Người thầy thuốc “gan liều nhất”

03:11, 25/11/2010

Y sĩ Nguyễn Bá Thư –Thường trực phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng được các cán bộ của Viện chuyên môn Trung ương đánh giá là người “gan liều  nhất” dám cho số điện thoại cá nhân cho các bệnh nhân có HIV/AIDS.

Y sĩ Thư đang khám bệnh cho một bệnh nhân có HIV.
Y sĩ Thư đang khám bệnh cho một bệnh nhân có HIV.
Y sĩ Nguyễn Bá Thư –Thường trực phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng được các cán bộ của Viện chuyên môn Trung ương đánh giá là người “gan liều  nhất” dám cho số điện thoại cá nhân cho các bệnh nhân có HIV/AIDS.

Nhớ lại quá trình 24 năm làm ở khoa truyền nhiễm, y sĩ Thư cảm nhận được cán bộ y tế nào cũng sợ HIV, không dám tham gia làm dự án Life-Gap vào năm 2004. Đang nghỉ phép, nhưng ông được tin và nhận công việc này, tham gia tập huấn, được đào tạo nhiều lớp. Cho đến nay, một mình ông thường trực ở phòng khám, làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ phép. Nhiều đoàn cán bộ của Viện chiến lược Bộ y tế đến kiểm tra đều ngạc nhiên là ông tiếp xúc và làm việc với bệnh nhân HIV/AIDS nhưng chỉ hưởng chế độ đặc thù cho bệnh truyền nhiễm, vậy mà, ông vẫn vui vẻ nhiệt tình với công việc.  Ông cười đôn hậu: “Bản thân tôi thương các cháu. Mình lớn tuổi rồi (54 tuổi), thấy các cháu đi con đường lầm lỗi, biết hối cải trước cái chết đã tìm đến mình. Bằng tình thương thật sự, mình đón tiếp, hướng dẫn, tư vấn, cấp thuốc cho họ. Công việc không ngưng nghỉ, đêm về còn phải nhẹ nhàng tâm sự nhỏ to với họ”.

Y sĩ Thư cởi mở: Hình như phòng khám của tôi có “thương hiệu” từ 4 năm nay. Bệnh nhân tự nguyện đến, có bệnh nhân tận Bảo Lộc. Mặc dù có phòng khám ở Bảo Lộc, Đức Trọng nhưng ít nhiều họ cũng tránh né do điều kiện công ăn việc làm, sợ có người biết sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Số bệnh nhân đến phòng khám ngoại trú của BVĐK tỉnh hiện đang có 256 trường hợp đến khám và điều trị, 31 ca trên tổng số 46 ca đang điều trị ARV (thuốc điều trị đặc hiệu kháng vi-rút HIV), điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội trung bình 32-34 bệnh/tháng. Theo y sĩ Thư, nguyên nhân là do công tác tuyên truyền từ khi có Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đến được với quần chúng. Bệnh nhân biết và thấy được lợi ích, hiệu quả của việc khám điều trị bằng thuốc. Ông cho biết: “Bệnh nhân với tôi như người nhà, họ tâm sự những điều thầm kín. Có trường hợp nửa đêm gọi cho tôi than thở  nỗi vất vả vì công việc “quản sòng bạc” thâu đêm. Tôi khuyên họ chân tình hãy bỏ nghề đi chứ thâu đêm rất mất sức khỏe và bệnh nhân đã chuyển nghề lương thiện”. Mỗi bệnh nhân, ông hiểu được công việc, hoàn cảnh gia đình, giai đoạn nhiễm, biết để đánh giá tình hình bệnh. Chẳng hạn: bệnh nhân có tiêm chích ma túy, ông cho làm xét nghiệm chức năng gan; bệnh nhân có mại dâm, ông khuyên phòng tránh lây nhiễm tiếp xúc và gởi khoa sản xét nghiệm; bệnh nhân là phụ nữ có thai, ông cho uống ARV ngay không chậm trễ để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (có 4 trường hợp được can thiệp ngay).

Nhiều người tuyệt vọng khi biết mình nhiễm HIV, nhưng khi đến phòng khám này, họ có niềm tin và nghị lực sống. “Thành công được hay không là thầy thuốc và bệnh nhân gắn bó, tuân thủ điều trị” - Y sĩ Thư khẳng định.

Để giữ bí mật tuyệt đối cho bệnh nhân, danh tính của họ được mã hóa và tất cả hồ sơ bệnh nhân được y sĩ Thư quản lý bằng mã số. Tôi muốn biết cảm giác của ông thế nào khi thông báo kết quả dương tính HIV cho người bệnh. Ông bảo, thường phải đặt giả thiết cho bệnh nhân: nếu người nhà, cộng đồng biết thì sao? đặt cho họ nền tư tưởng, khẳng định họ có quyền tự do (quyền cho người khác biết mình có HIV hay không). Chính vì vậy, y sĩ Thư làm cho mỗi bệnh nhân có mã số riêng, chỉ có ông và bệnh nhân biết, bác sĩ khác trong bệnh viện không biết tên bệnh nhân của ông. “Có trường hợp, người bệnh chết điếng khi nghe có “dấu cộng’, mình quy nó về một bệnh để động viên họ.

Khuyên họ muốn sống tốt thì “chuyện quá khứ cắt đi”, chỉ một con đường tuân thủ tốt về lối sống, sinh hoạt, điều trị bằng thuốc - ông nói - vì vậy, cởi mở với bệnh nhân nhưng tôi rất nghiêm ngặt về giờ hẹn tái khám. Có lúc tôi phải kìm nén lòng mình khi thông báo cho một gia đình ở Lâm Hà có 3/4 người bị HIV (còn 1 cháu nhỏ 16 tháng chưa đến tuổi làm xét nghiệm). Tôi buồn cho họ nhưng không thể hiện cảm xúc cho bệnh nhân biết, vì mình phải tạo chỗ dựa, niềm tin vươn lên không thì họ suy sụp”. Ở phòng khám này, bệnh nhân lớn tuổi nhất sinh năm 1964 và nhỏ nhất mới 2 tuổi. Y sĩ Thư vẫn nhớ hình ảnh một cháu bé 2 tuổi được ông nội  đưa từ Đam Rông lên phòng khám, cháu bé này bị nhiễm từ bố mẹ và cả hai đã mất.  Ông thương bệnh nhân HIV/AIDS, gắn bó với họ bằng trách nhiệm và tình cảm của người thầy thuốc nhân ái. Gia đình y sĩ Thư có 3/4 người làm cán bộ y tế và chỉ có ông là thầy thuốc đặc biệt của bệnh nhân đặc biệt. Phần thưởng cao quý nhất của ông là Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”.
 
Diệu Hiền