Chính thức ban hành Luật bảo vệ người tiêu dùng

10:12, 14/12/2010

Chính thức nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện các hành vi như lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che giấu thông tin về hàng hoá, dịch vụ, về uy tín, khả năng kinh doanh.

Chính thức nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện các hành vi như lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che giấu thông tin về hàng hoá, dịch vụ, về uy tín, khả năng kinh doanh.

 
Đó là nội dung chính được công bố tại buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật bảo vệ người tiêu dùng, vừa được tổ chức sáng nay (14/12) tại Hà Nội.

Theo báo cáo tại buổi họp báo, trong một vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển ngày càng đa dạng và nhanh chóng của nền kinh tế thị trường thì số vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cũng ngày càng gia tăng cả về mức độ vi phạm lẫn tính chất tinh vi và phức tạp.

Đặc biệt, vấn đề hàng hoá không đảm bảo chất lượng vệ sinh đang có xu hướng gia tăng ở mức báo động như: sữa có chứa melamine, sữa không đạt tiêu chuẩn, mỹ phẩm giả, thực phẩm có chứa chất bảo quản, thuốc kích thích tăng trưởng, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh,… Ngoài ra, vấn đề đo lường, cân đong, đo đếm gian dối cũng diễn ra rất phổ biến, ở các mặt hàng như thực phẩm, xăng dầu,… gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng.

Trước những thách thức trên, ngày 30/11/2010, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Lệnh số 16/2010/L-CTN về việc chính thức công bố Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Luật bảo vệ quản lý người tiêu dùng, sẽ nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện các hành vi như lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che giấu thông tin về hàng hoá, dịch vụ, về uy tín, khả năng kinh doanh; cấm việc tiếp xúc, liên hệ trái ý muốn của người tiêu dùng từ hai lần trở lên; cấm các hành vi quấy rối người tiêu dùng gây cản trở, ảnh hưởng xấu đến công việc và đời sống sinh hoạt của người tiêu dùng…

Việc quy định cụ thể và đầy đủ hơn về các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn, đồng thời ràng buộc một cách chặt chẽ hơn các trách nhiệm liên quan tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.

Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành đối với hàng hoá do mình cung cấp cho người tiêu dùng, trong thời gian bảo hành phải cung cấp cho người tiêu dùng hàng hoá tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận, phải chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển hàng hoá, linh kiện được bảo hành,…

Đối với các hàng hoá có khuyết tật, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phải tiến hành thu hồi hàng hoá có khuyết tật và báo cáo kết quả với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2011.

VNmedia