Tổ ấm của thầy và trò

09:11, 18/11/2010

Giữa thành phố Đà Lạt có một mái ấm dành cho những đứa trẻ không có gia đình, tổ ấm chỉ có những cậu bé và một người thầy. Đó là Mái ấm Mai Sơn, đường Hoàng Diệu, phường 5.

Nhắc tới một tổ ấm, mọi người thường hình dung tới một gia đình, với cha mẹ, con cái và những người thân yêu xung quanh. Nhưng với nhiều đứa trẻ, tổ ấm là một điều mơ ước xa vời. Giữa thành phố Đà Lạt có một mái ấm dành cho những đứa trẻ không có gia đình, tổ ấm chỉ có những cậu bé và một người thầy. Đó là Mái ấm Mai Sơn, hiện đang ngụ tại đường Hoàng Diệu, phường 5, nơi thầy Văn Đình Cường và những đứa trẻ đang xây dựng một gia đình.

NHỮNG THÂN PHẬN KHÔNG CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG

Anh Cường kiểm tra bài học cho trẻ.
Anh Cường kiểm tra bài học cho trẻ.
Hai anh em Võ Văn Lanh, Võ Văn Hưởng vẫn còn nhớ như  in những ngày sống lang thang trên phố Đà Lạt. Cha mẹ chia tay, mẹ bỏ đi mất tích và cuối cùng, cả hai thành trẻ không nhà, sống nhờ vào lòng thương của người qua đường, chui rúc hè phố. Hôm nay, hai anh em đang sống trong Mái ấm Mai Sơn, được đi học, có bè bạn, thầy cô và quan trọng hơn hết, hai anh em được yêu thương dưới một mái nhà. Hay Nguyễn Duy Tuấn, mất gia đình bởi những sự xung đột giữa cha mẹ, bị giày vò tới mức mắc bệnh trầm cảm, không giao tiếp với mọi người, từ ngày về sống với mái ấm, em đã vui vẻ hơn và là một học sinh giỏi tại trường. 12 đứa trẻ từ 7 tới 16 tuổi với 12 nỗi niềm, nào thì cha mẹ nghèo quá không cho con đi học được, cha mẹ chia ly bỏ rơi con, thậm chí có em không biết cha mẹ mình là ai, quê hương ở đâu… Chỉ biết rằng hiện tại, chúng đang sống êm ấm trong một gia đình, với trường lớp và một tương lai đang mở rộng trước mặt.

Người chủ gia đình, anh Văn Đình Cường, sinh năm 1969 tại Đà Lạt vốn làm việc trong ngành du lịch, tự nguyện nghỉ việc để chăm sóc trẻ. Suốt 10 năm làm chủ gia đình, những đứa bé đã từng sống trong mái ấm phải lên tới con số hàng trăm. Có đứa lớn lên, có việc làm và lập gia đình, có đứa cha mẹ tìm về, có trẻ anh trực tiếp đưa về với gia đình. Tới hôm nay, anh vẫn canh cánh tình thương với những đứa học trò đầu tiên, đồng cam cộng khổ cùng thầy từ khi mái ấm mới bắt đầu.

