Phái đẹp và Nhiếp ảnh nghệ thuật

03:11, 03/11/2010

Đã dính vào Nhiếp ảnh nghệ thuật là phải lên rừng xuống biển, rày đây mai đó. Ở VN ngày càng xuất hiện thêm nhiều người nữ dấn thân vào con đường gian khổ này, số lượng hiện đã trên 200 tay máy...

Đã dính vào Nhiếp ảnh nghệ thuật là phải lên rừng xuống biển, rày đây mai đó. Ở  VN ngày càng xuất hiện thêm nhiều người nữ dấn thân vào con đường gian khổ này, số lượng hiện đã trên 200 tay máy... Không chỉ là nhà nhiếp ảnh nữ sừng sỏ, nổi tiếng nhất ở VN hiện nay, Đào Hoa Nữ còn là Uỷ viên Ban chấp hành Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN mười mấy năm qua, uy tín và tài danh đủ để người ta  giao cho chị chăm nom các tay máy  nữ trong toàn quốc... Qua Đào Hoa Nữ, ta thử hình dung “phái đẹp” trong Thế giới nhiếp ảnh Nghệ thuật...       
 
Đam mê nên càng phải cày
 
" Sống với điều mình mong muốn, được hành động nghĩ suy cho nó là hạnh phúc."
Chị bảo "Nghệ thuật nào khi sáng tạo cũng là lao động, nghĩ suy, trăn trở. Nhưng với nhiếp ảnh, để có tác phẩm, để ghi lại được buồn vui, hay, đẹp trên đời, chúng tôi phải "sống" với nó. Khi thì núi rừng Tây Bắc, duyên hải miền Trung, đợt khác lại Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long..., đây đó đều đã in dấu lùng sục của chúng tôi. Hãy hình dung trên lưng phụ nữ là ba lô  nặng nề chứa lỉnh kỉnh những đồ nghề, máy ảnh, ống kính đến những thứ cần cho sinh hoạt. Qua núi qua đèo, qua sông qua suối, trong gió trong mưa, đến những làng mạc xa lạ... là chuyện bình thường. Chúng tôi làm việc như những bác thợ cày, lao khổ như những người ngư dân. Những cuộc đi tìm kiếm đó, có lúc chúng tôi nằm sắp lớp ngả lưng qua đêm dưới những sàn nhà của bà con tốt bụng cho ngủ nhờ. Từ lâu thế giới họ đã bảo nghệ thuật nhiếp ảnh thật quá sức với phụ nữ, vì sự nặng nề và nhọc nhằn của nó hợp với cánh Nam".
 
* Như thế không có nghĩa các tay máy “mày râu” luôn chụp ảnh đẹp hơn ?
 
Đào Hoa Nữ: Đàn ông di chuyển khoẻ, thao tác nhanh, có thể; nhưng chưa chắc trước một cảnh quan nào đó, một sự việc nào đó của đời sống, họ ghi nhận tinh tế hơn phụ nữ.  Ai cũng có chỗ cho mình, hãy đi, rung động, và ghi lại. Cánh Nam hay Nữ đều bình đẳng trước nghệ thuật, bất cứ nghệ thuật gì.
 
* Cảm hứng nghệ thuật "đày" các Chị, hay các Chị đem nhan sắc của mình  thách thức Gió sương  chơi?
 
Đào Hoa Nữ: Chúng tôi nhìn hình ảnh các chị nông dân trên đồng lúa, chị diêm dân trên ruộng muối để học về cách gìn giữ nhan sắc; và rồi  thương họ hơn thương mình, vì mình đến cánh đồng ấy rồi lại đi, chỉ họ ở lại, bám mãi cả đời. Họ, những gái quê, phụ nữ thôn trang, của duyên hải rát cháy nắng, dầm dề mưa, xối xả bão tố, tháng năm ngang đời đến bất tận, thế mà ai cũng đẹp ngọt ngào, nồng nàn.
 
* Khi một người chị, người mẹ cầm máy ảnh, và sáng tác, cảm xúc thường là... ?
 
Đào Hoa Nữ: Chúng tôi làm việc miệt mài trong mỗi chuyến đi sáng tác. Và thường khi đã chụp thì không để ý đến cái gì nữa, kể cả thời gian hay cái đói; cứ rượt theo chủ đề, nó cuốn mình vào. Thật sự mà nói, nhiều lúc bấm say đến độ  không biết mình là ai nữa.
 
* Lúc đó, người nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh thấy lẻ loi, cô đơn, vì khác với một diễn viên sân khấu, diễn viên điện ảnh, nàng ca sĩ,  sẽ có sân khấu, phim trường, bạn diễn, dàn nhạc, và khán giả (vỗ tay)...?
 
