Thành phố Bảo Lộc là địa bàn trọng điểm diễn ra Lễ hội Văn hóa Trà Lâm Đồng lần III - năm 2010 từ ngày 25 đến 27/12. Với chủ đề “Bay xa hương trà B’Lao”, Lễ hội Văn hóa Trà lần này được tổ chức ngay tại thủ phủ trà B’Lao đã tạo sự kỳ vọng và hứng khởi lớn cho đông đảo người dân cũng như Chính quyền địa phương.
Ông Bùi Thắng – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Tp Bảo Lộc |
* PV: Thưa ông, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, Lễ hội Văn hóa Trà Lâm Đồng có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của ngành trà Bảo Lộc nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung?
* Ông Bùi Thắng: Bảo Lộc nói riêng và Lâm Đồng nói chung là vùng đất nổi tiếng trên cả nước về diện tích trồng chè, chất lượng sản phẩm trà và số lượng doanh nghiệp kinh doanh ngành trà. Do đó, Lễ hội Văn hóa Trà Lâm Đồng lần III năm 2010 là một sự kiện kinh tế, văn hóa quan trọng của tỉnh Lâm Đồng nhằm quảng bá thương hiệu trà, đặc biệt là thương hiệu Trà B’Lao và các vùng chè trọng điểm trong tỉnh như Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đà Lạt. Lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng lần này thực sự là ngày hội lớn của những người trồng và chế biến, kinh doanh trà, là dịp để các làng trà, doanh nghiệp và những người trực tiếp sản xuất giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau quảng bá thương hiệu trà. Đây chính là môi trường thuận lợi để hợp tác đầu tư, giúp cho ngành chè Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
* PV: Với chủ đề “Bay xa hương trà B’Lao”, vậy nét mới và điểm nhấn của Lễ hội Văn hóa Trà lần này là gì thưa ông?
* Ông Bùi Thắng: Lễ hội Văn hóa Trà lần thứ III dù trọng tâm các hoạt động của lễ hội vẫn được tổ chức ở bảo Lộc, nhưng các địa phương khác như huyện Bảo Lâm, Di Linh và tích cực với nhiều chương trình. Qua đó, những người nông dân, người công nhân đã từng gắn bó với nghiệp làm trà ở các địa phương có dịp gắn mình vào lễ hội của chính mình. Đó chính là nét mới của lễ hội văn hóa trà lần này. Đặc biệt, tại lễ hội lần này, những tổ chức, cá nhân có sự đóng góp tích cực cho ngành chè cũng sẽ được tôn vinh. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ công bố nhãn hiệu chứng nhận Trà B’Lao và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Trà B’Lao những doanh nghiệp sản xuất trà có đủ tiêu chuẩn. Thông qua các chương trình này, lễ hội sẽ mang dấu ấn của mọi người, của mọi doanh nghiệp trong ngành chè và được sự tham gia của đông đảo người dân địa phương.
* PV: Lễ hội Văn hóa Trà Lâm Đồng lần III năm 2010 được xác định là lễ hội của người trồng chè và các doanh nghiệp sản xuất trà, như vậy các chương trình của lễ hội được tổ chức như thế nào để làm nổi bật chủ đề này?
* Ông Bùi Thắng: Ở các lễ hội trước, chúng tôi đều nhắm đến mục tiêu tôn vinh người làm trà, doanh nghiệp sản xuất trà và quảng bá thương hiệu Trà B’Lao đến với mọi miền của đất nước và ra với thế giới. Lễ hội lần này cũng thế, mục tiêu này là một trong những nhiệm vụ và nội dung trọng tâm. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng và chia sẻ cộng đồng của các doanh nghiệp tại lễ hội này sẽ cao hơn, do đó sẽ có nhiều chương trình mở hơn. Lễ hội có tất cả 20 chương trình bao gồm chương trình chính, chương trình hưởng ứng và chương trình mở. Tất cả các chương trình này đều hướng đến người trồng chè và các doanh nghiệp sản xuất trà, mang tính quảng bá thương hiệu Trà B’Lao rất rõ nét. Ví dụ như hội thảo khoa học về ngành trà, chương trình triển lãm ngành chè Lâm Đồng - Việt Nam, tham quan vùng nguyên liệu, Phố trà mến khách...
* PV: Thưa ông, kỳ vọng của thành phố Bảo Lộc qua Lễ hội Văn hóa Trà lần này như thế nào?
* Ông Bùi Thắng: Lễ hội Văn hóa Trà Lâm Đồng lần III năm 2010 tiếp tục được tỉnh giao cho thành phố Bảo Lộc thực hiện nhiệm vụ là trung tâm các hoạt động của lễ hội. Với vị trí thuận lợi nằm trên quốc lộ 20, nối liền thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Du lịch Đà Lạt, với khí hậu mát mẻ thuận lợi cho hoạt động nghỉ dưỡng, Bảo Lộc đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với mời gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là đầu tư phát triển du lịch, phát triển Bảo Lộc trở thành một trung tâm công nghiệp và du lịch thứ hai của tỉnh. Hàng năm, địa phương đón tiếp một lượng lớn khách du lịch dừng chân, nghỉ ngơi, mua sắm các đặc sản của vùng Bảo Lộc, trong đó có sản phẩm trà, Ban tổ chức Lễ hội chúng tôi mong muốn trong dịp Lễ hội Văn hóa trà Lâm Đồng lần III này, sẽ có nhiều lượt du khách hơn nữa dừng chân ghé thăm các hoạt động của lễ hội cũng như vào các dịp khác trong năm để hiểu hơn về vùng đất trà, về những con người đã luôn gắn bó với nghề trà và về một thành phố trẻ của tỉnh Lâm Đồng năng động, hiếu khách này.
* PV: Xin cảm ơn ông và chúc cho Lễ hội Văn hóa Trà thành công tốt đẹp!