Tôi hẹn chị ở văn phòng làm việc. Đúng 3 giờ chiều, chị đến theo hẹn. Và nói trước: “Chiều, khoảng 4 giờ, tôi phải đi làm. Thường thì làm đến 7 – 8 giờ tối mới về nhà”. Tôi hiểu ý rằng chị chỉ có khoảng 1 tiếng đồng hồ để tiếp chuyện với tôi.
Chị Nguyễn Thị Ngọc. |
Nếu tính tuổi đời thì chị Nguyễn Thị Ngọc (hiện là Tổ trưởng Tổ Công đoàn tổ 5 thuộc Đội Môi trường của Công ty Quản lý công trình đô thị Đà Lạt) đã sắp bước vào tuổi hưu. Còn nếu tính tuổi nghề - cái nghề mà không phải là với người đời, ai ai cũng cảm thông (như theo chị buồn buồn nói rằng “Có người mắng chúng tôi là “thứ quét rác”) – thì chị cũng có đến gần 15 năm lăn lộn với bụi đường, song giọng nói của chị không giấu tự hào: “Tôi rất yêu nghề của mình!”.
Tôi hỏi: “Duyên nợ nào đưa đẩy chị đến với nghề làm đẹp cho đời này?”. Giọng chị trở nên xa xăm: “Mãi đến tháng 10.1997, tôi mới vào làm việc ở đây. Cón trước đó, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Công nghiệp rừng Trung ương (đóng ở Cúc Phương), năm 1982, tôi được điều về Lâm Đồng, công tác trong ngành lâm nghiệp. Một thời gian sau, đơn vị mà tôi đang công tác lúc bấy giờ là Công ty Lâm sản 3 Lâm Đồng bị giải thể - 10.1996, bản thân tôi phải “về vườn” như rất nhiều người khác”. Rồi, giọng chị chùng xuống thực sự: “Về, không công việc gì, tôi phải đi bán gà cả năm trời. Đến tháng 10.1997, nhờ có một người bạn giới thiệu, tôi được nhận vào làm việc ở Đội Môi trường này từ đó cho đến nay. Trong lúc hoàn cảnh của mình có những cái khó riêng thì được nhận vào làm việc như thế nên tôi quý lắm những con người ở đây. Và, tôi rất yêu công việc của mình cũng còn có lý do này nữa đấy!”. Như vậy, con đường đi của cuộc đời chị Ngọc không phải là quá suôn sẻ, dẫu có một chút may mắn. “Một năm đi bán gà, thú thực, tôi cũng… ái ngại lắm chứ. Nhưng nghề gì thì nghề, miễn là chân chính và sống bằng chính sức lao động của mình”. Những năm trước, gia đình chị Ngọc không phải không gặp những khó khăn, thậm chí rất khó khăn. Chồng chị là một quân nhân chuyên nghiệp, đồng lương không phải là nhiều. Còn chị, những năm mới vào làm ở Đội Môi trường, lương cũng ba cọc ba đồng. Nhưng, cứ dành dụm, chắt chiu, chị và anh đã quyết tâm nuôi dưỡng hai con (một gái, một trai) khôn lớn và học hành tử tế. “Đứa gái lớn của tôi giờ đã tốt nghiệp đại học được ba năm và đang đi dạy ở một trường cấp ba của huyện Đức Trọng. Còn cháu trai sau thì vừa tốt nghiệp đại học quân sự, được giữ lại trường, làm cán bộ của Trường Sỹ quan lục quân II ở Đồng Nai” – chi Ngọc nói tiếp.
Qua câu chuyện của chị Ngọc, tôi nhận ra, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” không phải bắt đầu từ những gì quá cao siêu mà phải bắt nguồn ngay từ những công việc nhỏ nhất. Nói như chị Phan Kim Phượng – Bí thư Chi bộ 3, Đội phó Đội Môi trường Công ty Quản lý công trình đô thị Đà Lạt – về người đồng nghiệp của mình là: “Chi ấy là con ong chăm chỉ nhất trong đàn ong chăm chỉ của Đội Môi trường chúng tôi. Chị Ngọc học tập và làm theo gương Bác từ những công việc nhỏ nhất như vậy đấy!”.
Quay sang chị Ngọc, tôi hỏi thêm: “Chị phụ trách đoạn đường Phan Chu Trinh (phường 9, Đà Lạt) là một trong những con đường lớn của thành phố, có dân cư đông đúc, chắc chắn công việc rất vất vả?”. Chị Ngọc trả lời không đi xa chủ đề: “Chị em trong Đội Môi trường chúng tôi là những con ong chăm chỉ, như chị Kim Phượng vừa nói. Học và làm theo Bác, chúng tôi càng chăm chỉ hơn để có một đường phố đẹp vào mỗi sớm mai, sạch vào mỗi khi vào đêm; và để xứng đáng là một thành phố xanh – sạch – đẹp của cả nước”. Trung bình mỗi ngày, cũng như nhiều chị em khác, chị Ngọc phải bỏ ra 8 tiếng để làm cho con đường Phan Chu Trinh mà mình phụ trách sạch đẹp. Còn nếu vào mùa du lịch hoặc lễ hội, hoặc tết âm lịch thì số giờ này phải tăng lên. Trong khu vực phố mà chị Ngọc phụ trách có đến 387 hộ sinh sống. Trung bình mỗi ngày, chị phải thu gom 6 xe rác; nếu là ngày cao điểm, số lượng này tăng lên 8 – 9 xe. “Nhiều lúc mệt lử nhưng tôi cố động viên mình và động viên chị em khác trong tổ cần gắng thêm tí để phố sạch, nhà sạch, xứng với thành phố xanh – sạch – đẹp, thế là vui. Học theo Bác là học ứng xử từ những việc rất nhỏ như vậy đấy!”.
Qua câu chuyện với chị Nguyễn Thị Ngọc, chúng tôi biết được, chị còn là tổ trưởng tổ dân phố 6 (khu phố Phan Chu Trinh, phường 9, Đà Lạt); tổ phó tổ hòa giải, ủy viên BCH Chữ thập đỏ… Gia đình chị còn là gia đình được 10 năm liền đạt gia đình văn hóa. Chị còn là người 10 năm liền (2001 – 2009) đạt danh hiệu phụ nữ hai giỏi cấp thành phố. Hai người con của chị bây giờ đã có việc làm ổn định: Một người hiện là giáo viên cấp 3 đang công tác ở huyện Đức Trọng, người còn lại vừa tốt nghiệp đại học quân sự và được giữ lại trường.
Chị Nguyễn Thị Ngọc là gương điển hình của Đà Lạt nhân 115 năm thành phố này kỷ niệm sinh nhật. Đặc biệt, trong 3 năm vừa qua, chị là một trong những tấm gương điển hình trong cuộc vận động và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ của Công ty Quản lý công trình đô thị Đà Lạt.