Đào Hoa Nữ: Sống với điều mình mong muốn, được hành động nghĩ suy cho nó là hạnh phúc chứ sao cô đơn.  Quyện vào nó rồi, chủ đề ảnh nó đưa mình trôi đi,  yêu thương cõi người long lanh đưa mình đi; thế giới đời thường bỏ lại sau lưng, bao thứ tị hiềm nhỏ bé, ganh ghét, tầm thường, nhầy nhụa, đua đòi, chức tước, tiền bạc của trần đời vứt thẳng vào sọt rác. Cứ thế làm sao còn thấy cô đơn.
 
* Người ta thường  bảo: nhiếp ảnh là trò chơi của con nhà giàu ?
 
Đào Hoa Nữ: Chúng tôi chẳng ai giàu cả. Chẳng mấy người sống được nhờ bán ảnh nghệ thuật đâu.  Có chị cũng vất vả lắm, nhưng vì mê nó nên tìm cách xoay xở để được yêu, không  bỏ cuộc. Đúng là không có tiền không thể sắm máy ảnh, phim, đĩa, tráng rọi, rồi chi phí vô cùng tốn kém cho những chuyến đi kéo dài nhiều tuần. Có hai tay, chúng tôi dùng tay này để kiếm cơm (người thì buôn bán nhỏ, người chụp ảnh dịch vụ, bún riêu, quán cà phê cóc, hoặc cày bất cứ việc gì để ra tiền...), còn tay kia dùng để nuôi dưỡng nghệ thuật. Khác cánh Nam, chúng tôi phải nỗ lực hơn, làm việc rất nhiều để có  áo cơm hàng ngày, và tiền đầu tư cho việc sáng tác, ra ảnh. Nếu ai dựa vào gia đình thì không thể nuôi nghệ thuật lâu dài.
 
* ...  Thế sao cứ  đắm đuối trong thứ Nghệ thuật khổ ải đó,  không chọn thứ nghệ thuật khác để "yêu"?
 
Đào Hoa Nữ: Lỡ mê rồi, không rút ra được. Niềm khát khao ghi lại những vẻ đẹp và buồn vui  từ thiên nhiên, đời sống con người... cứ thôi thúc. Chúng tôi bàn về những chuyến đi, khoe nhau...  những bức ảnh ưng ý, luận bình về nền nghệ thuật nhiếp ảnh trong Nam, ngoài Bắc, VN, Thế giới; "Ăn.... ảnh, ngủ... ảnh, nói ra cũng mang mùi... ảnh", đó là đặc điểm chúng tôi. Chúng tôi không chọn nghệ thuật nhiếp ảnh, mà nghệ thuật này chọn chúng tôi, đưa đẩy chúng tôi, trói chúng tôi vào nó. Đã yêu rồi, chấp nhận khổ, chứ dứt khoát không buông ra.
 
*...Thói thường các Nàng dù trẻ đến già đều có vẻ  mê shopping, phục sức, sắm xe cộ, nhà cửa ?
 
Đào Hoa Nữ: Là phụ nữ, chúng tôi cũng cần những thứ đó, nhưng nghĩ lại con người sinh ra trên đời là để "sống" chứ không phải để "diễn". Nếu chọn nhu cầu sống "diễn", thì diễn đến bao giờ cho hết, mà cuộc đời lại quá ngắn. Thôi thì  ta dành và dồn sự quan tâm cho sáng tạo nghệ thuật vậy, coi như một "trò chơi". Thay vì ngắm xe tay ga đời mới, tivi, quần áo đẹp, đưa chuyện người khác ra bàn  thì chúng tôi... ngắm Ảnh, ảnh mình tạo ra.
 
* Chắc mỗi chuyến đi sáng tác, thường 1-5-7  tuần đó, một vai mang theo máy ảnh, còn vai kia vác theo... gia đình ?
 
Đào Hoa Nữ: Thế này nhé, nhớ có kỳ tôi triển lãm ảnh cá nhân tại Hà Nội, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến dự. Dạo khắp phòng triển lãm, thấy hình ảnh nhiều miền  đất nước, Tổng Bí thư dành cho sự mến phục, hay động viên gì đó: " Phụ nữ mà đi khắp nơi chụp ảnh mãi thế này, chồng... để đâu ?". Tôi chỉ vào chiếc máy ảnh mang bên hông: " Thưa, chồng em theo đây !".
 
