Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương Tây Nguyên xây dựng quy hoạch chi tiết nhằm sớm giải “bài toán” nguồn nhân lực đang là bức xúc lớn, là điểm nghẽn đối với sự nghiệp phát triển của khu vực này trong giai đoạn 2011-2020.
Ngày 18/11, tại TP. Buôn Ma Thuột, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội và UBND 5 tỉnh Tây Nguyên đã chủ trì Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. |
Đây là địa bàn có vị trí chiến lược về chính trị, an ninh- quốc phòng với nhiều lợi thế đặc biệt về khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó Tây Nguyên còn có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện và công nghiệp khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản và tiềm năng phát triển du lịch.
Tuy có nhiều lợi thế về tự nhiên, nhưng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng còn bất cập, trình độ học vấn, dân trí của vùng vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước và các vùng khác.
Số cán bộ có trình độ đại học trở lên là 97.122 người (chiếm 2,8%). Lao động chưa qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật là 3,1 triệu người (chiếm 90,2%). Việc mất cân đối đó khiến nguồn nhân lực của vùng Tây Nguyên luôn rơi vào tình trạng phát triển không bền vững.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo của Tây Nguyên ước đạt 40% và năm 2020 sẽ là 55%. Dự kiến giai đoạn 2011-2020 bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 lao động tại địa phương. Đến năm 2020, đưa tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị xuống dưới 3%, tăng tỷ lệ lao động ở nông thôn lên 90%.
Các tỉnh Tây Nguyên đã nêu ra nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn cũng như kế hoạch có tính liên vùng để giải bài toán quy hoạch nguồn nhân lực sao cho bài bản và có tính bền vững nhất.
Kiến nghị nổi bật tại hội nghị là 5 tỉnh cần liên kết, hỗ trợ với nhau chặt chẽ hơn trong công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Tiếp tục mở rộng đối tượng cử tuyển đối với đồng bào dân tộc thiểu số, có chính sách ưu tiên trong quá trình học tập, tuyển dụng và bổ nhiệm.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách luân chuyển và tăng cường cán bộ tỉnh, huyện về xã đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tập trung dạy nghề cho lao động thuộc các vùng chuyên canh, vùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế để có nhiều cơ hội việc làm, tự tạo ra việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động. Đưa Đại học Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt, Trường cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Đắk Lắk thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng. Sớm xây dựng Làng đại học quốc tế tại Lạc Dương, Lâm Đồng…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh yêu cầu đặt ra với phát triển nguồn nhân lực các tỉnh Tây Nguyên là phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo sự chuyển biến lớn để vùng phát triển ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, giữ vững sự đoàn kết giữa các dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhiều chỉ số an sinh xã hội đạt mức trung bình của cả nước, từng bước đưa Tây Nguyên trở thành động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Phó Thủ tướng đề nghị 5 tỉnh sớm làm rõ những đặc thù về nhân lực của mình, từ đó làm rõ yêu cầu về sử dụng nguồn lao động, khảo sát để có quy hoạch cụ thể, đồng bộ về phát triển nguồn nhân lực.
Các Bộ, ngành liên quan cần hỗ trợ 5 tỉnh tập trung tìm giải pháp tối ưu để phát triển nhân lực vùng Tây Nguyên theo quy hoạch đồng bộ với những mục tiêu, phương hướng và giải pháp khả thi nhằm tạo ra một đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, đạo đức nghề nghiệp và kỹ luật lao động, đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn.
Phó Thủ tướng xác định, đối với Tây Nguyên nên quan tâm tới nhóm nhân lực để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, tạo ra các kinh nghiệm làm ăn hiệu quả, sớm thay đổi đời sống của bà con các dân tộc.
Các tỉnh Tây Nguyên cần sớm thống nhất những cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nhân lực về với địa phương mình.