Để trường học “thân thiện” hơn

08:12, 08/12/2010

Sau 2 năm triển khai, phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành Giáo dục Lâm Đồng bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định.

[links()] Sau 2 năm triển khai, phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành Giáo dục Lâm Đồng bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định.

CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC

Lớp học được trang trí bằng các tác phẩm của học sinh.
Lớp học được trang trí bằng các tác phẩm của học sinh.
Nằm kề trung tâm Đà Lạt, với một thiết kế độc đáo, phù hợp địa hình cảnh quan tự nhiên xung quanh nên trường Trung học Cơ sở (THCS) Phan Chu Trinh vẫn thường đón tiếp các đoàn khách giáo dục từ các tỉnh bạn đến tham quan. Trong diện tích 3 ha của trường là các dãy phòng học bố trí hợp lý, hệ thống 13 phòng bộ môn trang bị thiết bị dạy học khá đồng bộ, có sân bóng rổ, bóng đá, có nhà chơi bóng bàn, một thư viện, nhà vệ sinh... Năm học này, trường Phan Chu Trinh có 44 lớp với 1920 học sinh, gần 100 cán bộ giáo viên đang công tác.

Điểm nổi bật nơi đây chính là không gian xanh bao quanh. Sân trường như một khu vườn bắt mắt với những cây thông còn giữ lại khi xây trường, các chậu cây kiểng được bố trí hợp lý, các loại hoa được trồng thành luống và chăm sóc chu đáo “Chúng tôi đã đầu tư rất lâu mới có được cảnh quan như vậy” - bà Lê Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng trường cho biết. Còn theo ông Phạm Tiến, Hiệu trưởng, quỹ cây xanh trường có được là nhờ “xã hội hóa”. Hay nói cách khác, nhà trường thông qua việc vận động phụ huynh mỗi người tùy theo khả năng, đóng góp cây cảnh giống hoa cho trường và sau đó học sinh trong trường chăm sóc. “Giáo dục không chỉ cần tiền bạc mà còn cần hoa, cần cây xanh, cần một cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp để các em học tập” - ông Tiến nói.

Trường Phan Chu Trinh là một điển hình tích cực trong việc thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Theo ông Tiến, sau 2 năm triển khai phong trào, số học sinh nghỉ học giảm hẳn, chỉ còn 0,7% so với những năm học trước đó; mối quan hệ thầy - trò, đồng nghiệp trong trường đã được cải thiện đáng kể, thái độ học sinh học tập tích cực hơn, không còn nhiều những lỗi vi phạm phải xử lý trước hội đồng trường, chất lượng dạy và học của trường được nâng lên rõ rệt.

Phát động từ đầu năm học 2008-2009, cho đến nay, hầu hết 642 trường học trong tỉnh, theo Sở GD- ĐT Lâm Đồng, (bao gồm 180 trường Mầm non, Tiểu học 249, THCS 142, THPT 59, Trung tâm Giáo dục thường xuyên 12) đã tích cực tham gia phong trào trong đó có không ít trường đã tạo ra những chuyển biến đáng kể. Hằng năm, các trường sẽ được kiểm tra và đánh giá một cách cụ thể theo 5 nội dung. Chẳng hạn trong nội dung 1 “Xây dựng trường lớp xanh sạch đẹp, an toàn, thu hút học sinh đến trường”, đã có 537/ 642 trường có quy hoạch khuôn viên cây xanh cây cảnh sạch đẹp với tổng số cây trồng mới tính từ tháng 9/2008 đến nay gần 20 nghìn cây (gồm xà cừ, sao, phi lao, kim ngân…); hầu hết các trường nay đã có nhà vệ sinh với 138 công trình xây mới tính từ tháng 9/2008 đến nay. Trong nội dung 2, “Dạy học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh, giúp các em tự tin trong học tập”, hầu hết các trường đã thực hiện việc đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học và đánh giá học sinh, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; không chỉ ngày càng nhiều giáo viên đăng ký phấn đấu thành giáo viên dạy giỏi mà số học sinh đạt giỏi toàn diện cũng tăng cao. Trong 3 nội dung còn lại “ Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi lành mạnh; Học sinh tham gia tìm hiểu chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng ở địa phương” nhiều trường đều đã triển khai những hoạt động cụ thể, thiết thực.

Cùng đó trong đầu năm học, Sở GD- ĐT Lâm Đồng cũng yêu cần các trường thực hiện “5 có” và “3 đủ”. 5 có là có tình thương, trách nhiệm của thầy cô giáo; có nhận chăm sóc di tích cách mạng, văn hóa; có cây xanh và hoa; có nhạc hát ngoài giờ, có trò chơi dân gian và các hoạt động vui chơi tích cực; có nhà vệ sinh trong trường học. Còn 3 đủ là đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở, đảm bảo không có tình trạng bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sách vở.

TRÁNH HÌNH THỨC

Theo đánh giá của Sở GD- ĐT Lâm Đồng, sau 2 năm thực hiện, cảnh quan sư phạm trong trường học đã được cải thiện rõ rệt, nhiều lớp học, trường học buồn tẻ trước đây nay trông vui tươi hơn. Phong trào đã góp phần lớn trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, xây dựng bầu không khí thân thiện, tình người từ giáo viên đến học sinh và phụ huynh học sinh trong nhà trường, đưa các cấp các ban ngành đoàn thể xã hội có liên quan cùng vào cuộc cho sự nghiệp giáo dục. 

Tuy nhiên, bên cạnh số trường đạt xuất sắc (97 trường), tốt (280 trường), khá (174 trường), vẫn còn không ít trường (113 trường) chỉ đạt mức trung bình và vẫn còn trên 50 trường “cần cố gắng”. Theo ông Lý Quang Nhẫn, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng nay là Phó chủ tịch Hội Khuyến học Lâm Đồng, để trường học “thân thiện” hơn, cần tránh bệnh hình thức hiện nay, nhiều trường tham gia cho có chưa đi vào thực chất của phong trào. Ông nêu ví dụ, có không ít trường báo cáo là có nhà vệ sinh nhưng thực ra lại không dùng được. Sẽ không có trường học thân thiện khi nhà trường lạm dụng việc thu tiền phụ huynh một cách vô tội vạ; khi giáo viên thiên vị, tổ chức dạy thêm học thêm, em nào đi học thêm mới cho điểm cao… Bổ sung quan điểm này, theo ông Trương Đình Chiến, Trưởng phòng Trung học - Sở GD ĐT Lâm Đồng, để phong trào có hiệu quả nhà trường bên cạnh nâng cao chất lượng chuyên môn cho giáo viên cũng cần cần chú ý hơn vào giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng, phát huy tính tính cực chủ động tự học từ phái của học sinh.

Viết Trọng