Tháng 2/2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quyết định công nhận Cao đẳng nghề Đà Lạt là 1 trong 10 trường trong nước đạt chất lượng kiểm định cấp độ 3, cấp độ cao nhất của đào tạo nghề tại Việt Nam hiện nay.
Thực hành điện. |
Để được công nhận (với hiệu lực chỉ trong 5 năm), theo ông Trương Thúc Hiếu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, trường đã đạt được đầy đủ các tiêu chí đề ra như chất lượng đào tạo, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình - nội dung đào tạo. “Đây là nỗ lực chung của cả trường trong suốt 10 năm qua cho việc khẳng định thương hiệu của trường nghề chúng tôi”.
Về cơ sở vật chất, có thể nói không quá lời rằng đây là một ngôi trường vào hạng đẹp, không chỉ của tỉnh mà của cả nước. Trên diện tích 5,2 ha tại ngôi trường chính (số 1 Hoàng Văn Thụ) ngay liền kề khu trung tâm Đà Lạt là một tổng thể kiến trúc khá hoàn chỉnh, từ giảng đường, khu làm việc, hệ thống ký túc xá, sân chơi, cây xanh, thảm cỏ được chăm sóc kỹ, hoa trồng ven lối đi. Cùng với 2 cơ sở khác gồm Trung tâm đào tạo lái xe trên đường Nguyễn Khuyến - Đà Lạt rộng 1,8 ha và Nông trại thực nghiệm - sản xuất tại Măng Lin - Phường 7 Đà Lạt rộng 7,5 ha, từ năm 2000 đến nay, theo Ban giám hiệu cho biết, đã đầu tư trên 70 tỷ đồng trong gói 93 tỷ của dự án trường nghề. Đến nay Cao đẳng Nghề Đà Lạt đã có 37 phòng học lý thuyết - giảng đường với tổng diện tích 18 nghìn m2 đảm bảo cho 2500 học sinh - sinh viên có thể cùng học tập. Đi cùng là là hệ thống thư viện, gần 50 phòng thí nghiệm và xưởng thực hành, 2 ký túc 500 chỗ trong đó ký túc xá 300 chỗ đang hoàn thiện và sắp đưa vào sử dụng.
Tại nông trại, nhà trường có hơn 3000 m2 hệ thống nhà lưới nhà kính và sinh viên - học sinh có thể thực hành thực tập sản xuất nông nghiệp ngay tại đây. Riêng Trung tâm lái xe của trường mỗi năm có thể tiếp nhận đào tạo cho khoảng 600 học viên lái ô tô và trên 3000 học viên mô tô.
Trong đào tạo, từ 47 học sinh chuyển tiếp của Trường Công nhân Kỹ thuật Lâm Đồng (nay là Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng) với 2 ban Cơ điện và Công nghệ thông tin trong năm 2000, đến nay, theo Ban giám hiệu trường, đã có trên 3300 học sinh - sinh viên theo học tại 8 khoa gồm Điện, Cơ khí, Nông nghiệp, Công nghệ thông tin, Kinh tế, Du lịch – dịch vụ, Cơ bản, Sư phạm dạy nghề với 9 nghề hệ cao đẳng, 6 nghề hệ trung cấp. Đặc biệt trong số này có trên 600 sinh viên học sinh là người dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường hiện đã lên đến 120 người trong đó có trên 42% có trình độ đại học và trên đại học.
Với một cơ sở trang bị khá hiện đại và một đội ngũ cán bộ giáo viên không ngừng nâng cao trình độ, trong những năm gần đây Cao đẳng Nghề Đà Lạt đã góp phần tích cực trong việc đào tạo công nhân, nhân viên lành nghề trong tỉnh, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. “Chưa có con số chính thức nhưng trên 80% học sinh sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề đào tạo”. - ông Hiếu khẳng định. Ông cho biết có không ít các doanh nghiệp đã trực tiếp đến trường đặt hàng đào tạo, như các nhà máy thủy điện trong tỉnh cần công nhân vận hành, các doanh nghiệp nông nghiệp cần công nhân có tay nghề…
Trong 10 năm qua, theo số liệu của trường đã có gần 3800 công nhân kỹ thuật, trung cấp và cao đẳng nghề được đào tạo, ra trường có việc làm, cùng đó là hàng chục nghìn học viên trong tỉnh qua các lớp sơ cấp nghề, bồi dưỡng nghề, thi tay nghề tại đây.
Để đưa Cao đẳng Nghề Đà Lạt thành trường điểm quốc gia trong đào tạo nghề, nhiều mục tiêu đang được trường đặt ra để phấn đấu. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, dù mục tiêu nào thì cơ bản nhất vẫn là việc lấy chất lượng đào tạo làm chuẩn. “Chất lượng chính là thương hiệu của nhà trường” - ông Hiếu khẳng định.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, nhất là các cơ sở thực hành nhà trường đang tích cực nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ - giảng viên và hướng việc dạy nghề của trường vào đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội. Hay nói cách khác, nhà trường khi cần sẽ bổ sung, điều chỉnh giáo trình theo thực tiễn, hướng học sinh sinh viên của mình vào những ngành nghề địa phương Lâm Đồng đang cần như nông nghiệp, điện, dịch vụ du lịch. Cùng đó , ông Hiếu cho biết nhà trường cũng đang mở rộng mạng lưới đào tạo nghề của mình đến các vùng nông thôn trong tỉnh, mở rộng sự hợp tác, liên kết với các trường đại học trong nước để đào tạo liên thông bậc đại học cho học sinh - sinh viên của mình.