Thủy điện chưa hài hòa với lợi ích nhà nông

08:11, 04/11/2010

Cần có những quyền lợi thỏa đáng và chia sẻ rủi ro đối với bà con nông dân bị ảnh hưởng từ những công trình thủy điện trên địa bàn.

(LĐ online) - Nguyên nhân làm ngập úng hàng ngàn ha rau, màu, lúa và hư hỏng nặng nhiều công trình thủy lợi, dân sinh? Mức độ và trách nhiệm của ai, như thế nào? Đó là nội dung được mổ xẻ tại cuộc họp giữa đại diện các cơ quan tỉnh như Sở Tư pháp, Sở NN và PTNT, Ban Dân vận, Hội Luật gia…và lãnh đạo hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng do Hội Nông dân tỉnh tổ chức vào chiều ngày 04/11.

Nông dân thiệt hại 23 tỷ đồng do ngập úng

Ông Đinh Ngọc Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: từ ngày 29/10 đến ngày 02/11 Đơn Dương chịu cảnh mưa nhiều và hồ Đa Nhim xả lũ với lưu lượng lớn (từ 150 - 500m3/s). Về mức độ thiệt hại, hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng sơ bộ tính khoảng 23 tỷ đồng (Đơn Dương 640 ha rau, màu và 188 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại khoảng 22 tỷ đồng).

Vì xót của, bà con nông dân Đơn Dương liều lĩnh tận thu rau trong khi lũ đang dâng lên nhanh.
Xót của, nông dân Đơn Dương liều lĩnh tận thu rau khi lũ đang dâng nhanh.
Đòi quyền lợi chính đáng cho nông dân

Về cơ chế phối hợp giữa huyện và công ty thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, ông Đinh Ngọc Hùng cho biết: “Từ trước tới nay giữa huyện và Công ty không có cơ chế gì. Theo quy định, hồ Đa Nhim sẽ xả lũ khi mực nước trong hồ vượt cao trình 1.042 mét nhưng vừa rồi hồ có xả trước mức quy định này. Tuy nhiên bộ phận quản lý hồ cũng thông báo mức xả cho huyện để huyện thông báo cho dân và các cơ quan chức năng phòng chống”.

[links(right)]Ông Hùng cũng thừa nhận một tình cảnh là khi nước về với tốc độ nhanh, những chỗ ngập sâu nông dân chỉ đứng nhìn thiệt hại vì huyện kiên quyết không cho bà con thu hoạch để bảo toàn tính mạng. “Nông dân thu hoạch không thể đảm bảo thời gian chạy lũ được. Khi mùa lũ về, hồ xả, nông dân vớt vát được chút nào thì hay chút đó, chưa có cơ quan nào đứng ra đền bù thiệt hại cho nông dân cả. Mỗi lần thiệt hại, huyện cũng làm báo cáo cho tỉnh nhưng cũng chỉ là để báo cáo, chứ đền bù, hỗ trợ gần như không có. Tôi đề nghị ngành điện phải có trách nhiệm chia sẻ cộng đồng, dân thực sự khó khăn khi mùa khô đến hay lũ về.” - ông Hùng nói.         

Theo ông Mai Nam Dương - Phó GĐ Sở NN & PTNT, cao trình mực nước siêu cao của hồ Đa Nhim cho phép là 1.045 mét, dung tích ứng với mực nước phòng lũ rất nhỏ (15 triệu m3). Ông Dương cảnh báo sắp tới còn nhiều thủy điện khác mọc lên như ĐaSiar, Đa Dâng 2, Văn Minh…sẽ kéo theo những hệ lụy và “sau này xả lũ sẽ... nhiều chuyện nữa”.

Năm 1993, hồ Đa Nhim xả lũ không đúng quy trình mà xả đột ngột tới 1.800m3/s, người chết, nhà trôi. “Thủy điện Đa Nhim làm thế nào để lợi ích được hài hòa với lợi ích người dân Đơn Dương, Đức Trọng. Trước đây xả 1.800 m3/s bằng bây giờ xả 600 m3/s vì địa hình bồi lắng, dòng sông bị cản trở, xâm lấn…Nếu bây giờ xả 1.800 m3/s chắc ngập sẽ gấp đôi so năm 1993, thiệt hại rất lớn. Lợi ích của ngành điện là tích được nước nhiều thì sản lượng điện lớn. Thiệt hại không chỉ khi xả lũ mà về mùa khô, sông Đa Nhim bị “chết”, không có giọt nước nào, dòng chảy không có nên nông dân Lâm Đồng bị thiệt hai lần. Hạ lưu đập Đại Ninh cạn khô là một cái giá rất đắt đến nay chưa khắc phục được. Do đó cần phải làm việc với ngành điện lực để giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà kinh doanh điện với người nông dân” - ông Dương khẳng định. 
   
Từ góc độ pháp lý, ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc sở Tư pháp tỉnh cho rằng: Nếu việc xả lũ trái pháp luật thì yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại cho dân cần có sự thống nhất của các bên liên quan. Hội Nông dân đại diện cho nông dân kiến nghị. Nếu không vi phạm thì hai bên: nông dân và ngành điện nên cùng thống nhất để có sự hỗ trợ thiệt hại. Việc hỗ trợ nông dân thiệt hại là trách nhiệm của nhà kinh doanh (thủy điện) và cả trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là địa phương. Chia sẻ mất mát với người dân vùng lũ, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Thường trực Ban Dân vận nói: Vô lý quá, nông dân mất hàng trăm ha diện tích cây trồng như vậy mà không được hỗ trợ gì. Trước mắt, ngành điện cần có hỗ trợ, lâu dài phải đảm bảo sự hài hòa lợi ích của dân. Đề nghị hai huyện thống kê thiệt hại báo cáo, cùng Hội Nông dân tỉnh gửi lên các ngành liên quan và UBND tỉnh mời ngành thủy điện làm việc. Không chỉ làm việc về đợt xả lũ này mà cả mùa mưa và mùa khô từ nay trở đi. 

Với cương vị Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông Trần Duy Việt cho rằng, cần có những quyền lợi thỏa đáng và chia sẻ rủi ro đối với bà con nông dân bị  ảnh hưởng từ những công trình thủy điện trên địa bàn. Hội sẽ làm kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước để yêu cầu ngành điện hỗ trợ; sẽ có ý kiến đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

“Mọi lợi ích phải hài hòa với lợi ích của dân thì mới làm. UBND tỉnh đã từng 2 lần có ý kiến với Công ty thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi nhưng công ty này vẫn không có phản hồi trả lời. Ngành điện kinh doanh nhưng những người dân ở đó, địa phương đó được hưởng lợi cái gì? Nếu ngành điện không quan tâm đến sự thiệt thòi của dân thì dân không di dời để làm thủy điện. Vấn đề ở đây còn là đạo lý, tại sao không có sự chia sẻ rủi ro với người nông dân ? Chúng tôi sẽ kiến nghị với UBND tỉnh, HĐND tỉnh để chỉ đạo giải quyết thiệt hại cho nông dân”- ông Trần Duy Việt kết luận.
 
                     Minh Đạo