Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

02:12, 07/12/2010

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là 1 trong 3 con đường lây truyền HIV chính. Nếu không có biện pháp dự phòng hiệu quả thì số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ có thể ở mức trên 35%.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là 1 trong 3 con đường lây truyền HIV chính. Nếu không có biện pháp dự phòng hiệu quả thì số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ có thể ở mức trên 35%. Nhưng khi áp dụng các biện pháp can thiệp phòng lây truyền tốt thì tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống dưới 5%. Nghĩa là làm tốt công tác này có tới hơn 95% số trẻ em sinh ra từ các bà mẹ có HIV sẽ không bị nhiễm HIV.

Việc can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn khá mới mẻ ở Việt Nam và đặc biệt chú ý khi có chiến dịch “Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” triển khai trong năm 2010 trên phạm vi cả nước. Theo tính toán, hàng năm cả nước có khoảng 2 triệu phụ nữ mang thai. Với tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ chiếm 0,5%, thì hàng năm sẽ có khoảng 3.500 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV nếu không nhận được các biện pháp can thiệp dự phòng thích hợp; nhưng nếu can thiệp tốt thì chỉ còn dưới 500 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV.  Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với chủ đề “Xét nghiệm HIV cho mẹ, sức khỏe cho con”, việc xét nghiệm HIV sớm sẽ giúp cho các bà mẹ biết được tình trạng nhiễm HIV và nhận được các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều này hạn chế tới mức thấp nhất trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở giai đoạn đầu đời.

Tại Lâm Đồng, theo số liệu tích lũy số phụ nữ nhiễm HIV có 270 trường hợp, chiếm 18% số người mắc trong toàn tỉnh. Trong đó, phụ nữ mang thai nhiễm HIV là 58 trường hợp (mới phát hiện trong năm nay là 3 trường hợp), 16 trẻ em bị nhiễm HIV. Trong thực tế, phụ nữ và trẻ em bị nhiễm HIV còn cao hơn nhiều, do các bà mẹ không tiếp cận được các dịch vụ phòng lây nhiễm và trẻ em sinh ra bị chết hoặc không được phát hiện để điều trị. Như vậy, HIV không chỉ khoanh vùng ở nhóm người nghiện chích ma túy, mại dâm, mà đã lây nhiễm sang cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu là do chị em còn thiếu thông tin, thiếu kiến thức, không biết cách phòng tránh lây nhiễm từ người chồng và các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa được cung cấp rộng rãi. Đa số phụ nữ có thai nhiễm HIV phát hiện muộn, chỉ được phát hiện khi chuyển dạ tại các cơ sở y tế, nên đã xảy ra sự lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hầu hết các địa bàn trong tỉnh đều có trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV và  trẻ em bị nhiễm từ mẹ. Cao nhất là Đà Lạt 23, Lâm Hà 11, Bảo Lâm 9 và ngoài tỉnh đến Lâm Đồng 5 trường hợp phụ nữ có thai nhiễm HIV. Trẻ em bị nhiễm HIV cao nhất ở Lâm Hà 4, Bảo Lộc 3, Bảo Lâm 3 trường hợp. Tuy nhiên, số trẻ này còn sống đến thời điểm giám sát chỉ có 2 trường hợp. Do vẫn còn sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS, nên việc quản lý bà mẹ nhiễm HIV và trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV còn gặp nhiều khó khăn.

Các hoạt động phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại địa phương như: Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi tập trung vào nhóm đối tượng chính là phụ nữ, đặc biệt là chị em mang thai có HIV, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Thường xuyên phát các thông điệp trên đài phát thanh truyền hình, tổ chức truyền thông lưu động, cấp 170 đĩa VCD và 12.000 tờ rơi, 100 áp phích cho các cơ sở y tế. Trung tâm phòng chống HIV/AIDS phối hợp với Hội LHPN tỉnh tập huấn kiến thức về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ và nhóm phụ nữ có thai. Tổ chức nói chuyện chuyên đề ở các phường, xã cho 12.534 người dự thính. Các Trung tâm y tế huyện cử cán bộ y tế đến thăm, tặng quà cho các hộ gia đình có bà mẹ và trẻ em bị nhiễm HIV.

Cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tổ chức tư vấn, xét nghiệm tự nguyện cho các đối tượng phụ nữ mang thai đến khám thai lần đầu tại các cơ sở y tế. Trong chiến dịch đã có 3.190 phụ nữ có thai được tư vấn, 1.799 chị được xét nghiệm HIV tự nguyện, trong đó có 902 chị xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang thai và 897 chị được xét nghiệm HIV trong lúc chuyển dạ. Điều đáng mừng là đã nhiều chị em tình nguyện đến với dịch vụ này, 1.090 phụ nữ có thai được tư vấn xét nghiệm HIV quay lại nhận kết quả. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện trong tháng chiến dịch chỉ có 1 trường hợp trong lúc chuyển dạ và được điều trị dự phòng bằng ARV, trẻ sinh ra được dùng sữa thay thế.

Tất cả các dịch vụ: tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tư vấn cách chăm sóc trẻ khi mẹ bị nhiễm HIV, chương trình hỗ trợ sữa nuôi con (thay thế cho sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu) cho những trẻ sinh ra từ mẹ có HIV… đều miễn phí tại khoa sản của các Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, BVĐK II, Trung tâm y tế các huyện Đức Trọng, Đạ Huoai và các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Bảo Lộc.
 
An Nhiên