Lâm Đồng là tỉnh đông dân thứ 26 trong cả nước

02:11, 21/11/2010

Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng vừa tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số - KHHGĐ giai đoạn 2001 - 2010 và biểu dương khen thưởng 22 tập thể, 30 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác truyền thông.

Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng vừa tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số - KHHGĐ giai đoạn 2001 - 2010 và biểu dương khen thưởng 22 tập thể, 30 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác truyền thông.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2001, dân số Lâm Đồng khoảng hơn 1 triệu người, dự kiến năm 2010 hơn 1,2 triệu người, là tỉnh đông dân thứ 26 trong cả nước. Đội ngũ làm công tác truyền thông dân số được thiết lập mạng lưới 4 cấp (tỉnh, huyện, xã, cộng tác viên thôn bản) và đa ngành với gần 4.000 người. Từ năm 2001 đến nay đã có gần 15.000 lượt cán bộ được đào tạo tập huấn về kỹ năng truyền thông, tư vấn về dân số -KHHGĐ.

Toàn tỉnh đã xây dựng 13 mô hình “Đưa chính sách dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ vào quy ước cộng đồng” và 30 mô hình “Xã, phường hạn chế người sinh con thứ ba trở lên” đem lại hiệu quả cao.

Hoạt động truyền thông dân số đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhiều ngành, nhiều cấp. Kết quả, qua nhiều năm các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 71,05%, giảm tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên còn 13,81%, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,38%.

Tuy nhiên, do một số lãnh đạo các cấp, các địa phương còn thiếu sự quan tâm, cam kết mạnh mẽ trong triển khai chiến lược truyền thông dân số, nguồn lực đầu tư cho truyền thông dân số bị cắt giảm từ 25% xuống 17%, biến động của bộ máy và đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở, trang thiết bị và các sản phẩm truyền thông chưa phù hợp với đặc thù vùng miền, đã làm hạn chế đến hiệu quả của việc thực hiện chiến lược này.

Trong 10 năm qua, các đối tượng tuyên truyền vận động DS-KHHGĐ chỉ mới tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chưa quan tâm đúng mức đến vị thành niên, thanh niên và nam giới. Nội dung tuyên truyền chủ yếu nhằm vào việc giảm sinh thông qua KHHGĐ, chưa chú trọng đến các vấn đề dân số như: chất lượng dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư, tỷ số giới tính khi sinh và các nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Hoạt động truyền thông chưa mang tính liên tục, có chiều sâu để nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ một cách tích cực, lâu dài.

An Nhiên