Người khuyết tật (NKT) dù là do bẩm sinh hay bị một tai nạn nào đó đều là những người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Những tưởng tạo hóa đã lấy đi một phần cơ thể để họ phải sống tự ti đầy mặc cảm.
Chị Lê Thị Minh Yêm – Trưởng nhóm khuyết tật Vòng tay yêu thương Đà Lạt: “Vượt lên không những cho mình mà cho tất cả những NKT cùng cảnh ngộ”. Chị sinh ra vốn cũng là một cô bé dễ thương như bao đứa trẻ khác. Nhưng định mệnh nghiệt ngã đã đến với chị, trong một lần đi cắm trại cùng các bạn trong lớp, chị dẫm phải mìn. Thoát chết nhưng phải đành phải cắt bỏ một chân và chân bên kia chi chít sẹo của những mảnh mìn. Từ đó đến nay, chiếc chân giả gắn liền với chị đã hơn 40 năm. Mang mặc cảm của một NKT, chị bỏ học ở nhà học nghề đan len để kiếm thêm thu nhập. Nhưng công việc đan len không dừng lại ở đó, chị muốn giúp đỡ những NKT khác để xoa dịu bớt phần nào mặc cảm của họ cũng như của chính bản thân khi mà người chồng thương yêu bị tai biến và bị liệt hai chân. Vậy là chị ấp ủ những ý tưởng, cho đến khi tham gia cuộc thi ý tưởng kinh doanh chị đạt giải nhì về ý tưởng dạy nghề và tạo việc làm cho NKT, giải nhân đạo ý tưởng cho cộng đồng NKT thì nhóm Vòng tay yêu thương ra đời. Chị tập hợp hơn 80 NKT tại Đà Lạt để dạy nghề đan móc và làm hoa bằng len. Đến nay, nhóm chị đã đi vào hoạt động được hơn một năm và tạo được việc làm với mức thu nhập ổn định bình quân khoảng 600.000 đồng/tháng/người. Từ hai bàn tay trắng, bằng nghị lực và sự sẻ chia, lòng yêu thương những người cùng cảnh ngộ, chị Minh Yêm đã tạo dựng được một cơ sở đan móc len và đặc biệt là làm hoa, cắm hoa nghệ thuật bằng len. Vừa qua, chị đã được chọn là gương điển hình NKT thành công đi dự báo cáo thành công dựa vào nội lực ABCB của NKT toàn quốc. Không còn sự tự ti ngày nào, giờ đây, chị Minh Yêm luôn tự tin hòa nhập cộng đồng khi tham gia nhiều hoạt động ở địa phương như văn nghệ, thi cắm hoa, thi hòa giải viên giỏi…
Chị Nguyễn Thị Lành – Trưởng nhóm NKT Đơn Dương: “NKT cũng làm được những việc như người bình thường”. Cũng như chị Minh Yêm, chị Lành vốn lành lặn từ khi mới chào đời. Nhưng có lẽ cái tên đã đảo ngược lại cuộc đời chị. Lên 1 tuổi, chị bị sốt bại liệt và 41 năm qua chị phải di chuyển bằng đôi tay thay cho đôi chân bị liệt. Sống một mình và không muốn mình là gánh nặng của gia đình, chị dùng hai bàn tay để kiếm sống bằng nghề đan áo len với mức thu nhập ổn định 800.000/tháng qua vay vốn của ngân hàng chính sách huyện. Mất đi đôi chân, chị liền vận dụng tối đa tác dụng của đôi tay, vượt qua mọi kỳ thị, chị tham gia thể thao cho NKT và trở thành vận động viên cử tạ. Và thành tích của chị là hai lần đạt huy chương bạc môn cử tạ NKT toàn quốc. Tham gia dự án Tây Ban Nha lần này, chị mong muốn được học nghề dệt áo len thay vì đan như trước đây vì mặt hàng dệt vừa đơn giản, vừa dễ bán hơn để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Hoàng Vũ Ngọc Khiêm – Hội Người mù Lâm Đồng: “Không muốn là gánh nặng của gia đình”. Tuổi thơ của Khiêm cũng hồn nhiên như những đứa trẻ ở Di Linh. Nhưng lên 5 tuổi, sau khi bị lên sởi Khiêm bị mù vĩnh viễn. Cuộc sống của Khiêm từ đó mất đi ánh sáng của đôi mắt nhưng ánh sáng trong tâm hồn vẫn luôn khao khát cháy. Trở thành thành viên của Hội Người mù Lâm Đồng, Khiêm cùng các bạn đồng cảnh ngộ làm đủ mọi việc để có thể tự nuôi sống bản thân. Từ việc làm tăm, làm chổi đã giúp Khiêm có từ 180.000 – 200.000 đồng/tháng để mua sắm thêm dụng cụ học tập. Nhưng công việc làm chổi cũng bấp bênh, đầu ra không ổn định nên mong muốn lớn nhất của Khiêm lúc này là những sản phẩm làm ra của Hội Người mù sẽ có nơi tiêu thụ để Khiêm và các bạn có thu nhập để có thể tự nuôi sống bản thân và không còn là gáng nặng của gia đình.