Obama “về thăm lại tuổi thơ” ở Indonesia

08:11, 19/11/2010

Chuyến thăm Indonesia của Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu vào ngày 9/11 ngoài chuyện xã giao và bàn bạc "đại sự" trong quan hệ hai nước Mỹ - Indonesia, còn có một góc khuất sâu lắng nằm đâu đó trong lòng thủ đô Jakarta đang chờ bước chân ông "trở về" thăm viếng. Đó là nơi mà một quãng thời thơ ấu Obama từng sống và đi học…

Chuyến thăm Indonesia của Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu vào ngày 9/11 ngoài chuyện xã giao và bàn bạc "đại sự" trong quan hệ hai nước Mỹ - Indonesia, còn có một góc khuất sâu lắng nằm đâu đó trong lòng thủ đô Jakarta đang chờ bước chân ông "trở về" thăm viếng. Đó là nơi mà một quãng thời thơ ấu Obama từng sống và đi học…

Cậu bé Barry muốn làm tổng thống

Thời ông Obama theo học, Jakarta chỉ có một khách sạn sang trọng (Hotel Indonesia) và một siêu thị mua sắm (Sarinah mall) ở khu Jl. M H Thamrin, còn Jakarta ngày nay - thủ đô của quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới - thì đã phát triển rộng rãi hơn, sầm uất hơn, đông đúc và chật chội hơn.

Nhưng, đằng sau sự thay da đổi thịt đó, những khu phố ngày xưa, có cả khu phố thân quen của ông Obama, vẫn còn giữ nguyên vẹn những sắc thái cũ rất dễ nhận ra. Hai ngôi nhà mà ông từng sinh sống thời đó, sau 4 thập niên ông rời bỏ, nay vẫn còn đứng nguyên như cũ, kể cả ngôi trường dòng Thiên Chúa giáo mà ông từng theo học cũng không thay đổi mấy, chỉ mở rộng thêm về cơ sở vật chất bên ngoài, còn bên trong vẫn y nguyên theo cách cũ.

Barack Obama (có dấu tròn) thời đi học ở Trường tiểu học Menteng.
Barack Obama (có dấu tròn) thời đi học ở Trường tiểu học Menteng.
Ngày 10/11, Tổng thống Obama đã làm cả khuôn viên Trường đại học Indonesia dậy sóng bằng bài phát biểu kể lại quãng thời gian thơ ấu sống ở đây. Ông mở đầu bằng tiếng Indonesia "Pulang kampung nih" (đây là buổi sáng của tôi) trong tiếng hò reo như sấm của 5.000 người dự khán. Ông dùng tiếng Indonesia "bagian dari diri saya" để nói với người Indonesia rằng: "Indonesia là một phần của tôi". Obama kể về những kỷ niệm, những hồi ức khó quên về khu Menteng-Dalam (ngoại ô Jakarta). Obama có em gái là bà Maya Soetoro, sinh ra ở khu này...

Jakarta xem Obama như một "cậu bé địa phương" làm nên sự nghiệp lớn. Không ai có thể ngờ rằng cậu bé Barry (tên thân mật của Obama hồi ở Jakarta) một ngày nào đó sẽ quay trở lại với tư cách là một nguyên thủ quốc gia. Kể từ khi Obama được bầu làm Tổng thống Mỹ, không chỉ Jakarta mà cả Indonesia đều hân hoan, vui mừng và tự hào về ông.

Thời thơ ấu, Obama từng theo mẹ đến sinh sống ở Indonesia trong khoảng thời gian từ năm 1967 đến 1971. Hồi đó, mẹ ông, bà Stanley Ann Dunham, đến Indonesia làm công tác xã hội, giúp đỡ những người nghèo các khoản vay tín dụng nhỏ để làm kinh tế gia đình. Cậu bé Obama mới 6 tuổi. Ở đó, bà Dunham đã gặp ông Lolo Soetoro và xây dựng gia đình mới. Cả nhà chuyển vào ở trong một căn nhà một tầng ở khu Menteng-Dalam.

Thời đó, Menteng-Dalam là một khu dân cư mới, thuộc vào loại giàu có nhất ở Jakarta, bao gồm những người giàu có từ Java và Sumatra mới đến cư ngụ. Những người hàng xóm của gia đình Obama khi đó hiện còn sống kể lại rằng, hồi đó, khi gia đình Obama chuyển đến thì khu này còn nghèo lắm. Giờ rảnh rỗi, bà Dunham kiêm luôn cả việc dạy ngoại ngữ (tiếng Anh) cho phụ nữ trong khu. Barry thường được họ tả lại một cách thân mật là "cậu bé chạy lạch bạch như con vịt".

Cũng theo lời kể của những người hàng xóm cũ, hồi còn ở Menteng-Dalam, Obama theo học tại một ngôi trường Thiên Chúa giáo La Mã tên là Trường Santo Fransiskus Asisi. Ngôi trường này vừa được thành lập năm 1967, tức không lâu trước khi gia đình Obama đến. Lúc Barry vào học, trường mới chỉ có 3 lớp học với tổng cộng 150 học sinh. Ngày nay, ngôi trường này đã được mở rộng rất nhiều, có đến 1.300 học sinh từ mẫu giáo cho đến trung học phổ thông, theo Hiệu trưởng Yustina Amirah.

