Huyện Đam Rông có 8 xã, với dân số gần 40 ngàn người, trong đó có trên 70% số dân là người đồng bào dân tộc thiểu số như: Cill, M’Nông, Mông, Mèo, Mường, Thái… Đam Rông hiện là 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước, hàng năm nhận trợ cấp của ngân sách 100%.
Huyện Đam Rông có 8 xã, với dân số gần 40 ngàn người, trong đó có trên 70% số dân là người đồng bào dân tộc thiểu số như: Cill, M’Nông, Mông, Mèo, Mường, Thái… Đam Rông hiện là 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước, hàng năm nhận trợ cấp của ngân sách 100%. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 10%, kinh tế nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng trên 90% GDP, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 45%... Có thể nói, Đam Rông là một vùng đất khó, nhưng không vì thế mà sự học ở đây bị kém phần quan tâm của xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Vũ Kim Sinh cho hay, ngay từ những ngày huyện mới thành lập, Đảng bộ và chính quyền huyện Đam Rông luôn xác định “phát triển giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm” trong chiến lược phát kinh tế - xã hội. Nhất là đối với một huyện nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, thì giáo dục chính là cánh cửa để Đam Rông phát triển bền vững, hòa nhập với các địa phương trong tỉnh. Và để phát triển giáo dục không thể không quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài. Nhờ đó, 5 năm qua, công tác khuyến học ở huyện Đam Rông đã giành được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn huyện có 8/8 xã đã thành lập được Hội Khuyến học; 26 thôn, 40 cơ quan đơn vị và 7 dòng họ có chi hội khuyến học, với gần 1.000 hội viên. Hàng năm, Hội Khuyến học huyện đã vận động các cấp, các ngành và nhân dân đóng góp xây dựng Quỹ khuyến học được trên 30 triệu đồng. Từ năm 2005 đến nay, các cấp Hội đã khen thưởng cho gần 400 lượt thầy cô giáo, học sinh có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và học tập; trợ cấp cho học sinh nghèo vượt khó với kinh phí từ 10 - 20 triệu đồng/năm. Bên cạnh tặng học bổng từ quỹ khuyến học địa phương, Hội Khuyến học huyện còn vận động các doanh nghiệp, các cơ quan của tỉnh, các tổ chức xã hội trực tiếp tặng cho học sinh - sinh viên địa phương hàng trăm suất học bổng bằng tiền và hiện vật như sách, vở, xe đạp… trị giá hàng trăm triệu đồng.
Hoạt động khuyến học trong nhà trường có sự phát triển đáng kể. Hàng năm, Hội Khuyến học huyện đã chỉ đạo các chi hội khuyến học trong các nhà trường quan tâm tạo điều kiện để giáo viên, học sinh tham gia vào phong trào thi đua “Hai tốt”; vận động trẻ trong độ tuổi đến trường, giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để thu hút đông đảo cán bộ giáo viên và học sinh tham gia. Thông qua các hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa các tệ nạn xã hội và vận động quyên góp: sách, vở, bút, quần áo… để giúp những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh các hoạt động khuyến học trong nhà trường, công tác khuyến học ngoài nhà trường, cũng như các hoạt động khuyến học ở các thôn, các cơ quan, dòng họ ngày càng được quan tâm chú trọng. Đến nay, trên địa bàn huyện Đam Rông đã xây dựng được 7 dòng họ khuyến học và trở thành phong trào ở nhiều thôn, xã. Từ mô hình “Dòng họ khuyến học”, các con cháu được giáo dục biết kính trọng ông bà, cha mẹ, thuận hòa anh em, bà con thôn bản. Ngoài ra, các dòng họ còn tổ chức biểu dương những tấm gương học tập tốt, sản xuất giỏi. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì được anh em trong dòng họ hỗ trợ, giúp đỡ… Ngoài việc quan tâm đến công tác vận động con cháu chăm ngoan học giỏi, các dòng họ còn chú ý đến việc gây quỹ để kịp thời động viên con em mình vượt khó học giỏi. Đây chính là động lực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đam Rông hôm nay đã có nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyện nghiệp; huyện đã được công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và Phổ cập giáo dục THCS. Năm học 2009 - 2010, ngành Giáo dục huyện Đam Rông được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Bí thư Huyện ủy Vũ Kim Sinh cho rằng, để phong trào khuyến học, khuyến tài ở Đam Rông phát triển vững mạnh cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự góp sức của toàn thể nhân dân các dân tộc trong huyện. Hội Khuyến học các cấp cần phát huy tốt chức năng tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với MTTQ, ngành Giáo dục - Đào tạo, các ban ngành, đoàn thể có liên quan. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, hội viên, các tầng lớp nhân dân nắm vững các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về sự nghiệp giáo dục - đào tạo, về công tác khuyến học, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập. Kết quả hoạt động khuyến học, khuyến tài ở Đam Rông dù còn rất khiêm tốn, nhưng có ý nghĩa lớn, chắc chắn sẽ được vận dụng, phát huy để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ công tác khuyến học, khuyến tài những năm tiếp theo.
Tứ Kiên