Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), ngành điều Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng: năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu lên 1,2 tỷ USD vào năm 2015 và 1,5 tỷ USD vào năm 2020.
Giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều
Chế biến hạt điều xuất khẩu |
Với kết quả ấn tượng này, trong bốn năm liên tục từ năm 2006-2010, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng và kim ngạch xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới và giữ vững vị trí nước chế biến đứng thứ 2 thế giới, sau Ấn Độ và đứng thứ 3 thế giới về năng suất và sản lượng sau Ấn Độ và Cote d'Ivoire.
Như vậy so với chỉ tiêu đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành điều Việt Nam đã vượt cả ba chỉ tiêu về sản lượng chế biến, sản lượng nhân điều xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu (vượt từ 27 đến hơn 52%). Tuy nhiên, các chỉ tiêu về diện tích cây điều, năng suất và sản lượng điều nguyên liệu cho chế biến còn thấp (đạt từ 60% đến hơn 87% chỉ tiêu).
Nhân điều Việt Nam hiện xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu, Úc. Trong đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ nhân điều mạnh nhất thế giới.
Theo thống kê gần nhất của Vinacas, tốc độ tăng trưởng sản lượng điều của Ấn Độ, Tây Phi, Brazil là 8,9%/năm trong giai đoạn 2006-2007, nhưng hiện nay sản lượng của ba nước này đang có dấu hiệu giảm sút. Trong đó, sản phẩm dầu vỏ hạt điều, Ấn Độ dự kiến sản xuất 200.000 tấn/năm, nhưng sản lượng thực tế chỉ đạt 50.000 tấn/năm.
Trong quý III năm nay, giá điều nhân đạt 7,81 USD/kg, nguyên nhân chính là do sản lượng điều của các nước Ấn Độ, Brazil, Indonesia giảm mạnh trong khi nhu cầu lại tăng đột biến, đây chính là lợi thế cho nhân điều chế biến của Việt Nam tung mạnh ra thị trường thế giới.
Tiềm ẩn những thách thức
Tuy là nước xuất khẩu nhân điều đứng vị trí số 1 thế giới, nhưng hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu một số lượng điều thô đáng kể để đáp ứng công suất chế biến ngày càng tăng. Với diện tích điều hiện có và sản lượng điều thô khoảng 350.000 tấn, mới đáp ứng 60% nguyên liệu cho các nhà máy chế biến điều. Do đó, hàng năm Việt Nam phải nhập thêm từ các nước trên dưới 250.000 tấn điều thô cho chế biến.
Những năm trước, các quốc gia châu Phi chế biến chỉ 12-14% sản lượng điều thô thu hoạch của họ, số còn lại xuất khẩu sang Việt Nam và Ấn Độ. Nhưng hiện nay, châu Phi đang cố gắng gia tăng hàm lượng giá trị trong sản phẩm xuất khẩu, vì vậy trong thời gian tới lượng điều thô xuất khẩu từ các nước này sẽ giảm.
Năm 2010, ngành điều thế giới bắt đầu hồi phục trở lại nhưng những yếu tố bất lợi về mùa vụ, sản lượng điều thô và sự biến động của giá cả điều thô sẽ gây những bất lợi cho ngành điều Việt Nam giai đoạn cuối năm 2010 và đầu năm 2011 cùng các năm tiếp theo.
Trong đó, khó khăn lớn nhất là nguồn nguyên liệu điều thô cho chế biến xuất khẩu thiếu và bấp bênh. Mặt khác, cây điều trồng trong nước cũng đang bị một số cây trồng khác cạnh tranh, nhất là cây cao su luôn giữ giá cao liên tiếp trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, thiếu lao động khâu chế biến điều và chi phí đầu vào từ khâu trồng, thu hoạch đến chế biến, bảo quản tăng cũng là những khó khăn thách thức trong thời gian tới.
Giải pháp phát triển ngành điều bền vững
Theo Chủ tịch Vinacas, mục tiêu đề ra của ngành điều đến năm 2020 là giữ diện tích trồng điều từ 315.000-350.000ha. Trong đó, tập trung vùng Đông Nam Bộ từ 180.000-200.000ha, Tây Nguyên từ 90.000-100.000ha và Duyên Hải Nam Trung Bộ từ 25.000-30.000ha; sản lượng điều thô cho chế biến từ 350.000-400.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2020.
Để chủ động nguồn điều thô cho các nhà máy chế biến điều xuất khẩu, ngoài việc tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trong nước, ngành điều hướng đến gắn với vùng nguyên liệu Campuchia và có thể cả Lào để hình thành vùng nguyên liệu chung ba nước, phấn đấu đến năm 2020 đạt diện tích 600.000ha. Trong đó, Việt Nam khoảng 300.000ha, Campuchia 250.000ha và Lào khoảng 50.000ha, với sản lượng từ 1,2-1,4 tấn/ha (hiện chỉ đạt gần một tấn/ha).
Tiếp tục thực hiện chương trình giống điều quốc gia, thành lập Viện Nghiên cứu điều Việt Nam với ba Trung tâm ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên Hải Nam Trung Bộ nhằm phát triển giống điều quốc gia đến năm 2020 theo hướng năng suất cao, chất lượng hạt tốt.
Hiện ngành điều hướng đến tuyển chọn, lai tạo và đưa vào sản xuất nhiều giống điều cho năng suất cao 2,5-3 tấn/ha, hạt to làm tăng tỷ lệ nhân từ 27-34% như giống PN1, CH1, LG1, còn tập đoàn giống MH có khả năng cho năng suất từ 3-4 tấn/ha; thành công trong việc sản xuất giống điều ghép cho chất lượng cao, giúp giá thành giảm từ 10.000 đồng/cây xuống chỉ còn 4.000-5.000 đồng/cây.
Ngành điều cũng sẽ hình thành bốn trung tâm chế biến xuất nhập khẩu điều lớn của toàn quốc trên cơ sở tổ chức hoạt động hiệu quả nhóm 20 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều hàng đầu Việt Nam hiện nay hướng đến chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO, HACCP, GMP để đưa uy tín hạt điều Việt Nam ngày càng cao trên thị trường quốc tế.
Về đầu tư máy móc thiết bị cho ngành điều nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động khâu chế biến hạt điều, Vinacas đã thành công bước đầu việc nghiên cứu, thiết kế chế tạo thực nghiệm thiết bị tự động tách vỏ cứng hạt điều; đồng thời chế tạo thành công và áp dụng rộng thiết bị bóc vỏ lụa nhân điều cho kết quả tăng năng suất lao động từ 10-20 lần so với lao động thủ công, giảm thiểu hao hụt trong quá trình chế biến, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Hiện Vinacas và các cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu để các thiết bị này cho năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, giá thành hạ hơn để tạo ra một cuộc cách mạng trong thiết bị tự động chế biến hạt điều.
Bên cạnh đó, Vinacas sẽ nghiên cứu phối hợp với các đơn vị hội viên sản xuất máy móc thiết bị của ngành điều, đề xuất đề án phân loại nhân điều xuất khẩu bằng máy tự động và đề án sản xuất dầu vỏ hạt điều xuất khẩu. Tiến tới xây dựng thương hiệu điều “Made in Vietnam” cho các sản phẩm điều có hàm lượng giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế./.