Có nên đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học?

03:12, 01/12/2010

Hiện tại, với nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên, việc đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học để giảng dạy như là một môn học đang còn là vấn đề gây tranh cãi trong giới nhà giáo và cả các nhà nghiên cứu văn hóa.

Hiện tại, với nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên, việc đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học để giảng dạy như là một môn học đang còn là vấn đề gây tranh cãi trong giới nhà giáo và cả các nhà nghiên cứu văn hóa. Vậy, một lần nữa xin đặt lại vấn đề đang gây tranh cãi này: Có nên đưa văn hóa cồng chiêng vào giảng dạy trong trường học?
Vốn văn hóa cồng chiêng vẫn chưa được đưa vào giảng dạy nhiều trong nhà trường.
Vốn văn hóa cồng chiêng vẫn chưa được đưa vào giảng dạy nhiều
trong nhà trường.
Bây giờ, với sự kiện được UNESCO công nhận, văn hóa cồng chiêng đã là di sản văn hóa phi vật thể của cả nhân loại chứ không gì của riêng các dân tộc thuộc 5 tỉnh ở Tây Nguyên – chủ nhân của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Thế nhưng, việc truyền bá, giảng dạy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại những địa phương này hiện vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Thực ra, ngay sau khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại, vấn đề giảng dạy môn văn hóa cồng chiêng này đã được đặt ra cho các trường học, trước hết là hệ thống trường học của 5 tỉnh Tây Nguyên.

Đến lúc này (cuối năm 2010), trong 5 tỉnh Tây Nguyên, đã có ít nhất là hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai đã đưa vào giảng dạy môn văn hóa cồng chiêng tại một số trường học. Tại Kon Tum, bắt đầu từ năm học 2009 – 2010, ngành giáo dục địa phương đã thực hiện thí điểm chương trình giảng dạy bộ môn văn hóa cồng chiêng tại một số điểm trường của 5 huyện trên địa bàn của tỉnh. Cùng với giảng dạy cồng chiêng cho học sinh, ngành giáo dục tỉnh Kon Tum còn phối hợp với ngành văn hóa biên tập và xuất bản các công trình về hát dân ca, về các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian của Tây Nguyên, đặc biệt là Kon Tum, để giới thiệu đến học sinh của các trường học này. Còn tại tỉnh Gia Lai, mới đây, bộ môn văn hóa cồng chiêng cũng đã được đưa vào giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Mang Giang với hình thức thử nghiệm. Điều đáng lưu ý, tuy chỉ là được giảng dạy theo dạng thử nghiệm nhưng tại trường này, hiện có đến 5 đội cồng chiêng và 5 đội múa xoang thuộc 4 khối lớp đều đặn luyện tập mỗi tuần hai buổi dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân do nhà trường mời về lên lớp. Điều đáng nói nữa là, tại các lớp học văn hóa cồng chiêng này, không chỉ có học sinh mà ngay cả một số thầy cô giáo cũng tham gia làm “học sinh” của các nghệ nhân.

Rõ ràng, việc đưa vào giảng dạy bộ môn văn hóa cồng chiêng trong các trường học hiện đang nhận được sự đồng tình của nhiều người, trong đó có cả chính quyền địa phương. Song, một số ý kiến của một vài người vẫn còn phân vân là vì hầu như hiện nay, số lượng nghệ nhân cồng chiêng của Tây Nguyên có khả năng truyền đạt vốn văn hóa này không có nhiều để có thể phụ trách việc giảng dạy một cách đại trà. Trong thực tế, tuy đã có một số tỉnh của Tây Nguyên đưa bộ môn văn hóa cồng chiêng vào giảng dạy nhưng hầu hết cũng chỉ mới dừng lại ở hình thức thử nghiệm, vừa giảng dạy và vừa hoàn chỉnh giáo trình, vừa giảng dạy và vừa bổ sung kiến thức chuyên môn cho thầy lẫn trò… Còn nhớ cách nay chưa lâu, tại một hội thảo khoa học về cồng chiêng mang tính khu vực Đông Nam Á, từ thực tế của một vài quốc gia lân cận (mặc dầu không gian cồng chiêng của họ chưa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại), một số nhà khoa học và giáo dục của Việt Nam đã đề nghị đưa môn học văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào giảng dạy trong nhà trường như một môn học chính thống. Sau nhiều ý kiến tranh luận, hầu hết các đại biểu đều thống nhất rằng nên đưa bộ môn vào giảng dạy trong nhà trường nhưng chỉ là một môn học ngoại khóa. Lý do được đưa ra là hiện nay, điều kiện về giáo viên và hệ thống sách giáo khoa về âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cồng chiêng, chưa thật hoàn chỉnh nên việc dừng bộ môn này ở mức như một môn học ngoại khóa là hợp lý hơn.

Hiện đã là năm thứ năm kể từ khi không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từng ấy năm chắc là đủ thời gian để cho ngành giáo dục của các địa phương, đặc biệt là cách tỉnh Tây Nguyên, chọn lựa cho mình một cách làm hợp lý trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
 
Khắc Dũng