Ngôi trường không tiếng nói

10:12, 06/12/2010

(LĐ online) - Những tiết học ở ngôi trường này diễn ra thật đặc biệt, dù là tập đọc hay làm toán, cả thầy và trò đều dùng tay thay cho lời nói.

[links()](LĐ online) - Những tiết học ở ngôi trường này diễn ra thật đặc biệt, dù là tập đọc hay làm toán, cả thầy và trò đều dùng tay thay cho lời nói. Mỗi lần phát biểu ý kiến, các em học sinh phải rướn cổ, mở toang thanh quản cố nói những từ ú ớ không rõ nghĩa, nhưng bằng ánh mắt và cử chỉ, người thầy vẫn thấu hiểu và tìm mọi cách để giải đáp thắc mắc của những đứa học trò kém may mắn. Đó là hình ảnh quen thuộc ở trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng (đường Lê Hồng Phong, TP. Đà Lạt).

Các em lớp 1 đang tập văn nghệ cho ngày 20/11.
Các em lớp 1 đang tập văn nghệ cho ngày 20/11.
Hàng ngày, cứ 5 giờ 30 phút sáng là cả thảy 86 em học sinh lại bật dậy, bắt đầu một ngày mới. Buổi sáng các em học văn hóa, buổi chiều học một số nghề thủ công như may, thêu, đan, móc…Đặc biệt, cho dù học hành, vui chơi, ngoại khóa của các em đều sử dụng ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, điệu bộ. Bởi vậy, dù trong sinh hoạt hay học hành, cả ngôi trường này đều rất im ắng.

Hầu hết các em học sinh ở đây đều bị câm điếc nặng nên quá trình tiếp thu kiến thức khá chậm so với người bình thường. Để học bảng chữ cái, các em học sinh ở đây phải dùng những ký hiệu riêng. Chẳng hạn, chữ “a” được quy ước bằng cách nắm bàn tay thật chặt, chữ “b” là bốn ngón tay xếp thẳng gần nhau, còn năm ngón tay hơi co lại nhìn giống hình chữ “c”…Trên cơ sở bảng chữ cái đặc biệt ấy, các em sẽ học cách đánh vần từng câu, từng chữ.

Tuy nhiên, việc giảng giải làm thế nào để các em hiểu được ý nghĩa là một vấn đề, nhất là những từ trừu tượng. “Có một kỷ niệm rất vui là khi tôi giảng giải về từ “cổ kính”, các em liền chỉ vào cổ mình và tấm kính trên cửa sổ. Điều ấy làm tôi băn khoăn nên hôm sau tôi quyết định dẫn các em đến Lăng Nguyễn Hữu Hào, một nơi rêu phong, trầm mặc nhằm giúp các em hiểu về ý nghĩa của từ này” – cô Nguyễn Thị Nhàn, Phó hiệu trưởng, nhớ lại.

Trong phòng học của khối lớp 7, bài giảng của thầy Phúc chợt gián đoạn khi thấy sự xuất hiện của tôi và cô Nhàn. Hôm nay các em học môn toán, các ký hiệu và công thức của bài học Đa thức có vẻ như rất khó để diễn tả. Thầy Phúc một tay ra hiệu, một tay chỉ vào sách giáo khoa, thỉnh thoảng lại “hét” lên thật to để giảng bài. Cả 6 đứa học trò nhỏ ngồi dưới mải mê theo dõi, gương mặt rạng rỡ, lâu lâu lại liếc về phía tôi và cô Nhàn.

Thầy Phúc dạy toán đang giảng bài bằng tay và sách giáo khoa.
Thầy Phúc dạy toán đang giảng bài bằng tay và sách giáo khoa.
Nhờ sự “phiên dịch” của cô Nhàn, tôi đã được trò truyện cùng các em học sinh trong giờ ra chơi ngắn ngủi. Hầu hết các em cho biết đều rất thích học ở đây. Cô bé Đỗ Hoàng Đan Anh (18 tuổi, nhà ở Đơn Dương) “nói”: “Em đã học ở đây 8 năm và muốn học lên cao nữa”. Đan Anh còn cho biết, ước mơ của em là muốn học hết lớp 12 (chương trình của trường mới chỉ hết lớp 7) và trở thành cô giáo mầm non.

Những động tác, cử chỉ và ký hiệu đặc biệt không chỉ được các em học sinh áp dụng trong việc học mà còn cả trong sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn như việc gọi tên thầy cô, bạn bè cũng được quy ước theo đặc điểm riêng của mỗi người. Nếu muốn gọi bạn Thành thì dùng 5 ngón tay hơi chụm lại và bấu lên má, còn gọi tên cô Nhàn thì dùng ngón cái vuốt dọc sống mũi, hai ngón cái kéo từ ngực xuống bụng là cách gọi tên thầy Phúc… Thấy Hồ Đình Phúc (giáo viên dạy Toán – Tin) tâm sự: “Dạy các em cũng khó nhưng cũng vui lắm. Nhiều khi giải một bài toán nhưng cả thầy và trò phải mất cả tiếng đồng hồ vì phải dùng tay ra hiệu, làm dấu, dùng hình ảnh minh họa…”

Khi tôi ra về, phòng học nhỏ xíu của khối lớp 1 vẫn vang vang tiếng hát “ú ớ” của các em học trò đặc biệt. Cả lớp đang tập “hát” bài “Cả nhà thương nhau” để tham gia chương trình văn nghệ chào mừng ngày 20/11 sắp đến. Mặc dù không “hát” rõ từ nào nhưng giai điệu phát ra từ thanh quản các em dường như hay hơn bao giờ hết.
 
Huy Phan