Đà Lạt: Hồi sinh các “biệt thự ma”

11:12, 03/12/2010

Trong hàng chục năm qua, do những điều kiện khách quan, rất nhiều biệt thự cổ ở Đà Lạt đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí bị bỏ hoang phế và được người dân Đà Lạt gọi là những “biệt thự ma”. Gần đây, nhiều nhà đầu tư đã đến Đà Lạt “phục sinh” những biệt thự ma, biến chúng thành những cơ sở du lịch hấp dẫn...

[links()]Thành phố Đà Lạt có hàng ngàn ngôi biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Đây là kho tàng kiến trúc có một không hai trên đất nước ta. Trong hàng chục năm qua, do những điều kiện khách quan và yếu kém trong công tác quản lý, rất nhiều biệt thự trong kho tàng đó đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí bị bỏ hoang phế và được người dân Đà Lạt gọi là những “biệt thự ma”. Những năm gần đây, bằng sự cố gắng của chính quyền tỉnh Lâm Đồng, nhiều nhà đầu tư đã đến Đà Lạt “phục sinh” những biệt thự ma, biến chúng thành những cơ sở du lịch hấp dẫn...

DỰNG CHUYỆN MÊ TÍN ĐỂ TRỤC LỢI

cadasa
cadasa
Theo nhiều tài liệu thì người Pháp đã xây dựng trên TP. Đà Lạt khoảng gần 2.000 biệt thự với những kiến trúc đậm chất châu Âu. Mỗi biệt thự là một tác phẩm kiến trúc không lặp lại. Theo biến thiên của thời thế và yếu tố khách quan, những biệt thự đó bị hủy hoại bởi thời gian, chiến tranh và cơ chế không phù hợp. Trong suốt nhiều năm liền, các cơ quan truyền thông báo chí đã phản ánh vấn đề này. Chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng coi đây là một vấn đề bức xúc cần được giải quyết trước khi lần lượt các biệt thự “tạ thế”. Trong số những biệt thự “nổi tiếng” vì hoang phế, tiêu điều và bị người Đà Lạt gọi là “ngôi nhà hoang”, “biệt thự ma” gồm hai biệt thự trên đường đèo Prenn - Đà Lạt, một trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 13 trên đường Trần Hưng Đạo, 8 trên đường Lê Lai, 10 ở đường Nguyễn Du - Phó Đức Chính và ngôi biệt thự đôi tọa lạc tại số 1A Quang Trung. Các biệt thự này do người Pháp xây dựng từ năm 1923 - 1930, là nơi ở của các quan lại người Pháp thời Bảo Đại. Trong 13 căn biệt thự cổ tọa lạc trên diện tích 6 hécta dọc theo đường Trần Hưng Đạo, biệt thự số 22 trước đây là dinh của Thống sứ Nam kỳ, còn biệt thự 26 là nơi ở của cựu thủ tướng Trần Trọng Kim. Tòa biệt thự số 1A Quang Trung với hai ngôi nhà tách biệt được nối liền bằng một hành lang bán nguyệt được xây dựng vào năm 1928 bằng đá lạ, mô phỏng kiến trúc vùng Basques, Tây Ban Nha nên nhìn bề ngoài có nhiều điểm khác biệt với hàng ngàn ngôi biệt thự kiến trúc Pháp hiện có ở Đà Lạt. Theo một số nhà nghiên cứu, vào năm 1940 vua Bảo Đại đã mua lại biệt thự này từ một công chức Pháp để tặng cho thứ phi Phi Ánh. Cũng từ đó, biệt thự có tên là biệt thự Phi Ánh. Suốt hàng chục năm, do bị nhiều hộ dân lấn chiếm, phá mất một số bức tường, thậm chí tự ý cơi nới làm nơi nuôi heo, nấu rượu... khiến ngôi biệt thự này hoang tàn, xuống cấp trầm trọng.

