Không gây “quá tải” với học sinh học hai buổi/ngày ở bậc trung học

08:11, 06/11/2010

(LĐ online) - Chỉ được tổ chức vào các ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 7); chỉ thực hiện khi học sinh có nhu cầu, cha mẹ học sinh tự nguyện, được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền.

(LĐ online) - Chỉ được tổ chức vào các ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 7); chỉ thực hiện khi học sinh có nhu cầu, cha mẹ học sinh tự nguyện, được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền.

Đó là những nguyên tắc và yêu cầu dạy học 2 buổi/ ngày đối với học sinh ở các trường trung học vừa được Bộ GD-ĐT gửi các sở GD-ĐT ngày 01/11. Hướng dẫn này còn nhấn mạnh: Các trường trung học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày phải đảm bảo hoàn thành kế hoạch giáo dục được giao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả; có tối thiểu số lượng giáo viên đảm bảo tỉ lệ giáo viên trên lớp 1,90 đối với cấp THCS và 2,25 đối với cấp THPT, kể cả giáo viên tình nguyện dạy thêm giờ, giáo viên thỉnh giảng. Đối với các trường chưa đủ giáo viên một số môn học có thể hợp đồng giáo viên ngoài biên chế hoặc mời cán bộ của các câu lạc bộ, trung tâm ngoại ngữ, tin học theo đúng quy định hiện hành. Bộ khuyến khích tổ chức bán trú cho học sinh, đặc biệt đối với các trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo với sự đóng góp của gia đình theo thỏa thuận và các nguồn hỗ trợ khác.

Về cơ sở vật chất, trường phải có đủ phòng thông thường, phòng học bộ môn, thư viện, sân chơi, bãi tập đáp ứng cho các hoạt động dạy và học, hoạt động giáo dục khác theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia. Đối với tài chính, phải đảm bảo công khai, minh bạch trong thu, chi để phục vụ cho bữa ăn, yêu cầu phát triển năng khiếu, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc tổ chức học tập (quạt, điện, nước uống, phương tiện, tổ chức câu lạc bộ ….).

Ngày 06/11, LamĐồng Online tiếp xúc với ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó Giám đốc sở GD-ĐT Lâm Đồng về việc triển khai thông báo của Bộ. Ông Ngọc cho biết: “Đến nay, tỉnh Lâm Đồng chỉ có khoảng 24-25% trường trung học tổ chức được 2 buổi/ngày vì còn nhiều bất cập về cơ sở vật chất như diện tích trường học không đủ, các phòng bộ môn chưa đạt yêu cầu, thư viện nghèo nàn, sân chơi bãi tập không đạt chuẩn…”. Ông Ngọc cũng cho biết thêm, hiện các trường trung học ở Lâm Đồng tổ chức học 2 buổi/ngày chủ yếu tập trung các nội dung như phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh khá, một số trường trung học phổ thông tổ chức luyện thi đại học. Vì vậy Lâm Đồng chưa có quy định cụ thể về học 2 buổi/ngày. 
   
Giáo viên tiểu học không sử dụng điện thoại di động trong lớp học.

Đây là một trong 6 hành vi không được làm đối với giáo viên tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa công bố trong bản dự thảo điều lệ trường tiểu học để lấy ý kiến góp ý. 5 hành vi khác bị cấm là: xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh và đồng nghiệp; xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung, kiến thức, không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam; cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; uống rượu, bia, hút thuốc lá khi tham gia các hoạt động giáo dục ở nhà trường; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền và bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén chương trình giáo dục.

Dự thảo quy định, mỗi lớp học không quá 35 học sinh; mỗi trường tiểu học có không quá 30 lớp học. Riêng đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép. Số lượng và trình độ học sinh trong một lớp ghép phù hợp năng lực dạy học của giáo viên và điều kiện địa phương. Tuổi vào học lớp 1 là 6 tuổi, những trường hợp đặc biệt có thể bắt đầu học lớp 1 chậm hơn quy định chung từ một đến ba tuổi…

Minh Đạo