MỘT TỔ ẤM TỪ NHỮNG TẤM LÒNG

Văn Đình Cường vốn là thành viên Nhà mở Đà Lạt, nơi chăm sóc trẻ trẻ đường phố thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Tới năm 2000, khi Nhà mở Đà Lạt mất trụ sở hoạt động, những đứa trẻ thành bơ vơ. Gắn bó với chúng nhiều năm, anh không nỡ lòng thấy bọn trẻ phải quay trở lại hè phố. Thế là thầy trò tự đùm bọc lẫn nhau, thuê nhà cùng sống. “Nhóm trẻ đầu tiên gồm 17 đứa, cả thầy và trò cực kỳ vất vả để có tiền thuê nhà, tiền sinh sống và đi học” - anh Cường nhớ lại những ngày ấy - thầy trò phải làm đủ mọi việc, đi bán vé số, nuôi bò, nuôi gà vịt, thả cá, rửa xe… để có tiền trả tiền nhà, tiền mua gạo. Còn chuyện ăn uống rất đơn giản, rau đi xin các nhà vườn, thức ăn toàn cá khô, quần áo cũng do các nhà hảo tâm giúp đỡ. Vậy mà những đứa trẻ ấy vẫn được đi học, dù là học ở các lớp tình thương. Một buổi đi học, một buổi phụ thầy đi làm kiếm sống, chúng lại lôi về mái ấm những đứa bạn cùng cảnh ngộ xin thầy cho ở chung. Ngay bản thân anh Cường, mỗi lần ra phố gặp trẻ lang thang lại gọi chúng về, thuyết phục chúng vào sống trong mái ấm, đi học chữ, học nghề. Không chỉ thế, chỗ ở cũng thay đổi liên tục vì đi thuê, chủ nhà lấy lại lúc nào cũng đành chịu. Cuối cùng mái ấm ổn định tại Hoàng Diệu bởi đây là ngôi nhà của gia đình anh Cường chia sẻ cho con trai thực hiện mơ ước. Trẻ của mái ấm cũng được đi học ở các trường tiểu học, THCS, THPT trong thành phố như Lê Lợi, Lam Sơn, Nguyễn Du, Tây Sơn chứ không chỉ học ở các lớp tình thương. 

Tới hôm nay, cuộc sống của mái ấm đã đỡ vất vả hơn nhiều bởi có sự giúp đỡ của xã hội. Từ năm 2006, Tổ chức Dillon, một tổ chức nhân đạo phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ đã hỗ trợ tiền ăn, tiền ở cho các em. Anh Cường nhẩm tính, một tháng chi phí ăn ở, học tập cho trẻ được Dillon hỗ trợ trên một nửa, còn lại mái ấm vẫn tự kiếm thêm bằng các nguồn như thu nhặt phế liệu và các nhà hảo tâm khác phụ giúp. “Nhưng nuôi thì dễ, dạy chúng mới khó” - anh Cường tâm sự thật. Trong một gia đình, con cái cùng cha mẹ dạy đã vất cả, đây lại là trên 10 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi nghịch thì khó còn tới đâu. “Tôi rèn chúng vào kỷ luật, nghiêm khắc và phải có trách nhiệm với bản thân và mái ấm” - anh Cường nói. Trong mái ấm có treo sẵn nội quy,  hàng ngày đều có lịch phân công làm việc nhà và các em tự giác làm phần việc mình được giao. Anh Cường hàng ngày đưa đón những em bé nhất tới trường và đón về, quản lý chúng chuyện học hành, liên lạc với thầy cô để biết tình hình học tập của các em. Trẻ ở Mái ấm Mai Sơn được học tất cả những gì một đứa trẻ bình thường có được, đứa đi học võ, có đứa lại học đàn… nhưng yêu cầu đầu tiên phải là ngoan ngoãn, không nói tục chửi thề và học tốt trên lớp. Nghỉ hè nghỉ lễ, em nào được gia đình xin cho về chơi, anh Cường đều đưa học trò về và đón lên để kịp đi học.

Công việc thiện nguyện của anh sẽ tiếp tục đến bao giờ và anh nghĩ gì tới tương lai cho riêng mình? Trước câu hỏi này, anh Cường chỉ giản dị: “Tôi thương lũ trẻ, nhiều đứa lớn đi làm xa vẫn gọi điện về hỏi thăm thầy, hỏi thăm em. Tôi cảm thấy chúng như gia đình tôi và quyết định sẽ gắn bó đời mình với mái ấm, dành tương lai của mình cho bọn trẻ thiệt thòi”. Một mái ấm giản dị đang là nơi chắp cánh cho những đứa trẻ thiệt thòi bước tiếp trên con đường đời rộng mở.

D. Quỳnh