Từ việc đổi mới mô hình quản lý

03:12, 01/12/2010

Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, chủ yếu là vốn của Chương trình Quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn (NS - VSMTNT), vốn Chương trình 135 và vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, đến nay Lâm Đồng đã có 3.854 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn- gồm 55 công trình cấp nước tập trung và 3.811 công trình phân tán như giếng khoan, giếng đào, bể chứa nước mưa.

Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, chủ yếu là vốn của Chương trình Quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn (NS - VSMTNT), vốn Chương trình 135 và vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, đến nay Lâm Đồng đã có 3.854 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn- gồm 55 công trình cấp nước tập trung và 3.811 công trình phân tán như giếng khoan, giếng đào, bể chứa nước mưa. Trong 55 công trình cấp nước tập trung cóù 36 công trình có quy mô cấp nước lớn do Trung tâm NS - VSMTNT (Sở NN-PTNT) quản lý. Các công trình cấp nước sinh hoạt này đã cung cấp nước sạch sinh hoạt cho khoảng 68% cư dân sinh sống tại vùng nông thôn của tỉnh.

Do được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trước đây, phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở khu vực nông thôn được các chủ đầu tư  bàn giao lại cho chính quyền địa phương ngay sau khi thi công xong nên đã không được quản lý tốt và khai thác đúng quy trình, thường xuyên bị xâm hại, hư hỏng, phát huy hiệu quả thấp; Sở NN-PTNT được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đầu tư, quản lý, khai thác các công trình NS - VSMTNT (trong đó có các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung) và thực hiện Chương trình Quốc gia NS - VSMTNT trên địa bàn toàn tỉnh, vì vậy đã không nắm được số lượng, chất lượng cũng như hiệu quả đầu tư của các công trình đã có và công trình đang được đầu tư trên địa bàn. Để đưa công tác quản lý và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt tập trung vào nề nếp, phát huy tối đa năng lực cấp nước của các công trình, đồng thời giảm chi phí đầu tư của ngân sách Nhà nước cho việc quản lý - nâng cấp công trình, cách nay 3 năm, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT đã chủ trương chuyển giao 36 công trình có tổng mức đầu tư lớn, quy trình khai thác phức tạp, cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều người từ chính quyền địa phương sang Trung tâm NS- VSMTNT trực tiếp quản lý khai thác. Sau khi tiếp nhận công trình từ chính quyền các địa phương có công trình, dưới sự chỉ đạo của Sở NN-PTNT, Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh đã bắt tay ngay vào việc xây dựng bộ máy và quy trình quản lý, đầu tư sửa chữa nâng cấp công trình…  Qua đó, đến nay đã có 6 trạm Quản lý - khai thác công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được thành lập và hoạt động có hiệu quả cao tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đam Rông, Di Linh, Đạ Tẻh và khu vực Bảo Lộc- Bảo Lâm- Đạ Huoai với 72 lao động là người dân địa phương. Năm 2009 vừa qua, nhiều công trình vốn đã bị xuống cấp từ khi còn do địa phương quản lý như Dioma (Đơn Dương), Đoàn Kết (Đạ Huoai), Đạ Long (Đam Rông) cũng đã được Trung tâm tu sửa cùng với đầu tư thi công các công trình mới như  Hang Hớt, Păng Tiên,  Đạ Nghịch... Và năm 2010 này với nguồn vốn 14,35 tỷ đồng  ngân sách cấp cũng đã được giải ngân xong cho công việc này; các  công trình cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn do Trung tâm quản lý cũng đều đã được lắp đồng hồ nước và thu tiền sử dụng nước theo chỉ số trên đồng hồ như mô hình quản lý- khai thác các nhà máy nước sinh hoạt đô thị. Sau gần 3 năm thực hiện mô hình quản lý mới, ông Nguyễn Nhất Ninh - Giám đốc Trung tâm NSH - VSMTNT tỉnh cho biết như sau: Nếu năm 2008, các trạm của Trung tâm chỉ mới thu tiền sử dụng nước ở mức thu có tính chất tưởng trưng để nâng cao ý thức tiết kiệm nước của người sử dụng từ 500-1.000 đồng/ m3, để trả lương và công tác phí (với mức trên dưới 2 triệu đồng/ người/ tháng) cho công nhân vận hành công trình, thì năm 2009 vừa qua cũng với mức thu này,với tổng thu 650 triệu đồng đơn vị đã có “dư” khoảng 130 triệu đồng dành cho tu sửa nhỏ công trình; dự kiến năm 2010 này tổng thu sẽ lên tới 850 triệu đồng (thực thu 10 tháng đầu năm được 600 triệu), “dư” khoảng 200 triệu đồng. “Tổng thu tiền sử dụng nước tăng hàng năm đã cho thấy hiệu quả phục vụ của công trình ngày càng tăng, vì người dân chỉ trả tiền cho Trung tâm khi họ được cung cấp đủ nước sinh hoạt hàng ngày” - ông Ninh đã khẳng định như vậy.

Mùa khô hạn năm nay khá gay gắt, nhưng ở các địa phương vùng sâu vùng xa, nơi có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung do Trung tâm NSH - VSMTNT tỉnh quản lý, khác với những năm trước- trừ công trình cấp nước xã Lạc Lâm (Đơn Dương) bị sự cố do thi công quốc lộ 20 - nước sạch vẫn được đưa tới tận từng căn hộ theo nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bà con dân tộc thiểu số đã cho thấy hiệu quả của mô hình quản lý mới mà Sở NN- PTNT và Trung tâm NSH - VSMTNT đang triển khai.
 
ĐứcHưng