Lễ hội văn hóa trà lần III (25 – 27/12): Lễ hội của người làm trà

02:11, 24/11/2010

Ông Bùi Thắng – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Tp Bảo Lộc khẳng định: Lễ hội Văn hóa Trà Lâm Đồng lần , diễn ra từ ngày 25 – 28/12, sẽ là lễ hội của người trồng trà và các doanh nghiệp làm trà...

Ông Bùi Thắng – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Tp Bảo Lộc khẳng định: Lễ hội Văn hóa Trà Lâm Đồng lần , diễn ra từ ngày 25 – 28/12, sẽ là lễ hội của người trồng trà và các doanh nghiệp làm trà...
Tôn vinh người trồng trà – một trong những điểm nhấn của Lễ hội Văn hóa trà 2010.
Tôn vinh người trồng trà – một trong những điểm nhấn của Lễ hội Văn hóa trà 2010.
Tôn vinh người làm trà được xác định là một trong những chương trình trọng tâm của Lễ hội Văn hóa Trà lần này. Mục tiêu của chương trình là tôn vinh những nông dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế có đóng góp tích cực cho ngành trà Lâm Đồng. Từ đó, khuyến khích mọi người, mọi nguồn lực góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành trà Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chương trình tôn vinh người làm trà được tổ chức độc lập tại 4 địa phương là Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh và Đà Lạt. Riêng tại Bảo Lộc, lễ tôn vinh người làm trà được tổ chức gắn với chương trình khai mạc vào tối 25/12 tại sân khấu quảng trường 28/3. Theo ông Đoàn Trọng Phương – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, để cho lễ tôn vinh người làm trà và trao Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của ngành trà” được trang trọng và đúng người, Ban tổ chức mời Hiệp hội Chè Việt Nam chủ trì bình chọn các cá nhân và đơn vị tiêu biểu. Những cá nhân và người quản lý được biểu dương phải hoạt động trong ngành trà từ 15 năm trở lên và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành trà.

Các chương trình chính của Lễ hội Văn hóa trà lần 3:

+  Lễ khai mạc: 20 giờ tối thứ bảy 25/12/2010, tại Quảng trường 28/3 Bảo Lộc.

+  Lễ tôn vinh người làm trà: Gắn với chương trình đêm khai mạc tại Tp Bảo Lộc. Song song đó, các địa phương khác như Bảo Lâm, Di Linh, Đà Lạt cũng tổ chức lễ tôn vinh này.

+ Hội thảo khoa học: Sáng chủ nhật 26/12/2010, tại Khu du lịch Hoa Tài Ngọc Châu (xã Lộc Nga, Bảo Lộc).

+ Triển lãm ngành trà Việt Nam: Khai mạc sáng 25/12/2010 và duy trì đến hết lễ hội, tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Bảo Lộc.

+ Diễu hành đường phố: Diễn ra từ ngày 24 đến 27/12/2010, tại các tuyến đường trung tâm Tp Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Tp Đà Lạt.

+ Ngoài 5 chương trình chính còn có các chương trình hưởng ứng như Tham quan vùng nguyên liệu trà, Hội thi hái trà tại các nông trường Tâm Châu, Phương Nam, Minh Rồng, Vina Suzuki, Cầu Đất … Và một số chương trình mở như giọng hát hay xứ trà, triển lãm ảnh nghệ thuật...
Đây là lần thứ 3 Lễ hội Văn hóa Trà được tổ chức với mục tiêu tôn vinh những tổ chức, cá nhân có sự đóng góp tích cực cho ngành trà; đây cũng là cơ hội để quảng bá, thúc đẩy, hợp tác đầu tư và xây dựng thương hiệu. Tại lễ hội lần này, Tp Bảo Lộc sẽ công bố nhãn hiệu chứng nhận trà B’Lao do Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, đây sẽ là một cơ hội mới cho sản phẩm trà B’Lao khi xâm nhập thị trường trong nước và quốc tế. Ông Bùi Thắng cho biết: “Lễ hội Văn hóa Trà với mục tiêu quảng bá thương hiệu trà B’Lao đến với mọi miền của đất nước và ra với thế giới. Việc quảng bá nhãn hiệu trà B’Lao là một trong những nhiệm vụ và nội dung trọng tâm của lễ hội. Mức độ ảnh hưởng và chia sẻ cộng đồng của các doanh nghiệp tại lễ hội này sẽ cao hơn, do đó sẽ có nhiều chương trình mở hơn. Tất cả các chương trình này đều mang tính quảng bá thương hiệu trà B’Lao rất rõ nét như  hội thảo khoa học về những biện pháp và điều kiện để ngành trà Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập thành công, các chương trình triển lãm và tham quan vùng nguyên liệu, phố trà mến khách…”.

Đến hiện tại, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Văn hóa Trà lần 3 đang diễn ra rất khẩn trương, từ khâu xây dựng kịch bản đến khâu chỉnh trang đô thị và lễ tân hậu cần. Theo ông Bùi Thắng,  Bảo Lộc đã được nâng cấp lên đô thị loại 3 năm 2009 và đã được công nhận là “Thành phố năm 2010”, vì vậy Thành ủy và Chính quyền thành phố luôn xác định việc đầu tư mới hạ tầng cũng như chỉnh trang đô thị là việc làm quan trọng và thường xuyên của địa phương, cũng không phải chỉ đợi đến Lễ hội Văn hóa Trà thì thành phố mới quan tâm đến việc này. Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo xây dựng chỉnh trang đô thị, thành phố cũng chú trọng đến một số công trình để phục vụ lễ hội như công trình công viên hồ Đồng Nai. 
 
Ngoài ra, trong dịp này Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc cũng đẩy mạnh việc chỉnh trang đường phố, vỉa hè, lòng đường, cây xanh, hệ thống chiếu sáng để phục vụ lễ hội. Về phía người dân, thành phố cũng vận động xã hội hóa việc trưng bày, trang trí nhà cửa, đường phố như treo đèn lồng, treo đèn trang trí trên các tuyến đường 28/3, Lê Hồng Phong, Lý Tự Trọng, dọc đường Trần Phú lên Phố Trà và quảng trường. Riêng Khách sạn Ngân hàng Dâu tằm tơ, tuy công trình chỉnh trang, nâng cấp khách sạn chưa hoàn thành nhưng nhà đầu tư cũng phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để trong dịp này có thể đón khách để phục vụ lễ hội.
 
 
 
Hữu Sang