(LĐ online) - Hai khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp thu hút đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, đạt doanh thu trên 300 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động.
(LĐ online) - Đó là kết quả Lâm Đồng thực hiện được trong 4 năm qua. Theo UBND tỉnh: Ngành công nghiệp đóng góp 11% GDP và đã tác động trực tiếp, gián tiếp đến tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực khác và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ngành có bước phát triển cao trên các lĩnh vực khai thác chế biến khóang sản, vật liệu xây dựng, sản xuất và phân phối điện, nước, chế biến nông – lâm sản. Đặc biệt có nhiều dự án mang lại hiệu quả trước mắt và lâu dài như Bauxite; hệ thống thủy điện lớn, vừa và nhỏ với công suất thiết kế trên 2.500 MW; ngành vật liệu xây dựng; hệ thống điện lưới phủ khắp địa bàn, cấp điện cho trên 96% hộ dân; ngành viễn thông, sản xuất rượu vang phát triển; các sản phẩm chế biến từ trà, cà phê, atisô được cả nước biết đến.
Riêng 2 khu công nghiệp (Lộc Sơn, Phú Hội) và 14 cụm công nghiệp đã thu hút đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, đạt doanh thu trên 300 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động.
Tuy có nhiều chuyển động tích cực song đa số các dự án đầu tư và các nhà máy, cơ sở thuộc ngành công nghiệp Lâm Đồng đều mới đưa vào sử dụng hoặc đang trong quá trình xây dựng cơ bản; những dự án sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, chất lượng cao hầu như chưa có. Lợi thế tiềm năng của tỉnh là nông sản, lâm sản nhưng công nghiệp chế biến chất lượng cao, chế biến tinh còn ít. Nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp…
Với quan điểm phát triển trên cơ sở tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, sản xuất tinh, hạn chế tiến tới không xuất nguyên liệu thô và bảo vệ môi trường, Lâm Đồng đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt giá trị sản xuất của ngành công nghiệp tăng bình quân 22 – 23%/năm, chiếm 20% GDP của tỉnh và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nguyễn Thanh