Sao sáng phía trời xanh

03:12, 09/12/2010

Về Tân Thanh hôm nay, đường nhựa trải dài, đời sống người dân đã khá lên. Khá kinh tế, người Tân Thanh còn tự hào hơn khi con em mình đã từng bước giàu tri thức.

Tân Thanh (Lâm Hà) xưa được coi là “vùng đất dữ” với nhiều vấn nạn. Đã qua rồi quá khứ, về Tân Thanh hôm nay, đường nhựa trải dài, đời sống người dân đã khá lên. Khá kinh tế, người Tân Thanh còn tự hào hơn khi con em mình đã từng bước giàu tri thức. Đội ngũ thầy cô giáo nơi đây “nuôi lửa nghề” để miệt mài vừa giảng dạy tốt đại trà, vừa tự tin bồi dưỡng học sinh giỏi mũi nhọn ở xã vùng sâu...
 
Thầy Nguyễn Văn Tiến với các học trò.
Thầy Nguyễn Văn Tiến với các học trò.
Tân Thanh hiện có 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở. Từ những cơ sở giáo dục ấy, con em của xã lớn lên, được khơi dậy tinh thần ham học và bồi đắp tri thức trên quê hương. Vững mạnh nhất trong hệ thống giáo dục đó, Trường THCS Tân Thanh đã là một điểm sáng trong giảng dạy, trở thành một “ hiện tượng” của giáo dục Lâm Hà.

ĐÀO TẠO HỌC SINH GIỎI Ở TRƯỜNG VÙNG SÂU

Chiếc xe u oát thường xuyên thực hiện nhiệm vụ chở khách đi vùng sâu của huyện Lâm Hà đưa chúng tôi về Tân Thanh. Tuy đường nhựa đã thông suốt nhưng bác tài tên Yên vẫn vui vẻ bảo rằng những khúc ngoặt trên đoạn đường này vào mùa mưa vẫn thử thách tay lái và chiếc xe “ lão làng” này. Dừng lại trước cổng Trường THCS Tân Thanh vào gần cuối buổi trưa, ngôi trường nằm lọt trong khoảng sân trải rộng một màu đất đỏ. Lác đác những nhóm học sinh đang rèn luyện thể dục thấy khách lạ đã vòng tay chào hỏi và dẫn khách vào gặp cô Hiệu phó đang làm việc ở khu vực văn phòng.

Cô giáo Ngô Thị Thanh Huyền- Hiệu phó của ngôi trường được công nhận trường tiên tiến cấp huyện này xúc động nhiều khi tiếp đón chúng tôi. Cô bảo rằng đã 10 năm nay, kể từ khi về dạy học ở vùng sâu, cô và tập thể thầy cô nơi đây đã cùng nhau giảng dạy, cùng sống và phấn đấu, chờ ngày gặt hái những thành công qua kết quả học tập của học trò. Kể từ năm học 2009-2010, khi Trường THCS Tân Thanh không chỉ đạt thành tích có gần 100% học sinh thi đậu vào khối THPT mà đã có 3 học sinh giỏi môn toán cấp tỉnh cùng 6 học sinh giỏi toán cấp huyện, đạt giải 3 học sinh giỏi môn lịch sư và giải khuyến khích môn vật lý cấp tỉnh cùng nhiều giải tiếng Anh và giải toán trên máy tính Casio... cấp huyện, khi đó, những cây xanh do thầy cô ươm trồng như đã cùng đồng loạt nở hoa.

Bên cạnh khối văn phòng, khu nhà ván giành cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi rộng vài chục m2, được ngăn vách làm đôi, những bộ bàn ghế cũ xếp đặt gọn gàng, nhiều tia nắng lọt qua mái tôn hổng lỗ chỗ chiếu xuống chỗ ngồi của học sinh. Đó là mùa nắng, còn vào mùa mưa, thầy và trò cùng xê dịch trong mấy chục m2 ấy, tránh mưa và gió lùa  để bồi đắp kiến thức. Đặt câu hỏi với giáo viên Nguyễn Văn Tiến- người thầy từ Hà Nội vào Tân Thanh đã gần 10 năm, là giáo viên tiên phong và chủ đạo trong công tác đào tạo học sinh giỏi toán rằng trong điều kiện khó khăn đó, sức mạnh nào để thầy vượt khó đào tạo học sinh giỏi? Thầy bảo đào tạo học sinh giỏi là ước mơ, và khi thực hiện ước mơ thì sẽ có rất nhiều sức mạnh.

Thành lập vào năm 2000 - 2001, đến năm học 2003 - 2004, những giáo viên nơi đây bắt đầu gây dựng đội tuyển học sinh giỏi cho trường. Chỉ với vài lớp học mỗi khối, những gương mặt sáng trong tập thể học sinh đó được thầy cô tuyển chọn bồi dưỡng. Như tích những giọt nước mát cho cả  nguồn nước, thầy kèm trò bằng những bài tập qua từng cấp độ theo từng tuần học, bồi dưỡng cho học sinh bắt đầu từ lớp 6, chủ yếu vẫn là học ngoài giờ, nhà học sinh lại xa trường. Ngay năm đầu tiên, trường có 2 học sinh giỏi cấp huyện, kết quả đó đã cố niềm tin rằng ước mơ không xa vời. Phan Vũ Thăng, Võ Đức Tuấn, Nguyễn Văn Thắng - ba cậu học sinh quen với vị mì tôm chống đói hằng đêm tại nhà thầy Nguyễn Văn Tiến trong những ca bồi dưỡng, từ những đêm mày mò các cách giải mới, đã bừng sáng trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 năm học 2009 - 2010. Hiện 3 em đã từ vùng sâu Tân Thanh lên Đà Lạt, là học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Thăng Long. Đội tuyển toán của trường Tân Thanh trở thành đội tuyển “ số một” trong các trường THCS ở Lâm Hà. “ Bản thân thầy giáo phải mày mò tìm phương pháp truyền đạt hay thì mới tạo nên sức bật cho học sinh, cộng với người thầy phải hy sinh thời gian, công sức để dành cho nhiệt huyết”, thầy Tiến chia sẻ.

