Trong xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế hiện nay, người lao động cần phải được đào tạo để có tri thức, từ đó biến tri thức thành kỹ năng lao động năng suất và hiệu quả cao, biết chủ động hội nhập, sản xuất vì sự phát triển bền vững...
Trong xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế hiện nay, người lao động cần phải được đào tạo để có tri thức, từ đó biến tri thức thành kỹ năng lao động năng suất và hiệu quả cao, biết chủ động hội nhập, sản xuất vì sự phát triển bền vững... Vì vậy, đào tạo nghề cho lao động để có được nguồn nhân lực chất lượng cao là lợi thế trong thu hút đầu tư và phát triển KT - XH của địa phương.
|
Thực hành điện tại Trường Cao đẳng nghề. |
Theo số liệu thống kê, lực lượng lao động đang hoạt động kinh tế của Lâm Đồng chiếm 53,3% dân số (645.000 người), trong đó có 30% lao động qua đào tạo (cả nước là 40%), lao động qua đào tạo nghề chỉ chiếm 20%. Những năm qua, hệ thống đào tạo nghề của địa phương được tập trung đầu tư và phát triển nhanh về số lượng cơ sở đào tạo nghề, đặc biệt là về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Hiện toàn tỉnh có 1 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề, 1 trường trung cấp, 4 trường cao đẳng và 2 trường đại học có đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề (thời gian từ 1,5 - 3 năm) với khả năng đào tạo mỗi năm khoảng 5000 học viên. Ở các huyện đều có cơ sở dạy nghề để đào tạo trình độ sơ cấp nghề (thời gian đào tạo 3 tháng đến dưới 1 năm) với năng lực đào tạo tối đa từ 8000 - 10.000 học viên/năm. Thực tế, mỗi năm các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ thu hút được 14% số lao động cần giải quyết việc làm mới (3000-3.5000 lao động). Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề. Theo báo cáo của Sở LĐ - TB&XH, có từ 20 - 50% số người học nghề xong không làm việc phù hợp với nghề đã được đào tạo.
Ông Trương Thúc Hiếu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt cho biết: Đào tạo nghề của tỉnh trong thời gian qua đã được quan tâm đầu tư, có sự phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và của nền kinh tế. Một bộ phận lao động có tay nghe,à nhưng không làm việc đúng với nghề đào tạo gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Lao động nông thôn hiện chiếm đa số nhưng tỷ lệ qua đào tạo rất thấp, nên chưa hỗ trợ tích cực cho vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trong việc học nghề chưa đạt hiệu quả cao. Lâm Đồng thiếu hệ thống theo dõi, điều tra tổng hợp và phân tích về lao động việc làm hàng năm, nên thiếu thông tin và cơ sở khoa học để xác định chỉ tiêu kế hoạch chi tiết về lao động và việc làm hàng năm.
Được biết, Lâm Đồng xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 50% lao động qua đào tạo, trong đó, có 30% được đào tạo nghề. Cụ thể, sẽ có 285.000 lao động đã qua đào tạo trên tổng số 710.000 lao động trong độ tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Nghĩa là khoảng 95.000 - 100.000 người được đào tạo nghề - đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả xã hội. Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt, phải đầu tư có trọng điểm theo ngành nghề cho từng địa bàn, từng cấp độ đào tạo. Các cơ sở, trung tâm dạy nghề quy mô nhỏ ở cấp huyện chỉ tập trung đầu tư từ 1 - 2 ngành, trong đó, có từ 2 - 3 nghề trọng điểm. Nên thực hiện “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa” trong đào tạo nghề. Về chuẩn hóa: Chương trình đào tạo từ trình độ sơ cấp nghề trở lên phải cơ bản có sự thống nhất trong từng nghề, thống nhất trong kỹ năng nghề cho từng khóa học để thuận tiện trong đào tạo liên thông. Đồng thời, nâng số lượng và chuẩn hóa về đội ngũ giáo viên dạy nghề. Về hiện đại hóa: Đảm bảo luôn đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trong quá trình tổ chức dạy nghề, nhất là cơ sở thực hành, thực tập, trang thiết bị và phương tiện dạy học nghề… Về xã hội hóa: Khuyến khích các thành phần kinh tế và xã hội tham gia vào hoạt động đào tạo nghề. Các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức thực hành thực tập sản xuất cho người học. Tăng cường các chính sách hỗ trợ cho người học nghề bằng nhiều hình thức linh hoạt như: Miễn giảm học phí, cho vay giải quyết việc làm, chế độ học bổng cho các đối tượng ưu tiên… Đặc biệt, đối với đào tạo nghề cho nông thôn, tổ chức đào tạo tại chỗ là chủ yếu. Xây dựng mạng lưới phối hợp giữa việc tổ chức đào tạo với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công trên địa bàn. Kết hợp đào tạo với thực tế sản xuất, với xây dựng mô hình mẫu về sản xuất - kinh doanh - hành nghề. Chương trình, tài liệu dùng cho đào tạo nghề nông thôn phải thiết thực, đầy đủ hình ảnh minh học để đảm bảo cho người học có thể tự học. Còn thời gian học chủ yếu là thực hành, đi khảo sát thực tế, trao đổi hỏi đáp là chủ yếu. Đội ngũ giáo viên phải là những người có nhiều kinh nghiệm thực tế, là nghệ nhân, thợ lành nghề có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi…
Hồ Lan