽ kéo gần khoảng cách giữa trung tâm huyện với các trung tâm xã Đạ Sar, Đa Nhim và Đạ Chays đó là Dự án nâng cấp đường Đạ Sar - thị trấn Lạc Dương có tổng chiều dài 12,5 km với tổng vốn đầu tư được phê duyệt sau khi điều chỉnh lên tới gần 61 tỷ đồng. Dự án này được triển khai từ năm 2005 tới nay nhưng hình thù tuyến đường thì gần như vẫn như hiện trạng cũ. Sau gần 5 năm triển khai kể từ ngày khởi công dự án, khối lượng mới thực hiện bao gồm: đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn…và các chi phí tư vấn thiết kế, giám sát. Sự ách tắc của dự án ngoài nguyên nhân do vướng giải tỏa mặt bằng, biến động giá vật liệu, nhà thầu không ứng vốn thực hiện còn bởi bố trí vốn hàng năm thấp.
Theo UBND huyện Lạc Dương, mỗi năm Dự án đường Đạ Sar - thị trấn Lạc Dương chỉ được bố trí vài tỷ đồng nên đến nay mới thực hiện khoảng 15 tỷ trên tổng vốn được phê duyệt. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đa Nhim, bác sĩ K’Sôi bảo rằng: Thay vì người dân trong xã khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế đúng tuyến phải tới Trung tâm Y tế huyện thì lại vượt tuyến đến khám và điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, một phần do tuyến đường này chưa thông với trung tâm huyện. Ngay như cán bộ và người dân ba xã dọc tuyến đường 723 mỗi khi có việc lên huyện phải đi vòng qua Đà Lạt nên khoảng cách đường đi dài gấp đôi, gấp ba lần.
Bên cạnh dự án nêu trên, Dự án nâng cấp đường vào trung tâm xã Đưng K’Nớ - xã khó khăn nhất của huyện thuộc Dự án Đông Trường Sơn cũng nằm trong tình trạng tiến độ “rùa bò”.
Một cán bộ huyện cho biết, dự án được khởi công cách đây gần 6 năm nhưng hiện tại vào mùa mưa lũ đường đi lầy lội, sụt lún, nhiều khi xe ô tô không vào được. Trước đây đường cấp phối, dù mùa mưa dẫu có khó đi song vẫn thông thương; nay do thi công san gạt nền đường, không ra đá kịp khiến mặt đường trơn trượt dễ gây tắc đường. Vì vậy những năm qua huyện luôn phải lên phương án chẩn bị lương thực, thực phẩm phòng khi đường vào Đưng K’Nớ ách tắc lâu ngày bởi mưa lũ còn có lượng hàng hóa để ổn định giá bán cục bộ tại chỗ hay cứu đói kịp thời đối với đối tượng người nghèo.
Trong tổng chiều dài tuyến đường vào xã Đưng K’Nớ, dài 42 km chỉ có 11 km do Công ty Quản lý đường bộ I quản lý là đảm bảo giao thông thông suốt kể cả mùa khô lẫn mùa mưa bởi được công ty duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Đoạn còn lại do Công ty 7/5 thi công, nhiều khi xe máy nằm đó nhưng không thi công hoặc có hoạt động một thời gian lại ngừng. Cũng như Dự án xã Đạ Sar - thị trấn Lạc Dương, dự án này cũng gặp khó khăn về nguồn vốn.
Để đẩy nhanh tiến độ, nhiều năm nay huyện liên tục kiến nghị tỉnh tác động đơn vị thi công sớm có giải pháp nhưng hiện tại chưa được tập trung đầu tư thi công. Ngay trong năm nay, mặc dù UBND tỉnh cũng chỉ đạo đơn vị thi công phải đảm bảo đi lại trong mùa mưa song huyện vẫn phải chuẩn bị kế hoạch dự trữ lương thực thực phẩm với số lượng hơn 7 tấn gạo để đề phòng ách tắc giao thông vào xã Đưng K’Nớ.
Việc dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến hàng hóa nông sản do người người dân làm ra phải bán rẻ hơn nhiều so với thị trường, ngược lại giá vật tư, chí phí phục vụ sản xuất trong xã lại có giá bán cao hơn ngoài trung tâm huyện. Chỉ khi nào hai tuyến đường được hoàn thành đưa vào sử dụng mới thực sự kết nối liên thông từ huyện đến các xã và không còn bị chia cắt. Đặc biệt bài toán giảm nghèo nhanh bền vững tại các xã, nhất là xã Đưng K’Nớ mới có tính khả thi mà khởi đầu từ các dự án giao thông quan trọng nêu trên.ª