Môn lịch sử là môn học không ít học sinh coi là “môn phụ” đã trở thành môn chính ghi vào “bảng vàng” Trường THCS Tân Thanh với các học sinh đạt giải đều là người dân  tộc thiểu số. Đàm Văn Hồ (học sinh dân tộc Tày), Trương Văn Thoại (dân tộc Dao), Nông Thị Hợi (dân tộc Tày) chưa bao giờ dám nghĩ đến danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Kể từ khi được thầy giáo Hoàng Anh Hùng phát hiện và động viên, ba em tự tin cùng tìm hiểu và đam mê môn lịch sử. Nhà xa, các em được Công đoàn nhà trường hỗ trợ kinh phí để ăn, ở, sinh hoạt gần trường, dùi mài kiến thức. Giải nhì cấp tỉnh cho Hồ, giải ba cho Thoại và Hợi trở thành điểm nổi bật và đáng ghi nhận của Trường THCS Tân Thanh trong dạy và học môn lịch sử.

NƠI TÌNH YÊU ƯƠM MẦM

Cũng như nhiều trường vùng sâu khác, làm sao để giữ chân giáo viên ở lại gắn bó với trường, với trò, với những nỗi khó khăn nhọc nhằn của điều kiện sống la mối quan tâm lớn của Ban Giám hiệu nhà trường. Trưởng thành cùng ngôi trường này là cả tập thể giáo viên trẻ, giáo viên lớn tuổi nhất sinh năm 1977. Họ đã cùng trải qua những năm tháng phấn đấu và nảy nở tình yêu trên đất Tân Thanh.

Hiện trường có 32 cán bộ- công nhân viên thì đã có tới 9 cặp vợ chồng. Cùng mối đồng cảm, cùng chia sẻ, cùng ý chí đã gắn kết họ nên duyên. Thầy Nguyễn Văn Hùng - giáo viên dạy văn - Chủ tịch Công đoàn nhà trường được san sẻ nhiệt huyết khi có vợ cũng đồng thời là một giáo viên dạy văn trong trường. Anh nhớ lại ước mơ thời trẻ của anh là được làm những nghề di chuyển nhiều, khám phá nhiều nhưng môi trường sư phạm lại là nơi anh dừng chân và gắn bó. Tình yêu bục giảng được nhân lên qua những giờ học với học sinh chất phát ở vùng sâu. Có vợ làm cùng nghề, dạy cùng bộ môn, hai tâm hồn đã cùng thực hiện ước mong xây dựng cuộc sống, vừa chia sẻ tình cảm ấm cúng, vừa phấn đấu làm kinh tế để từng bước ổn định hơn. Trên mảnh đất thuê lại của nhà trường, vợ chồng thầy giáo Hùng đầu tư trồng gừng, dần dà có tích lũy và hiện nay đã sở hữu một vườn cà phê đến kỳ thu hoạch. Họ đã có thể bước qua thời kỳ khó khăn, yên tâm với cuộc sống, những bài giảng văn ấm áp tình người, tình đời trên bục giảng như càng thấm thía.

Cô Hiệu phó Ngô Thị Thanh Huyền cho biết, tập thể  cán bộ - giáo viên trẻ cùng hội tụ thành khối năng lượng đầy nhiệt huyết, đồng thời có những yếu tố để người quản lý cần lưu tâm là hầu hết đều giáo viên đều có con nhỏ, phải chi phối về thời gian và điều kiện tài chính. Để giáo viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài, tạo thành nguồn lực ổn định, nhà trường đã quan tâm động viên tinh thần và sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ về vật lực cho anh chị em. Từ đó, niềm đam mê giảng dạy được thêm bồi đắp. Trong năm học vừa qua, đã có 12/18 sáng kiến của giáo viên nhà trường đạt giải cấp huyện, năm học này, có 19/23 giáo viên đăng ký  danh hiệu giáo viên giỏi các cấp. Tại mỗi kỳ thi, những nhà giáo lại động viên nhau rằng phải nỗ lực vươn lên để xây dựng tên Trường THCS Tân Thanh trở thành niềm tự hào của mỗi học sinh.
Ngày Hiến chương nhà giáo 20/11 vừa đi qua, trong ngày hội tôn vinh thầy cô, các học sinh vùng sâu giản dị gửi đến thầy cô mình những lời chúc chân thành. Và với những cặp vợ chồng nhà giáo, đây cũng như ngày để họ thêm hạnh phúc với lựa chọn chung, cùng thiết tha hơn nữa với ngôi trường đã là nơi nên tình đồng nghiệp, nên duyên đôi lứa.

Sau vài câu chuyện về nghề với chúng tôi, thầy giáo dạy toán Nguyễn Văn Tiến tạm biệt ra về vì học sinh đang đợi thầy lên lớp, dù vẫn còn nhiều điều muốn bày tỏ nhưng anh không muốn học trò phải đợi mình, đó là nguyên tắc từ gần 10 năm nay. Chiếc u oát rời Tân Thanh, để lại phía sau những cái vẫy tay chân thành, lưu luyến, xúc động khi trời đã xẩm tối. Những vì sao trên nền trời lấp lánh, không thể quên những tấm lòng với nghề, với trường, họ giống những vì sao tỏa sáng ở cuối trời xanh...
 
Hải Yến