Số người tham gia BHYT ở Lâm Đồng tính đến quý 4/2010 có 598.280 thẻ. Tuy nhiên, việc phân tuyến điều trị ban đầu còn nhiều bất cập, nơi tuyến tỉnh có quy mô bệnh viện lớn thì số người được đăng ký BHYT khám chữa bệnh ban đầu rất thấp, giảm 50% so với khi chưa áp dụng Luật BHYT.
[links()]Bài 2: Hãy đồng thuận vì người bệnh
Số người tham gia BHYT ở Lâm Đồng tính đến quý 4/2010 có 598.280 thẻ. Tuy nhiên, việc phân tuyến điều trị ban đầu còn nhiều bất cập, nơi tuyến tỉnh có quy mô bệnh viện lớn thì số người được đăng ký BHYT khám chữa bệnh ban đầu rất thấp, giảm 50% so với khi chưa áp dụng Luật BHYT. Chẳng hạn: Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng 32.426 thẻ BHYT, Bệnh viện II Lâm Đồng 23.216 thẻ, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch 1.688 thẻ. Trong khi đó, các bệnh viện tuyến huyện đang quả tải bệnh nhân BHYT khám chữa bệnh ban đầu gấp nhiều lần, như: Trung tâm y tế Đà Lạt: 60.665 thẻ, Trung tâm y tế Di Linh 87.601 thẻ… khiến cho các Trung tâm y tế địa phương kêu ca vì không có đủ cơ sở vật chất, giường bệnh và nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT. Các thủ tục chuyển viện lên tuyến trên rườm rà, nên người bệnh chấp nhận vượt tuyến khám để khám điều trị ở bệnh viện tỉnh và chấp nhận thanh toán chi phí lớn hơn.
Bà Phạm Thị Lượm (Đức Trọng) vừa trải qua ca phẫu thuật mổ não với khối u lớn nhất từ trước đến nay ở BVĐK Lâm Đồng, không có BHYT nên rất khó khăn, phải xuất viện sớm. |
Mẹ của cháu Hồ Ngọc Linh, 25 tháng, ở Nam Ban, nhưng chấp nhận vượt hơn 20 km đưa con khám bệnh vượt tuyến tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng –cho biết: “Cháu bị ho, viêm phế quản, tôi biết ra bệnh viện huyện khám BHYT cho cháu không mất tiền nhưng chấp nhận lên bệnh viện tỉnh, chịu chi trả 50% nhưng được bác sĩ cho thuốc “chuẩn” hơn, đắt hơn một chút nhưng mau lành bệnh”.
Một số kỹ thuật mới bệnh viện triển khai nhưng chưa được BHYT áp dụng chi trả, phải mất nhiều năm “căng thẳng” mới được giải quyết một phần, người chịu thiệt chính là bệnh nhân. Chẳng hạn phẫu thuật mắt theo phương pháp phaco được Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng triển khai từ năm 2008, đã mổ cho bệnh nhân, trên khung giá quy định theo QĐ 28 của UBND tỉnh là 1,8 triệu đồng/ca. Nhưng BHXH không chấp nhận thanh toán cho mổ phaco, vì vậy, bệnh viện ngưng hoạt động kỹ thuật này và người bệnh Lâm Đồng phải xuống Thành phố Hồ Chí Minh mổ phaco với chi phí trên 2 triệu đồng/ca. Sau khi làm việc nhiều lần, đến ngày 12/11, bệnh viện khai trương lại dịch vụ mổ phaco khi BHYT chấp nhận tạm thanh toán 1 triệu đồng/ca. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng lo ngại: “Sắp tới chúng tôi đưa vào vận hành máy chụp cộng hưởng từ (MRI) trị giá 15 tỷ do ngân sách tỉnh cấp, lại phải bàn bạc với BHXH tỉnh về việc thanh toán cho bệnh nhân BHYT”.
Đối tượng tham gia BHYT vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trẻ em dưới 6 tuổi bắt buộc cấp thẻ BHYT, nhưng mới chỉ có 116.000 em có thẻ BHYT, còn đến 14.000 trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT. Theo BHXH tỉnh giải thích nguyên nhân do các Phòng Lao động –TBXH các huyện không lập danh sách gởi lên, nên chưa cấp thẻ được. Trẻ em chưa có thẻ BHYT vẫn sử dụng giấy chứng sinh, khai sinh khi khám chữa bệnh, nhưng số này ngành Tài chính không cấp tiền, nên ảnh hưởng đến quỹ BHYT. Đối tượng học sinh sinh viên tham gia BHYT bắt buộc, theo thống kê còn 70.000 trường hợp chưa tham gia. Đối tượng người thuộc diện cận nghèo được BHYT hỗ trợ 50% chi phí mua thẻ, nhưng đến nay mới chỉ có 118 người cận nghèo có thẻ BHYT trên tổng số 20.000 người cận nghèo trong tỉnh, do chính quyền các cấp chưa tích cực triển khai lập danh sách đối tượng này. Như vậy, chỉ mới có 118 người cận nghèo có thẻ BHYT. Có vẻ như người cận nghèo “bị bỏ rơi” trong việc hưởng chính sách BHYT, do các địa phương không quan tâm tuyên truyền và thống kê đối tượng cận nghèo. Điều này ông Trương Văn Thu –Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến về việc tiêu chí nghèo chưa được cải thiện lớn, nên sự chênh lệch giữa đối tượng hộ nghèo và cận nghèo rất nhỏ. Giữa lằn ranh cận nghèo, người bệnh chịu nhiều thiệt thòi rất lớn.
Trường hợp cụ Phạm Thị Lượm, 63 tuổi, ở thôn Tân Hiệp, xã Liên Hiệp (Đức Trọng) đang “nổi tiếng” là bệnh nhân hy hữu được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng mổ thành công u não với khối u chiếm ¼ bán cầu. Bà vừa xuất viện ngày 12/11 sau khi nhập viện vào ngày 20/10 trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người. Con trai bệnh nhân, anh Nông Thanh Tuấn cho biết: “Mẹ tôi không có thẻ BHYT, ở địa phương không nghe nói gì về mua BHYT cho người cận nghèo. Với chi phí nằm viện hơn 20 triệu đồng là số tiền quá lớn đối với gia đình, tôi vay mượn và quyết định bán mảnh đất sản xuất duy nhất trị giá 200 triệu đồng để chữa bệnh cho mẹ”. Bà Lượm có 7 người con, chồng đã mất, các con chỉ học đến lớp 2, lớp 3, cao nhất con út được học đến lớp 8. Các con bà đã có gia đình ra ở riêng, chỉ còn bà với con trai không có việc làm ổn định, mặc dù tuổi già vẫn đi làm thuê để kiếm sống qua ngày. Mẹ con bà Lượm không biết viết một lá đơn như thế nào và gởi đến đâu để được nhà nước xem xét hỗ trợ tiền khám chữa bệnh.
Do chưa được quan tâm tuyên truyền đúng mức, nên không nhiều người ở địa phương biết được rằng UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương về việc hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ 50% chi phí điều trị, tối đa không quá 10 triệu đồng/người/lần hỗ trợ; mỗi người được hỗ trợ tối đa không quá 4 lần/năm. Bảo hiểm y tế được đánh giá là chính sách ưu việt của nhà nước nhằm đảm bảo cho mọi người dân đều được tiếp cận chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo trong xã hội. Vì vậy, các đơn vị có trách nhiệm thực thi Luật BHYT cần có sự quan tâm, đồng thuận vì người bệnh để tính ưu việt của một chính sách đã ban hành đến được với các đối tượng được quyền thụ hưởng.