Khoảng năm lớp 3 thì gia đình Obama phải chuyển chỗ ở đến một khu phố mới, khu Matraman-Dalam. Đây là một trong những khu phố bình dân ở Jakarta, chỉ có những dãy nhà trệt, đường sá bụi bặm. Thế nhưng cậu bé Barry lại chuyển trường đến học tại Trường tiểu học Menteng 1 - ngôi trường tiểu học nổi tiếng nhất Indonesia thời đó - không nằm trong khu nghèo khó Matraman-Dalam. Trường này do thực dân Hà Lan xây dựng vào năm 1934, và suốt từ đó là nơi học tập của con em các giới thống trị thuộc địa Nam Dương và lãnh đạo Indonesia sau này.

Ngày nay, mặc dù ở Jakarta cũng có nhiều "trường quốc tế" mọc lên, nhưng trường Menteng 1 vẫn là ngôi trường mà giới thượng lưu Indonesia chọn lựa gửi con em theo học. Có một điều là, trong khuôn viên ngôi trường Menteng 1 từ năm 2002 đã mọc lên một ngôi Thánh đường Hồi giáo - biểu tượng cho ảnh hưởng ngày càng mạnh của đạo Hồi trong đời sống xã hội Indonesia.

Sau khi rời khu Matraman-Dalam, gia đình Obama chuyển đến thuê trọ ở trong khu nhà của một bác sĩ giàu có. Tại đây, cậu bé Barry lại có bạn mới là 2 con trai của tài xế riêng của ông bác sĩ.

Slamet Januadi, 52 tuổi, người con lớn của bác tài xế năm xưa hồi tưởng rằng, ấn tượng khó quên nhất Barry để lại nơi ông chính là một lần nọ cậu đã hỏi cả bọn rằng: "Các cậu muốn khi lớn lên làm một tổng thống, một anh lính hay nhà kinh doanh?".

Rồi Barry giải thích: “Làm anh lính thì có cây súng, làm nhà kinh doanh thì có tiền, nhưng làm Tổng thống thì chẳng có gì cả! Januadi và em trai trả lời là "muốn làm lính" và về sau gia nhập quân đội Indonesia thật. Một người bạn cùng chơi nữa nói: "Muốn làm nhà kinh doanh", và về sau cũng đã trở thành một ông chủ ngân hàng. Còn lại Barry thì "muốn làm tổng thống" - và giờ ông đã là Tổng thống Mỹ!

Obama bắc lại "nhịp cầu" với thế giới Hồi giáo

Trong bài phát biểu trước khoảng 5.000 - 6.500 học sinh, sinh viên và người dân Jakarta tại Trường đại học Indonesia sáng ngày 10/11, Tổng thống Obama đã hết lời ca ngợi Indonesia như một kiểu mẫu trong thế giới Hồi giáo trong tiến trình đi đến dân chủ.

Ông cũng ca ngợi đất nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới về "tinh thần khoan dung đã được ghi vào Hiến pháp, và sự đa dạng tôn giáo biểu trưng bởi những ngôi Thánh đường Hồi giáo xây bên cạnh các nhà thờ Thiên Chúa và chùa Phật, và biểu hiện trong chính người dân các bạn". Đó là một giá trị đáng để cả thế giới noi theo. Đan xen trong bài phát biểu của mình, ông Obama kể lại những kỷ niệm thời thơ ấu ở Jakarta, dùng chữ Indonesia để tạo nên cảm xúc thân quen, gần gũi với người dự khán - và người theo đạo Hồi nói chung.

Trước khi đến thăm Đại học Indonesia, ông Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle đã đến thăm Thánh đường Istiqlal - ngôi Thánh đường Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á, được xây dựng bên cạnh một nhà thờ Thiên Chúa giáo ở trung tâm Jakarta. Đây được xem là biểu tượng của sự đa dạng về tôn giáo ở đất nước Hồi giáo Indonesia, như câu quốc hiệu của Indonesia "Bhinneka Tunggal Ika", có nghĩa là "Thống nhất trong đa dạng".

Bài phát biểu và động thái đi thăm ngôi Thánh đường Istiqlal trong khuôn khổ chuyến thăm đất nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới cho thấy ông Obama đang tiếp tục những nỗ lực hàn gắn quan hệ với thế giới Hồi giáo. Đặc biệt, trong bối cảnh Hạ viện đã lọt về tay đảng Cộng hòa sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, tương lai chính trị của ông Obama càng phụ thuộc vào chính sách đối ngoại, nhất là với thế giới Hồi giáo và khu vực châu Á.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa Mỹ - Israel cũng căng thẳng trở lại xoay quanh việc xây dựng nhà ở trong các khu tái định cư trên phần đất chiếm đóng của người Arập. Ngay hôm mới đến Indonesia, ông Obama đã chỉ trích Israel vì kế hoạch xây dựng 1.300 đơn vị nhà mới ở Đông Jerusalem. Thực tế này đang buộc ông Obama đang phải cố gắng cân bằng quan hệ giữa một bên là Israel và một bên là thế giới Hồi giáo để duy trì hy vọng trong chính sách đối ngoại ở Trung Đông.
 
Theo ANTG