Việc những biệt thự với kiến trúc đặc sắc, mang hồn Đà Lạt bị biến thành những “ngôi nhà ma”, còn mang lại nhiều điều phức tạp về an ninh trật tự. Đó là nơi ẩn náu của những kẻ gian, tệ nạn xã hội; ám ảnh bao người về vẻ hẩm hiu, bí ẩn, tối tăm của nó. Mặt khác, những biệt thự đó làm giảm mỹ quan đô thị Đà Lạt. Nhìn những kiến trúc đặc sắc đang dần trở thành hoang phế, xuống cấp theo thời gian, nhiều người yêu mến kiến trúc Đà Lạt và mê biệt thự cổ không khỏi cảm thấy buồn và tiếc cho thời vàng son của những biệt thự này.

Những câu chuyện “ma” mà người ta gán cho các biệt thự này là do mượn bối cảnh hoang tàn, quạnh hiu và bầu không khí sương mù của Đà Lạt để thêu dệt, thêm thắt vào cho ly kỳ vậy thôi. Sự thật thì chẳng ai thấy tận mắt “ma” trong những ngôi biệt thự này cả. Mới đây, trò lừa đảo để kiếm tiền bằng cách tung tin đồn nhảm về câu chuyện ma quái ly kỳ trong một căn biệt thự giữa lưng chừng đèo Prenn, TP. Đà Lạt của một lão ông tuổi lục tuần đã bị ngành chức năng địa phương lật tẩy.

Vụ việc được phát hiện vào cuối tháng 7-2010, trong khi tuần tra bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm địa bàn phát hiện tại Tiểu khu 266 có ba ngôi mộ mới xây (gồm một mộ chiếc và một mộ đôi). Ngành chức năng địa phương đã nhanh chóng vào cuộc để làm rõ chủ nhân của những ngôi mộ này. Kết quả kiểm tra cho thấy trước nay không có bất cứ trường hợp nào được an táng tại đây. Sáng 11-9-2010, UBND phường 3, TP. Đà Lạt đã tiến hành khai quật, giải tỏa di dời ba ngôi mộ xây dựng trái phép nằm trong khuôn viên “ngôi nhà ma” này. Sau hơn một giờ khai quật, ngành chức năng không phát hiện có bộ hài cốt nào trong hai ngôi mộ nói trên mà chỉ có hai túi nylon trong ngôi mộ thứ nhất và hai tiểu sành đựng đất trong ngôi mộ thứ hai (ngôi mộ đôi). Người bảo vệ trông coi căn “biệt thự ma” này là ông Nguyễn Hồng Nhi (68 tuổi, trú đường Ba Tháng Tư, TP. Đà Lạt) khai nhận có loan tin về ba ngôi mộ trên và đưa du khách lên cúng bái, nhưng không nhận hành vi xây mộ. Cụ thể, từ năm 2003 đến nay, trong quá trình bảo vệ, mỗi khi có đoàn khách hiếu kỳ đến tham quan, tìm hiểu về ngôi biệt thự đều được ông Nhi hướng dẫn lên mộ thắp hương, cúng tiền (từ 2.000 đến 20.000 đồng). Toàn bộ số tiền này ông Nhi thu giữ và chi tiêu cho bản thân. Không dừng lại ở đó, để được nhiều người cúng tiền, ông Nhi tình nguyện làm “hướng dẫn viên” cho du khách và “vẽ” ra những câu chuyện nhuốm màu “liêu trai”: Căn nhà này ngày trước là của một gia đình người Pháp. Họ có một cô con gái 19 tuổi bị hiếp và giết chết rồi ném xuống giếng sâu sau nhà. Sau đó, gia đình người Pháp đã trở lại xây mộ cho cô gái để làm nơi cúng bái cho linh hồn cô được siêu thoát. Ngôi mộ đôi là của một cô gái trẻ bị chết do thắt cổ cùng đứa con nhỏ bị giết không rõ nguyên nhân... Hành vi của ông Nhi đã bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính và bị đơn vị chủ quản trục xuất ra khỏi “ngôi nhà ma”. Từ việc thừa nhận của người bảo vệ “biệt thự ma” này và kết quả khai quật ba ngôi mộ vắng chủ đã phần nào giải mã cho những câu chuyện hết sức hoang đường vẫn đồn thổi lâu nay ở phố núi sương mù này.

