Nạn bạo lực trong học đường - biện pháp nào để phòng chống?

10:11, 07/11/2010

Chỉ trong vòng 3 tháng từ đầu năm học 2010 – 2011 đến  nay Lâm Đồng đã có 21 vụ bạo lực học đường như học sinh đánh nhau có hung khí, vô lễ với thầy cô giáo… trong đó có những vụ nghiêm trọng gây chết người làm hoang mang dư luận.

(LĐ online) - Chỉ trong vòng 3 tháng từ đầu năm học 2010 – 2011 đến  nay Lâm Đồng đã có 21 vụ bạo lực học đường như học sinh đánh nhau có hung khí, vô lễ với thầy cô giáo… trong đó có những vụ nghiêm trọng gây chết người làm hoang mang dư luận.

8 giờ sáng ngày 4 /10 /2010, Vũ Minh Bắc ( sinh 1993) một học sinh cá biệt đã nghỉ học, mang cặp học sinh cải trang đến lớp 9A5 trường Trung học cơ sở (THCS) Gia Hiệp -  Di Linh xin cô giáo vào lớp. Thấy là lạ, cô giáo Lê Thị Bích Thủy không cho nhưng Bắc vẫn xông vào dùng dao đâm Phạm Đình Văn (sinh 1996) trú tại Phú Hiệp 1, Gia Hiệp ngay tại lớp trước sự hoảng loạn của cả cô và trò. Vết thương quá nặng, Phạm Đình Văn đã chết ngay trên đường đưa đi bệnh viện còn Bắc đã bị bắt liền sau đó.

Một vụ gây chết người khác liên quan đến học đường gây xôn xao dư luận và người chết là một học sinh của trường Tây Sơn - Đà Lạt. Lúc 20 giờ 30 tại hẻm 4, Bà Triệu, Đà Lạt, 2 học sinh của trường THCS Quang Trung là Triệu Bảo Lâm (sinh 1994) và Nguyễn Hoàng Sang (sinh 1996) đã dùng dao đâm Ngô Đức Huy, học sinh lớp 8A5 trường Tây Sơn – Đà Lạt và Nguyễn Bá Liêm (sinh 1994) học sinh đang học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đà Lạt. Vết đâm chí mạng làm Huy tử vong, còn Liêm bị thương.

Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng từ đầu năm học đến nay, theo báo cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD- ĐT) Lâm Đồng, đã có 21 vụ học sinh đánh nhau có vũ khí, tham gia băng nhóm quậy phá với thanh niên ngoài, vô lễ với nhà giáo. Đặc biệt, trong đó có 6 vụ nghiêm trọng đều diễn ra trong tháng 10 ( 3 vụ tại Di Linh và 3 vụ tại Đà Lạt).

Học sinh rất cần một môi trường bình yên để học tập. Ảnh: Viết Trọng
Học sinh rất cần một môi trường bình yên để học tập. Ảnh: Viết Trọng
Theo Đại tá Trần Đình Thư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, số vụ liên quan đến bạo lực học đường gần đây có giảm nhưng tính chất bạo lực, mức độ nguy hiểm nghiêm trọng lại gia tăng. Cụ thể, năm học 2008 – 2009, trong trên 120 vụ liên quan đến bạo lực học đường tại Lâm Đồng trong đó có 28 vụ gây thương tích, 5 tử vong, năm học 2009- 2010 con số này giảm còn 90 vụ với 2 tử vong thì trong 3 tháng đầu năm học này, trong 6 vụ nghiêm trọng đã có 5 vụ liên quan đến hung khí. Bên cạnh 2 vụ gây chết người ở trên, có thể kể đến vụ 3 học sinh lớp 12 của Trung học phổ thông (THPT) Di Linh kết băng nhóm dùng dao đi trấn lột, cướp xe máy giữa tháng 10; vụ 5 học sinh lớp 8 và lớp 7 trường THCS Nguyễn Du – Đà Lạt hành hung 1 học sinh của trường trong giờ chơi, dùng kính mài nhọn thủ sẵn trong người đâm vào nạn nhân làm gãy 1 xương sườn, phải mổ để lấy kính trong phổi.

Điều đáng nói, thay vì phân giải, can ngăn thì nhiều “quý phụ huynh” lại lao vào tiếp tay cho con em mình bằng hành động đầy sai trái ngay tại học đường.

Ngày 28/10/2010, cha và anh của hai học sinh lớp 9A5 trường THCS Phan Chu Trinh - Đà Lạt đã xin vào trường gặp cô giáo nhưng lại đến lớp gọi 1 học sinh ra đánh gây náo loạn cả trường.  Cả giáo viên và các bạn cùng lớp ra can ngăn cũng bị các phụ huynh này hành hung, công an phải đến để áp giải về phường. Tại Đà Lạt đã có trường hợp phụ huynh gọi điện đến đe nạt giáo viên và có trường hợp học sinh ngang nhiên rút dao dọa giáo viên ngay tại lớp học.

Biện pháp nào để phòng chống ?

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như ảnh hưởng của trò chơi bạo lực trên mạng Internet, thiếu sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể trong xã hội với trường học trong việc giáo dục học sinh, thiếu phối hợp giữa nhà trường và gia đình, hội phụ huynh học sinh, trong công tác quản lý học sinh cá biệt… Và một điều cần lưu ý, theo ông Huỳnh Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Lâm Đồng, chính là việc không ít trường học hiện nay trong tỉnh còn rất chủ quan trong công tác phòng chống bạo lực học đường, có khuynh hướng bao che, giấu thông tin,  nói nhẹ đi vì sợ ảnh hưởng đến thành tích, đến khi lộ ra chuyện nghiêm trọng thì đã muộn.

Lâm Đồng cho đến nay là một trong số ít tỉnh trong nước đã xây dựng đề án phòng chống bạo lực trong học đường từ tháng 3/2010 với một cơ chế cụ thể phối hợp giữa ngành Giáo dục với chính quyền cùng các ban ngành đoàn thể, có kinh phí hoạt động. Tuy nhiên , theo ông Trương Văn Thu , Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, việc triển khai đề án này vẫn rất chậm, có địa phương thực hiện nhưng cũng có nơi chưa triển khai một cách nghiêm túc.

Trong cuộc họp giữa Thường trực Tỉnh ủy với các ban ngành có liên quan ngày 5/11 vừa qua để nghe ngành GD Lâm Đồng báo cáo về sự bùng phát bạo lực học đường gây xôn xao dư luận gần đây, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Phó Bí thư Thường trự  Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ ra những hạn chế trong phòng chống bạo lực học đường: công tác quản lý học sinh của ngành giáo dục chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chậm phát hiện, hoạt động đoàn thể trong nhiều trường còn yếu, chưa vận động hội phụ huynh học sinh tham gia cùng nhà trường.
 
Trong thời gian đến, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo ngành GD cần tăng cường quản lý học sinh, tăng cường biện pháp tự quản trong nhà trường, đẩy mạnh các phong trào hoạt động trong trường học. Trước mắt, cần định các địa bàn trọng điểm hay xảy ra như Đà Lạt và Di Linh để có biện pháp cụ thể phối hợp với các đơn vị, ngành có liên quan phòng chống. Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến cũng yêu cầu ngành GD cần có giải pháp phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các đoàn thể xã hôi, với cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các cấp trong giáo dục với phương châm lấy công tác phòng ngừa là chính, hạn chế, tiến tới chấm dứt trình trạng bạo lực trong học sinh.

Viết Trọng