Tâm sự của người đàn ông có 4 người thân bị lây nhiễm HIV/AIDS

02:11, 30/11/2010

Tại buổi mít tinh với 2.000 người dự, bài phát biểu của đại diện thân nhân bệnh nhân AIDS đã gây rung động lòng người về tính nhân văn cao cả.

Tại buổi mít tinh với 2.000 người dự, bài phát biểu của đại diện thân nhân bệnh nhân AIDS đã gây rung động lòng người về tính nhân văn cao cả. Một người đàn ông rắn rỏi, đầy nghị lực đến từ Nam Ban (Lâm Hà) nhìn về bệnh nhân HIV/AIDS từ bi kịch gia đình mình và gởi gắm thông điệp của tình yêu thương con người.

“Tháng cao điểm phòng chống AIDS với chủ đề “Tiếp cận phổ cập và quyền con người”, với mong muốn mọi người hiểu và chia sẻ nhiều hơn với người bệnh, tôi xin thay mặt gia đình của những người bệnh để bộc bạch đôi điều. Có lẽ, hơn ai hết, tôi thật sự thấm thía nỗi đau của những người trực tiếp gánh chịu hậu quả của HIV/AIDS.
Vợ chồng tôi có 2 con. Cháu gái nay đã yên bề gia thất. Cháu trai 26 tuổi. Từ ngày cháu trai học tiểu học, với mong muốn cháu được học hành giỏi giang, gia đình tôi cho cháu đi học xa nhà. Xa nhà, thiếu sự quản lý giáo dục trực tiếp của cha mẹ, cháu lêu lổng, đua đòi theo bạn bè hư. Năm 14 tuổi, con đường học tập dở dang, cháu đã tìm đến ma túy.

Năm 2004, cháu lập gia đình, cuộc sống tưởng chừng đã tìm được sự bình yên trở lại. Năm 2008, con tôi có con gái đầu lòng. Ngay từ khi sinh ra, cháu nội tôi đã có những dấu hiệu bất thường và chỉ được 3 tháng thì cháu qua đời. Con trai và con dâu chúng tôi cũng thấy không ổn về sức khỏe, hai cháu cùng đi xét nghiệm và thật đau lòng là cả hai đều nhiễm HIV.

Chúng tôi biết đây là hậu quả của những tháng ngày con trai tôi sa vào nghiện ngập hút chích. 6 tháng sau ngày cháu nội tôi mất, đến lượt con dâu của tôi qua đời. Càng đau lòng hơn khi một năm sau, mẹ ruột của con dâu tôi cũng mất do vô tình lây nhiễm HIV khi chăm sóc con mà không biết để phòng tránh.
Như thế, cả 3 con người rất hiền lành, không liên quan đến bất cứ tệ nạn nào, đã không giữ được sự sống của mình vì căn bệnh quái ác. Và con trai tôi, hôm nay cuộc sống đang được đếm từng ngày.

Những ngày đầu mất cháu, mất con dâu, mất cả người thông gia thân thiết, gia đình chúng tôi như sụp đổ hoàn toàn. Chúng tôi sống mà như chết, không biết bám víu vào đâu. Hơn 3 tháng trời, việc buôn bán làm ăn hoàn toàn đình trệ vì khách hàng bỏ đi, nhiều tháng trời hàng xóm không dám bước vào nhà. Có khi tôi đã muốn tìm đến cái chết. Cuối cùng tôi đã vượt qua, đã cố gắng sống thật tốt, vẫn thương con, vẫn cố gắng cư xử tốt với mọi người. Rồi thời gian khủng khiếp ấy cũng qua. Hàng xóm lại yêu thương, khách hàng tìm đến, bạn bè quay lại. Và rất may mắn là do biết cách giữ gìn, chúng tôi dù chăm con rất tận tình vẫn không bị vướng vào dịch bệnh khủng khiếp ấy. Sức khỏe con trai tôi nay đã yếu lắm, chúng tôi vẫn chăm cháu và tôi tự tìm thấy bài học cho mình, đó là: Hãy yêu thương, hãy học hỏi kỹ năng chăm sóc bệnh nhân và hãy bảo toàn nghị lực. Những yếu tố này sẽ giúp cho mình không chỉ kéo dài cuộc sống của con mà còn giữ được cả sự yêu thương đùm bọc của cộng đồng.

Tôi muốn thay mặt những gia đình có người thân là bệnh nhân AIDS nói với mọi người rằng: AIDS không chừa một ai, bệnh nhân AIDS không phải là tội phạm hoặc là người xấu xa; hãy xem AIDS như nhiều bệnh nan y khác. Khi thân nhân là người bệnh, hãy bền chí và hết lòng thương yêu họ. Đối với cộng đồng, tôi xin mọi người đừng quay lưng lại với bệnh nhân AIDS, vì hôm nay họ là con cháu tôi, nhưng ngày mai có thể là người thân của quý vị. Hãy yêu thương người bệnh để họ có thể tìm thấy niềm vui và sức sống vượt qua bệnh tật dày vò. Chúng tôi đã vượt qua và chúng tôi tin cộng đồng sẽ giúp nhiều người khác vượt qua như chúng tôi. Mong rằng cuộc sống chúng ta sẽ không có thêm nhiều bệnh nhân HIV/AIDS, sẽ không có bệnh nhân nào phải sống trong đơn độc vì thiếu sự yêu thương”.

Diệu Hiền (Lược ghi)