KẾ HOẠCH “HOA HỒNG NỞ”

Chúng tôi xin dùng một cụm từ rất Đà Lạt như thế để nói về một kế hoạch trùng tu, khai thác những biệt thự cổ của chính quyền TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Từ năm 2003, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn giao cho các Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND TP. Đà Lạt, Trung tâm quản lý nhà Đà Lạt tham mưu, lập đề án để quản lý, khai thác quỹ biệt thự cổ Đà Lạt. Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã cử cán bộ chuyên môn tiến hành khảo sát, kiểm tra chất lượng, thực trạng, địa thế các biệt thự và lập “Đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước” tại TP. Đà Lạt. Mục tiêu của đề án là quản lý và khai thác sử dụng; góp phần thu hút đầu tư, gắn công tác bảo tồn kiến trúc và phát triển đô thị. Theo ông Trần Đức Hân - Chánh văn phòng và ông Hà Văn Hòa - Trưởng phòng quản lý nhà của Sở Xây dựng Lâm Đồng, để việc triển khai, thực hiện đề án đạt hiệu quả, Sở Xây dựng đã tiến hành phân loại các biệt thự với các tiêu chí rõ ràng như mức độ, giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan... để từ đó có biện pháp quản lý, khai thác hợp lý.

Tháng 11-2005, Công ty cổ phần đào tạo nghiên cứu và ứng dụng CNTT Cadasa - TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Công ty Cadasa) đã bỏ ra nhiều tỷ đồng và trở thành người thắng cuộc trong cuộc đấu giá thuê 50 năm với cụm biệt thự cổ 13 căn trên đường Trần Hưng Đạo. Theo nhà giáo Nguyễn Thế Hùng - Tổng giám đốc Công ty Cadasa, tham gia cuộc đấu giá có nhiều doanh nghiệp, “đại gia” nổi tiếng là người nước ngoài. Để trở thành người thắng cuộc, Cadasa đã phải đáp ứng những điều kiện khá khắc nghiệt do chính quyền tỉnh Lâm Đồng đưa ra nhằm khẳng định doanh nghiệp có mục tiêu rõ ràng. Với niềm đam mê những biệt thự cổ Đà Lạt, ông Hùng và các cộng sự của mình không đành lòng để một di sản kiến trúc cổ mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử lọt vào tay người nước ngoài một lần nữa. Ông bảo rằng đó cũng là trách nhiệm của người trí thức đối với đất nước. Theo ông Hùng, hầu hết những biệt thự này đã hư nát đến 70 - 80%. Nhiều căn chỉ còn khung nhà bên ngoài. Mái, sàn, cửa lớn, cửa sổ, rui mè đã bị hư hỏng hoặc mất trộm. Để bắt tay vào cải tạo, Cadasa phải nhờ đến các chuyên gia Pháp và châu Âu thiết kế, tư vấn. Tất cả các vật tư, trang thiết bị đều phải đạt tiêu chuẩn cao về thẩm mỹ và chất lượng, phù hợp với biệt thự cổ. Vấn đề không phải là làm mới diện mạo của nó mà chính là làm sao cho sống lại cái hồn vốn có của nó. Việc trùng tu kéo dài đến bốn năm. Kế hoạch của Công ty Cadasa là sẽ vận hành cụm biệt thự này như một trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp, mang giá trị văn hóa, giáo dục. Ông Hùng cũng cho biết, ông Michel Ricant - Thị trưởng thành phố Lognes (Pháp) cùng phu nhân và các thành viên trong đoàn đã ghé thăm nơi đây vào ngày 31-10-2009 và tỏ ra bất ngờ, thú vị bởi giữa một thành phố của châu Á, họ - những người Pháp đã được sống trong một không gian với nhiều căn biệt thự có bản sắc và kiến trúc Pháp vào đầu thế kỷ XX.

