Bác sĩ tây học chữa hen miễn phí

02:12, 15/12/2010

Cả tháng nay, phòng khám hen miễn phí của Tiến sĩ Dương Quý Sỹ nằm trên đường Phan Đình Phùng chiều nào cũng đông bệnh nhân, mặc dù không có băng rôn, bảng hiệu.

 Bệnh nhân được khám bệnh với máy đo nồng độ NO hiện đại nhất được TS Dương Quý Sỹ mang về từ Pháp.
Bệnh nhân được khám bệnh với máy đo nồng độ NO hiện đại nhất được TS Dương Quý Sỹ mang về từ Pháp.
Cả tháng nay, phòng khám hen miễn phí của Tiến sĩ Dương Quý Sỹ nằm trên đường Phan Đình Phùng chiều nào cũng đông bệnh nhân, mặc dù không có băng rôn, bảng hiệu. Người bệnh được thoải mái kể bệnh và tò mò về ông bác sĩ đủ thứ: Sao bác sĩ khám cho thuốc không lấy tiền? Sao bác sĩ học bên Tây về lại ưu ái bệnh nhân hen?...

30 phút và hơn thế nữa

BS Dương Quý Sỹ mở phòng mạch dành riêng cho bệnh nhân hen ngay tại nhà của mình. Thời gian khám 30 phút/bệnh nhân theo chuẩn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về khám hen, có trường hợp kéo dài cả tiếng để đo các chức năng hô hấp, theo dõi dùng thuốc giãn phế quản. Ông giảng giải: “Đặc điểm bệnh hen có 2 dạng. Khi bệnh nhân lên cơn co thắt, thở rít, khò khè thì phải cho dùng thuốc giãn phế quản để cắt cơn; trường hợp bệnh nhân bị viêm mạn tính trong đường dẫn khí thì phải nhờ vào máy đo nồng độ NO (ôxit ni tơ) để phát hiện bệnh. Nếu phát hiện bệnh nhân viêm mạn tính chưa được điều trị thì bác sĩ cho thuốc, hướng dẫn cách chữa trị”

Hạnh phúc của bệnh nhân được khám hen với chiếc máy đo nồng độ NO hiện đại nhất mới ra đời ở Pháp năm 2010, được bác sĩ mang về Việt Nam cái đầu tiên trị giá 200 triệu đồng. Chiếc máy giúp cho việc khám phân loại bệnh hen theo 4 nhóm dựa vào mức độ nặng, nhẹ tùy vào nồng độ NO thở ra cao hay thấp. Theo BS Sỹ, ở các nước tiên tiến, điều trị bệnh hen theo 4 mức độ, việc khám bệnh phải căn cứ vào lâm sàng để có hướng điều trị thích hợp. Điều trị hen rất phức tạp, bệnh liên quan đến yếu tố dị ứng nên khi thăm khám phải hỏi kỹ bệnh nhân để khuyên người bệnh tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng; khuyên bỏ thuốc lá, hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc đúng chỉ định, hiệu quả, ít tốn kém.

Chị Păngting Rú đang mang thai 6 tháng được chồng chở từ Lạc Dương ra kể: “Lúc 15 tuổi tôi đã mắc bệnh, đến nay đã gần 30 năm. Tôi đã đến các phòng khám tư cho dùng thuốc uống và chích. Ba tôi mất cũng vì bệnh này, còn mẹ già hơn 80 tuổi bị hen nặng nhưng không đi chữa được”. BS khám giải thích: “Phụ nữ mang thai có nguy cơ quá trình chuyển dạ lên cơn hen nặng. Diễn tiến của bệnh hen không ổn định nên lựa chọn phương pháp sinh mổ tránh được lúc chuyển dạ lên cơn hen làm cho cả mẹ và trẻ thiếu ô xy rất nguy hiểm”. Nhiều bệnh nhân từ Di Linh, Đức Trọng cũng tìm đến đây, có người không ngại thổ lộ rằng nhà có 9 đứa cháu nội, ngoại đều bị hen mà không biết nơi nào chữa cho dứt bệnh.