Thật ra chúng tôi không bỏ bê gia đình bao giờ, mà là thu xếp. Các nhà nhiếp ảnh nam giới họ thoả mái hơn chúng tôi khi đi sáng tác, đã đi là mút chỉ, chỉ dồn cho ảnh. Còn chúng tôi, trước khi lên đường cho một chuyến sáng tác là phải đánh giá lại tình hình tài chính gia đình, mua sắm thực phẩm để sẵn cho mọi người, sắp xếp lại bếp núc, lên lịch trình sinh hoạt cho người thân già trẻ... Xong đâu đấy mới yên tâm mang túi lên đường. Có chị đang ở trên vùng Tây Bắc, gọi điện về cho người nhà mà rằng: nước mắm mẹ để chỗ này, tiêu ớt má để chỗ kia, hết gạo hết ga gọi số máy này; nhớ đi ngủ sớm, học bài... Khổ, vất vả, luôn thiếu tiền, nhưng chúng tôi tự nhận mình là những kẻ nghèo về thời gian. Chúng tôi cũng lấy đó làm hạnh phúc, chứ chưa bao giờ nghĩ phận gái lao vào nhiếp ảnh là bạc bẽo. Có gì ghê gớm đâu, làm nghệ thuật cũng như nông dân đi cày vậy thôi.
 
* Còn khát khao của một nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh ?
 
Đào Hoa Nữ: Là được đi đây đó để thấy đất nước mình mênh mông, thân thương; thấy người dân mình hiền hoà, tần tảo; thấy ánh sáng bình minh trên cây lá khác ánh sáng ban chiều, thấy  lòng bình an...
 
* Các Nhà nhiếp ảnh nữ có bao giờ say sưa vì Cúp này Cúp nọ, Huy chương này Huy hiệu kia, FIAP hay không FIAP, Hội viên Hội Nghệ sĩ, Hội Văn Nghệ hay không Hội viên... ?
 
Đào Hoa Nữ: Nếu đi sáng tác mà anh nghĩ đến chiếc Cúp là thua rồi, thất bại về nghệ thuật rồi: chụp không ra đâu. Phải chụp cho chính mình trước, cho nỗi buồn đau, cho niềm hân hoan, nghĩ suy, cho trái tim của mình trước sự vật. Cúp, huy chương... là cái phụ gia, rảnh rỗi, tiện tay thì tham gia chơi, tác phẩm mới là của mình, Cúp là của người khác đưa cho. Người có tài coi Nghệ thuật là cuộc chơi,  không để ý trời đất, người bất tài nhưng ham danh coi Hội là chỗ dựa làm sang. Nhưng có khi, cũng vì để có được chiếc Thẻ (Hội viên) đặng đi sáng tác người ta không "chặn lại",  thì nhiều khi cũng gửi ảnh dự thi, để được treo (trong các cuộc triển lãm quốc gia), được người ta chấm cho đủ số điểm để được phát thẻ. Thậm chí nếu có mong đoạt được cúp này cúp kia cũng là điều bình thường, chính đáng, vì nghề đàng hoàng nào người ta cũng cần  được vinh danh, thừa nhận, thậm chí nổi tiếng.
 
Nỗi lo xa…
 
* Hoạt động sáng tạo của giới Nghệ sĩ nhiếp ảnh thường tự lo, bươn chải dâng hiến, nhưng Nhà nước cũng không phải lo trả lương ?
 
Đào Hoa Nữ: Đó là sự thật. Chúng tôi cống hiến nhiều hơn, chụp được tấm ảnh độc đáo, đưa đến cho người đời xem là một sự cống hiến.
 
Nền nhiếp ảnh VN đang lớn mạnh và hội nhập như hiện tại nhờ nỗ lực và niềm đam mê của những người cầm máy. Những chuyến đi có tổ chức, hay tài trợ rất hiếm. Đợi Doanh nghiệp tài trợ ư ? Họ phải được lợi gì mới bỏ tiền chứ. Sự thật là những năm qua, nhất là mười năm trở lại đây, giới nhiếp ảnh chúng tôi mang về cho đất nước rất nhiều Huy chương quốc tế, Cúp châu lục... trong sự lặng lẽ lao động, âm thầm sáng tạo (và thường tự biết với nhau). Chúng tôi có quyền tự hào về điều này chứ !
 
*Theo chị, nền nhiếp ảnh VN đang ở vị trí nào trong nền nhiếp ảnh Châu Á ?
 
Đào Hoa Nữ: Hiện nay, gặp giới nhiếp ảnh nước ngoài, nhắc đến nền nhiếp ảnh nghệ thuật VN bạn sẽ nhận ngay cú gật đầu trân trọng. Nhiều người đều nhận ra điều đó. Tôi khẳng định nhiếp ảnh VN đến hiện nay đã ngồi chung chiếu, ngang hàng với bất cứ nước nào tại Châu Á, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Thật ra, xa hơn thế, những năm gần đây nhiếp ảnh VN dường như được Châu Âu, Mỹ... thừa nhận về đẳng cấp.
 
* Sự lớn mạnh của một nền nhiếp ảnh ở một quốc gia, hay sự dễ dãi ở các cuộc thi quốc tế ngày nay, liệu có khi nào vậy, bởi đó đây chính giới Nhiếp ảnh cũng phải lên tiếng về "lạm phát" Cup, Huy chương nhiếp ảnh ?
 