Biệt thự Phi Ánh.
Biệt thự Phi Ánh.
Cũng trong hai năm 2005 - 2006, các Công ty Ana Mandana, Hoàng Anh Gia Lai và Công ty TNHH Hoài Nam (Hà Nội) đã trúng thầu các cụm biệt thự tại khu Lê Lai, đường Nguyễn Du - Phó Đức Chính và biệt thự Phi Ánh (hiện là nhà hàng Phù Đổng) và tiến hành tân trang các biệt thự này khiến chúng thực sự khởi sắc, được du khách và nhiều người dân địa phương trầm trồ khen ngợi. Một số căn biệt thự lẻ khác tại các tuyến đường Hùng Vương, Trạng Trình, Trần Quý Cáp... cũng đang được các nhà đầu tư triển khai lập dự án trùng tu.

ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM

Không thể phủ nhận rằng dưới bàn tay, khối óc và cả tấm lòng của chính quyền, các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp kể trên, nhiều căn biệt thự cổ Đà Lạt sau nhiều năm bị bỏ hoang phế, điêu tàn hoặc bị “đối xử” tệ bạc đã được trùng tu, “thay áo mới”, đem lại một diện mạo mới cho mỹ quan Đà Lạt, làm tôn lên giá trị thẩm mỹ, kinh tế, xã hội cho thành phố thơ mộng này. Đặc biệt khu Resort Cadasa, Hoàng Anh Gia Lai đã trở thành những điểm dừng chân lý tưởng cho nhiều du khách với hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng kết hợp nhà hàng, cà phê, bar... Có dịp đi qua đây, mọi người đều nhận ra vẻ đẹp tráng lệ của các cụm biệt thự sau khi “hồi sinh”.

Thế nhưng, vẫn còn nhiều ngôi biệt thự trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Ba Tháng Tư vẫn còn bị bỏ hoang hoặc bị các hộ dân chiếm ở, đang ngày càng xuống cấp trầm trọng, không xứng đáng được gọi là biệt thự. Có căn ngay trên đường Trần Hưng Đạo, người ta thản thiên giăng đồ ra phơi trông thật nhếch nhác. Một số căn đường vào ngập ngụa rác hoặc bị người dân chiếm khuôn viên dựng nhà trái phép ở. Theo thống kê của Sở Xây dựng Lâm Đồng, hiện có 94 căn biệt thự bị hơn 600 hộ dân đến ở. Một số ít có hợp đồng thuê nhà, còn phần đông là tự chiếm ở.

Ông Nguyễn Hữu Tâm - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng - trăn trở: “Vẫn còn rất nhiều việc chúng tôi muốn làm cho quỹ biệt thự Đà Lạt. Sự tồn tại của những ngôi biệt thự cổ với lối kiến trúc độc đáo của người Pháp từ gần 100 năm nay tại thành phố thơ mộng này là những di sản quý báu về kiến trúc cho Đà Lạt - Việt Nam. 183 căn biệt thự đã xuống cấp trầm trọng, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với một số ban ngành đem đấu giá để các cá nhân, tổ chức trúng thầu cải tạo, xây dựng lại làm nơi ở và làm việc cho phù hợp với kiến trúc chung của Đà Lạt. Những căn biệt thự còn giá trị đặc biệt về kiến trúc, tuổi thọ, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh mời Hội kiến trúc Paris (Pháp) cùng tham gia bàn bạc phương án trùng tu, cải tạo để không phá vỡ giá trị vốn có của nó. Chính quyền địa phương cũng đang có kế hoạch buộc di dời các trường hợp cư trú trong các biệt thự trên đến các khu chung cư hoặc quy hoạch đất đai để hỗ trợ tái định cư cho họ. Biệt thự cổ là một phần hồn của Đà Lạt. Chúng tôi mong sẽ nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ nhiều phía để quỹ biệt thự Đà Lạt nói riêng và kiến trúc Đà Lạt nói chung được tái sinh, phát triển với một diện mạo thật tươi mới...”.

Theo CATPHCM