Trăn trở

Đợt khám từ ngày 25/11 đến ngày 23/12, ước tính BS Sỹ khám cho hơn 300 bệnh nhân hen mới, chưa kể số bệnh nhân hẹn tái khám. Bệnh nhân được hẹn kiểm tra lại sau 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng để bác sĩ theo dõi chỉ định dùng thuốc cho phù hợp. Đây không phải lần đầu khám từ thiện cho bệnh nhân hen. Năm 2006, BS Sỹ cũng đã có một đợt khám từ thiện và điều tra bệnh hen ở 10.000 hộ gia đình trên địa bàn thành phố Đà Lạt đánh giá được tỉ lệ mắc bệnh hen chiếm 2,4%, trong đó 200 bệnh nhân hen đã được khám lâm sàng, đo chức năng hô hấp, cấp thuốc điều trị miễn phí do Hội phổi Pháp –Việt và Trường y tế Lâm Đồng hỗ trợ kinh phí.

Lần khám này, BS Sỹ bỏ tiền túi hoàn toàn phục vụ cho bệnh nhân hen, hướng dẫn người bệnh điều trị đúng cách. Qua khám bệnh cho hơn 100 bệnh nhân, trong đó có 93 trường hợp hen các loại, có 50% trẻ em mắc bệnh, 70% bệnh nhân được cấp thuốc trị giá hơn 20 triệu đồng, ông nhận thấy rằng đa số bệnh nhân chưa hiểu biết về bệnh hen và sử dụng thuốc không đúng cách. Hen là bệnh mạn tính, điều trị thường xuyên, chi phí điều trị cao, thuốc điều trị uống, chích đều có tác dụng phụ, tốt nhất là dùng thuốc dạng hít. Thuốc ngừa cơn hen có chứa corticoide phải sử dụng đúng liều, đặc biệt không tốt cho trẻ em nếu lạm dụng thuốc. Đa số bệnh nhân khi lên cơn hen đến các cơ sở y tế được thầy thuốc cho dùng thuốc uống, chích; các bác sĩ không có thời gian để khuyến cáo người bệnh tốt nhất nên dùng thuốc dạng hít. Một số bệnh nhân được điều trị thuốc quá mức, quá liều gây tốn kém không cần thiết. Là người đầu ngành trong lĩnh vực hô hấp của địa phương và của cả nước, ông trăn trở: “Bệnh nhân hen được điều trị chưa đúng cách. Bác sĩ chưa dành đủ thời gian để hướng dẫn, giải thích cho bệnh nhân về bệnh tật, kiểu “đau đâu chữa đó”. Trong điều trị việc trao đổi tiếp xúc rất quan trọng, phải dành 30 phút để trao đổi, hướng dẫn cho bệnh nhân hen, ngoài chuyện thuốc men. Cần khuyến cáo cán bộ y tế về điều trị và tư vấn cho bệnh nhân, có cái nhìn mới trong tiếp cận điều trị hen theo khuyến cáo của WHO”. Kế hoạch sắp tới, BS Sỹ sẽ phối hợp với Hội phổi Pháp – Việt thành lập Câu lạc bộ bệnh nhân hen và in ấn các tài liệu hướng dẫn các cơ sở y tế theo dõi điều trị hen.

BS Dương Quý Sỹ là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học tại Đại học y khoa Paris chuyên ngành hô hấp vào cuối năm 2009 và là một cán bộ quản lý trong hệ thống y tế địa phương (Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế Lâm Đồng), ông trăn trở trước thực tế Lâm Đồng chưa có hệ thống chăm sóc, quản lý sức khỏe bệnh nhân hô hấp, không có bệnh viện lao phổi, nên “trong thời gian công tác, tôi ráng giúp bệnh nhân, đồng nghiệp lĩnh vực hô hấp về nghiên cứu khoa học và chuyên môn. Đối với tôi, giảng dạy và nghiên cứu cần thiết giống như khám chữa bệnh. Nếu khám chữa bệnh mà không nghiên cứu thì không tiến xa được. Bác sĩ không có tính chủ động, không bị thu hút vào các hoạt động nghiên cứu thì khó phát triển, phải xem lại mục đích lý tưởng nghề nghiệp của mình. Làm bác sĩ chữa bệnh là lẽ tự nhiên, nếu không vì tiền mà vì niềm vui khoa học thì ai cũng thích. Thầy thuốc đừng để cơm áo gạo tiền lấn át y đức, giúp bệnh nhân một tí là vui rồi!”.

BS khám từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối các ngày trong tuần. Ông sẽ khám bệnh cho đến ngày cuối cùng 24/12 rời Đà Lạt để bay sang Paris thăm người vợ thân yêu mới cưới được vài tháng và hẹn sẽ trở lại Đà Lạt vào đầu tháng 3 và tháng 6 năm 2011 với 2 đợt tái khám cho bệnh nhân của mình. Ông đi về giữa hai khung trời Đà Lạt và Pháp như thế đó!
 
Diệu Hiền