Đào Hoa Nữ: Lĩnh vực nghệ thuật khác tôi không dám bàn. Nhưng với nhiếp ảnh tôi nghĩ VN đã hội nhập hoàn toàn, phát triển rất nhanh,  tranh đua bất cứ đâu, sân chơi nào. Tôi cho rằng việc nhiều người liên tục đoạt giải, giành Cúp trong tháng, trong năm... là thể hiện sức sáng tạo dồi dào, lực lượng nhiếp ảnh nghệ hùng hậu của VN ngày nay. Chiếc Cúp quốc tế không làm nên Nhà nhiếp ảnh, mà sự nghiệp nhiếp ảnh làm nên họ.
 
*Là nghệ sĩ nhiếp ảnh uy tín lâu năm, hiện là Uỷ viên BCH Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, lại từng là thành viên của Hội đồng nghệ thuật của Hội, được xem là người có tầm  quan sát nhiếp ảnh nữa, theo chị, hiện trong giới nhiếp ảnh ở VN có hàng "giả" không, khi mà giờ đây ở đâu cũng thấy nhan nhản "nghệ sĩ nhiếp ảnh" ?
 
Đào Hoa Nữ: Đó là những người có vỏ mà không có ruột. Hiện tình này giờ cũng bắt đầu xuất hiện nhiều. Chắc người ta muốn dựa vào nó cho "oai", để nhằm những mục đích lợi ích tiến thân khác, hay loè ai đó. Nhưng đó không phải là "Nghệ sĩ", "Nhà" (nhiếp ảnh) thì lại càng quá xa. Như một nhà thơ, hoạ sĩ, hay nhạc sĩ..., đã là nghệ sĩ thì phải có tác phẩm, và tác phẩm phải được đám đông thừa nhận, biết đến, đón đợi, tức anh phải cống hiến cho công chúng nhiều vào.
 
Cú chớp riêng với “nữ”
 
* Riêng với Đào Hoa Nữ, dự tính sẽ làm gì với khối phim và ảnh đồ sộ  đó, mai này ?
 
Đào Hoa Nữ: Làm sao biết được lúc đó. Hiện tôi chỉ biết, làm sao để có thể có thêm những chuyến đi đến vùng này miền kia, được chụp ảnh. Tôi đang cố gắng để được bàn giao các nhiệm vụ ở Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN và Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Tp.HCM ... để hy vọng thực hiện được những cuộc đi sáng tác lang thang một mình, mơ mộng hơn, và xa hơn.
 
* Cầm máy ảnh đã suốt gần 30 năm, Đào Hoa Nữ định cầm đến khi nào đây ?
 
Đào Hoa Nữ: Đến khi nào chân không thể bước đi, tay không cầm nổi máy ảnh.(Năm nay chị 65 tuổi).
 
* Mong Đào Hoa Nữ sống đẹp và trọn vẹn với cuộc tình ấy, cuộc tình Nhiếp ảnh.
 
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ đã được Hiệp hội nhiếp ảnh Quốc tế phong tước hiệu E.FIAP, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN phong tước hiệu E.VAPA, rồi tước hiệu người có công sức cho nghệ thuật nhiếp ảnh: ES. VAPA, HON. VAP_nghệ sĩ danh dự. Hai năm sau khi cầm máy ảnh (vào 1984)  chị đã trở thành Hội viên Hội Nhiếp ảnh Tp.HCM, và ba năm sau nữa được vào Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN.  Chị là linh hồn (chủ nhiệm) của Câu lạc bộ nhiếp ảnh nữ đầu tiên ở VN mang tên Hải Âu nổi tiếng, từ 1998, và từ mô hình CLB này hiện cả nước đã nhân ra  thêm một loạt  CLB nhiếp ảnh nữ khác ngoài Bắc trong Nam. Bằng sự cống hiến cho nghệ thuật nhiếp ảnh, chị đã được tặng thưởng: Huy chương " Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật VN"; " Vì sự nghiệp Giải phóng phụ nữ", " Vì sự nghiệp nhiếp ảnh". Chị đã xuất bản các cuốn sách ảnh cá nhân như: "Việt Nam quê hương tôi", " Huế, đất Mẹ của tôi"," Huế, Thành phố Festival", và chuẩn bị  ra cuốn " Việt Nam, những nẻo đường". Ngoài ra, chị cũng đã được trao tặng trên 50 Cúp hoặc huy chương các loại trong và ngoài nước cho một số sáng tác. Hiện cứ mỗi kỳ Festival Huế, hai năm một lần, chị đều được chính quyền ở đây bố trí một khu vực triển lãm ảnh riêng.
 
Nguyễn Hàng Tình (thực hiện)