Thế giới không chỉ bị chấn động mà giận dữ sau khi hơn 250.000 tài liệu ngoại giao Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ. Niềm tin vào nước Mỹ suy giảm, quan hệ đồng minh sứt mẻ. Mỹ, Thuỵ Điển và nhiều nước ráo riết để bắt ông chủ WikiLeaks. Trong khi đó, “kẻ tội đồ” Julian Assange vẫn nhơn nhơ tuyên bố tiếp tục tung những quả “bom sự thật” gây sốc.
Lệnh bắt giữ mới, tên miền mới
Thụy Điển ngày 2/12 tuyên bố ban hành lệnh bắt mới đối với chủ trang Wikileaks Julian Assange, do lệnh bắt trước đó có một lỗi kỹ thuật. Toà án tối cao Thuỵ Điển cũng bác bỏ yêu cầu của Assange về việc kháng lệnh bắt, trong đó quy cho ông tội cưỡng hiếp và quấy rối tình dục.
Hiện không rõ Assange đang ở đâu. Một tờ báo Anh khẳng định ông ta đang ở đâu đó tại miền đông nam nước này nhưng không có bằng chứng gì khẳng định tính xác thực thông tin trên.
WikiLeaks làm thế giới đảo lộn? |
Cảnh sát quốc tế, theo yêu cầu của cảnh sát Thụy Điển, đã ra lệnh truy nã toàn cầu đối với Assange. Luật sư của Assange tại Stockholm cho hay ông sẽ chống lại lệnh dẫn độ Assange về Thụy Điển, nếu Assange bị bắt.
Chính phủ Mỹ đã phải chỉ định Russell Travers, một chuyên gia chống khủng bố dày kinh nghiệm để đối phó với tình trạng thông tin mật bị rò rỉ và công khai trên toàn thế giới. Nhà Trắng đã hạn chế số lượng nhân viên chính phủ được phép tiếp cận các dữ liệu quốc gia. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và các quan chức ngoại giao khác tuần vừa rồi đã phải vất vả xoa dịu các nước bị ảnh hưởng, sau khi những thông tin mật bị lộ cho thấy những ngôn từ không lấy gì làm thích thú đối với họ, phát ra từ giới ngoại giao Mỹ.
Số phận trang web WikiLeaks cũng chẳng bình an hơn ông chủ của nó. Một loạt vụ tấn công nhằm vào WikiLeaks kể từ khi web này tiết lộ những thông tin mật. Ngày 3/12, sau 6 giờ ngừng hoạt động, wikiLeaks.org đã hoạt động trở lại nhưng với tên miền mới của Thuỵ Sỹ wikileaks.ch. Tuy nhiên, TTXVN dẫn nguồn giới chuyên gia cho biết tên miền mới của WikiLeaks cho thấy website này vẫn do hệ thống máy chủ tại Thụy Điển và Pháp quản lý.
Trong một thông điệp đăng trên mạng xã hội Twitter, WikiLeaks nêu rõ "tên miền gốc wikileaks.org đã bị công ty cung cấp dịch vụ tạo tên miền EveryDNS.net của Mỹ ngắt kết nối vào lúc 10 giờ sáng (giờ Hà Nội) sau khi có thông báo về một loạt vụ tấn công".
Trong một tuyên bố đăng trên website của công ty này, EveryDNS.net khẳng định việc ngừng các dịch vụ của WikiLeaks diễn ra theo đúng Quy định sử dụng được chấp nhận của EveryDNS.net. Trang mạng wikileaks.org đã trở thành mục tiêu của nhiều vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDOS). Các vụ tấn công này đã và sẽ đe dọa sự ổn định cơ sở hạ tầng của EveryDNS.net, vốn cung cấp kết nối cho khoảng 500.000 website khác.
Trước đó, trang mạng WikiLeaks liên tục cho biết bị tin tặc tấn công bằng DDOS khiến người dùng tại châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác không thể truy cập trang mạng này trong nhiều giờ liền. WikiLeaks còn khẳng định họ đang là mục tiêu của một vụ tấn công lớn của tin tặc. Trung Quốc cũng đã chặn người dùng internet truy cập vào trang web này.
Làn sóng giận dữ
Trong khi nhiều quốc gia ban đầu thờ ơ với việc công bố những tài liệu ngoại giao bí mật của Wikileaks, giờ đây ngày càng nhiều các nhà lãnh đạo quốc tế lên tiếng phẫn nộ khi biết được rằng các nhà ngoại giao Mỹ âm thầm nghi ngờ khả năng, năng lực và ý định của họ.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin thì không hề thích thú khi biết được rằng các quan chức Mỹ gọi Nga là một "đầu sỏ chính trị điều hành bởi các công cụ an ninh" và nghi ngờ có sự ảnh hưởng của mafia đối với Moscow. Trong khi đó Tổng thống Medvedev bị ví không khác gì trợ lý Robin đối với Người dơi là Putin.
"Chúng tôi không nghi ngờ gì lời nhận xét này được đưa ra bởi một sự kiêu ngạo, một hành động vô cùng lố lăng", Putin nói với CNN.
Putin cũng cảnh báo là nước Mỹ không nên can thiệp vào nước Nga. Nhưng cựu tình báo KGB cũng gợi ý một giả thuyết phức tạp hơn - đó là một ai đó trong giới chính trị đã cung cấp những thông tin mật này cho Wikileaks để tung ra. "Vì vậy tôi không coi đây là một thảm họa".
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan thì nổi giận trước cáo buộc trong tài liệu mật rằng ông có những tài khoản bí mật trong ngân hàng Thụy Sĩ. "Tôi không có một xu nào trong nhà băng Thụy Sĩ", Erdogan tuyên bố, và thúc giục Washington phải xử lý nhà ngoại giao nào đã vu khống, bịa đặt trắng trợn.
Tại Argentina, một bộ trưởng cho rằng thật xấu hổ khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đòi tìm hiểu thông tin về sức khỏe tâm lý của Tổng thống Cristina Kirchner.
Còn ở Mỹ Latin, khi mối nghi ngờ về chính sách ngoại giao Mỹ đã ăn sâu, Uruguay cho biết sẽ liên lạc với đại sứ Mỹ để bàn về vụ việc này. Cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro thì nói đây là một vụ "scandal khổng lồ".
Trước đó, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ phải hành động và tự động chặn website Wikileaks. Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani triệu đại sứ Mỹ để nói chuyện sau khi tài liệu mật tiết lộ mối liên minh nhạy cảm của hai nước trong chiến tranh.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã lên án Mỹ và yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ từ chức, thậm chí đề nghị nghiên cứu sự “cân bằng về tâm thần” của bà Clinton.
Không biết mục đích của WikeLeaks khi tung ra những bí mật ngoại giao Mỹ là gì, nhưng ít nhất họ đã thành công khi tạo ra luồng hiệu ứng, tập trung truyền thông, dư luận và cả chính phủ các nước phải chú ý đến họ. Có thể nói, họ đã làm tổn hại đến uy tín Mỹ, sứt mẻ quan hệ đồng minh và ít nhiều tạo ra làn sóng phản đối Mỹ. Dư luận đang nóng lòng theo dõi số phận của ông chủ WikiLeaks. Liệu trong tình thế mạng sống của ông ta đang “trên đe dưới búa”, WikiLeaks có thể tiếp tục tiết lộ những bí mật gây sốc, như tuyên bố nữa không, và những bí mật này nhằm vào đối tượng nào?