Nhức nhối nhu cầu lao động làm thuê

03:11, 11/11/2010

Từ những ngày cuối tháng 10 đến nay, cà phê đã lưa thưa chín quả, nông dân bắt đầu hái tỉa. Chừng hơn 2 tuần nữa, cà phê sẽ chín rộ, việc thu hái bắt đầu vào thời kỳ cao điểm. Mùa thu hái đã cận kề, nông dân vùng cà phê lo lắng và nhức nhối nhất là việc đi tìm công lao đọng.

Từ những ngày cuối tháng 10 đến nay, cà phê đã lưa thưa chín quả, nông dân bắt đầu hái tỉa. Chừng hơn 2 tuần nữa, cà phê sẽ chín rộ, việc thu hái bắt đầu vào thời kỳ cao điểm. Mùa thu hái đã cận kề, nông dân vùng cà phê lo lắng và nhức nhối nhất là việc đi tìm công lao đọng.
 
LAO ĐỘNG THIẾU TRẦM TRỌNG

Toàn tỉnh hiện có trên 120.000 ha cà phê thu hoạch. Diện tích tập trung nhiều nhất là ở các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Bảo Lộc… Chưa thống kê được chính xác, khi bước vào vụ thu hoạch cà phê toàn tỉnh cần bao nhiêu lao động. Tuy nhiên, theo các “lão nông tri điền”, bình quân mỗi ha cà phê, phải cần đến 2 lao động thu hái ròng rã trong 2 tháng trời mới xong. Như vây, có thể hình dung được, đến thời vụ thu hái cà phê, lao động ở các vùng sản xuất cà phê trong tỉnh lại thiếu rất trầm trọng. Chẳng hạn như ở huyện Di Linh (diện tích cà phê thu hoạch có khoảng 40 ngàn ha), vào vụ thu hoạch có tới 30 ngàn lao động từ các nơi (Bắc, Trung, Nam) đổ dồn về để hái thuê cà phê. Nếu không có lực lượng lao động này, chắc chắn quả cà phê sẽ rụng do không thu hái kịp (vì thời gian thu hái chỉ trong vòng 2 tháng).
 
“Cò” xe ôm săn đón công lao động tại  ngã ba Bưu điện Di Linh.
“Cò” xe ôm săn đón công lao động tại ngã ba Bưu điện Di Linh.
Chính do thiếu lao động, nên giá cả tiền công quá cao, cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít nông dân thu hái cà phê khi quả còn xanh hoặc chỉ hái một lần (lẽ ra phải hái 2 - 3 lần, vì quả cà phê không chín cùng một lúc), dẫn đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo.

CẢNH BÁO NHỮNG… “CHIÊU” LỪA ĐẢO!

Do mất cân đối giữa “cung” và “cầu” lao động, nên khi đến mùa thu hái, ở vùng sản xuất cà phê đã phát sinh nhiều phức tạp. Ở địa phương nào cũng có hiện tượng tranh giành người lao động làm thuê của nhau, dẫn đến giá cả tiền công lao động cao, không theo một nhất định nào cả. “Đến hẹn lại lên”, khi vào mùa thu hái, lại xuất hiện những “cò” dẫn “mối” lao động, là những xe khách, xe ôm “chặt” với giá vô tội vạ, nhưng những nhà vườn - người trồng cà phê - cũng đành bấm bụng chịu! Tuy nhiên, điều đáng nói hơn, là phát sinh nhiều… “chiêu” lừa đảo mà không ai lường trước được!

Chỉ mới những ngày đầu tháng 11 này, ở vùng cà phê, nhà nào cũng đi tìm kiếm lao động để chuẩn bị vào mùa thu hái. Từ những chuyến xe dọc ngang, “cò” dẫn dắt người đến làm thuê chân chính là điều mà mọi người có thể chấp nhận được. Nhưng đằng sau đó, một số “cò” đã bắt tay với không ít người bất chính để lợi dụng tình huống khan hiếm lao động, giả danh đi làm thuê để hình thành một “tour”… lừa đảo! Ngày 5/11/2010, “cò” xe ôm dẫn “mối” giới thiệu 3 người đến hái cà phê cho bà Nguyễn Thị Liệu (khu phố 6, thị trấn Di Linh). Bà Liệu mừng thầm, vì 3 người này đã trung trung tuổi, trông có vẻ đứng đắn và “cò” chỉ lấy giá rất “rẻ” là 180 ngàn đồng/ 1 người (trong khi giá phổ biến hiện nay là 300 - 400 ngàn đồng/ 1lao động). Bà Liệu tiếp đón khá “tử tế”, nhưng rồi ngày hôm sau lại “thất vọng” vì 3 người đó đã lẳng lặng “biến” đi đâu mất! Chiều ngày 7/11/2010, bà Trần Thị Hường (khu phố 8, thị trấn Di Linh) tình cờ tìm được 2 người ở nơi khác đến làm thuê (không qua trung gian “cò”). Chị Hường mừng lắm vì mấy ngày nay tất bật nhưng tìm không ra công. Hai người lạ mặt này tự xưng là 2 vợ chồng (không có giấy chứng minh gốc mà chỉ có giấy chứng minh phô tô) tên là Lượng Thanh Tòng (sinh năm 1978 – Dân tộc Chăm, quê ở Xuân Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) và Nguyễn Thị Mỹ Toàn (sinh năm 1971, quê ở Phan Hoà, Bắc Bình, Bình Thuận). Qua trò chuyện, chị Hường thấy 2 người cũng đứng đắn, hoàn cảnh tội nghiệp, đáng thương và được biết ở quê còn rất nhiều người muốn lên Di Linh hái thuê cà phê, nhưng không có tiền tàu xe. Vì quá cần thêm công lao động, nghe vậy, chị Hường rũ thêm một chị gái (ở khu phố 10) và hai người bạn (ở khu phố 9) góp tiền để nhờ Tòng về quê dẫn thêm người lên hái cà phê. Cứ mỗi công lao động, đưa trước cho Tòng 150 ngàn đồng tiền xe và 50 ngàn đồng tiền công tìm người. Cả 4 chị em đã đưa cho Tòng 2.350.000 đồng, nhưng vẫn còn ái ngại sợ Tòng đi mất. Tòng hứa: “Tôi chỉ về quê một mình, để bà xã ở lại đây mà! Nếu các chị không tin, tôi trả tiền lại cho, có sao đâu!”. Đúng, ngày hôm sau Tòng đi một mình, bà xã ở lại! Chị Hường cho người nhà theo dõi Toàn, nhưng không biết “mụ” đã biến mất lúc nào! Chuyện cũng tương tự, mới xảy ra cách đây vài hôm ở xã Đinh Lạc: Một chủ nhà vườn đã “cười ra nước mắt” vì “cò” đã dẫn đến 11 người, lấy giá “rẻ” 250 ngàn đồng/ 1 người, nhưng chỉ hái cà phê được 1 ngày. Sang ngày hôm sau, chúng trốn đi đâu mất!...
     
Bùi Trưởng