Xây dựng đời sống văn hóa ở Lâm Đồng (bài 1)

03:12, 30/12/2010

Rất nhiều địa phương kêu rằng, thiếu sân chơi cho thanh thiếu niên và đặt ra những câu hỏi như: Trẻ em vui chơi ở đâu? Thì ở nhiều nơi, có nhà văn hóa lại không được phát huy tác dụng.

[links()]Hơn 10 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có 196.139/260.345 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (75%), 501 CLB GĐVH, 675/1.271 khu dân cư đạt danh hiệu thôn-khu phố văn hóa, 42/148 xã - phường xây dựng “xã, phường đạt chuẩn văn hóa”, 3 xã, phường đã được công nhận đạt chuẩn văn hóa, 2 huyện đã phát động xây dựng huyện văn hóa. Trong loạt bài này, chúng tôi đề cập đến vấn đề đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đào tạo cán bộ văn hóa cơ sở ngang tầm  phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào nhân dân các dân tộc ở  Lâm Đồng hiện nay.
 
Bài 1: Xây dựng thiết chế văn hóa - thực trạng và hướng đầu tư

Được xem là một tiêu chí quan trọng để đánh giá phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các thiết chế văn hóa (cơ sở vật chất phục vụ đời sống văn hóa) như nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn – khu phố đã được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh có 75/148 xã có nhà văn hóa được làm từ nguồn kinh phí nhà nước, 710/1.271 khu dân cư có nhà sinh hoạt cộng đồng do “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, 252 sân tập thể thao. Nhìn chung, nhà văn hóa xã thường có diện tích từ 150 - 200m2 xây dựng trong khuôn viên 1.000 – 3.000 m2, nhà sinh hoạt cộng đồng có diện tích 80 - 120m2 được xây dựng trên diện tích 150 - 300m2. Mỗi nhà văn hóa còn được trang bị một dàn thiết bị âm thanh, nhạc cụ trị giá 10 - 15 triệu, gồm: Loa, âm ly, cồng chiêng…

Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông.
Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông.
Nhà văn hóa xã Tân Hà (Lâm Hà), một nhà văn hóa xã bề thế vào bậc nhất trong các nhà văn hóa cấp xã ở Lâm Đồng được xây dựng cách đây 4 năm với tổng kinh phí 2,8 tỷ đồng (trong đó tỉnh Hà Tây cũ hỗ trợ một nửa). Nằm ngay trung tâm xã, nhà văn hóa Tân Hà có diện tích xây dựng là 300m2 trong khuôn viên 2.000m2: Một hội trường lớn có sân khấu dành cho các hoạt động văn hóa và biểu diễn nghệ thuật quần chúng và 6 phòng chức năng, trong đó có 1 phòng làm việc của Ban văn hóa xã; một dàn âm thanh trị giá 87 triệu đồng phục vụ các hoạt động của nhà văn hóa.  Anh Trần Tuynh - cán bộ văn hóa xã kiêm phụ trách nhà văn hóa, cho biết: Tại nhà văn hóa thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như: Luyện tập, thi đấu thể thao, những hoạt động văn hóa như tổ chức Tết trung thu cho các cháu hàng năm được tổ chức quy mô như một lễ hội trung thu truyền thống có rước đèn, có phá cỗ… Nhà văn hóa xã đã thành lập được rất nhiều CLB: CLB dưỡng sinh, cờ tướng, CLB võ, vật cổ truyền, CLB bóng chuyền. Hàng tuần, CLB cờ tướng đều tổ chức thi đấu giao lưu tại nhà văn hóa. Qua 4 năm có nhà văn hóa, đời sống tinh thần của bà con trong xã được nâng lên rõ rệt.

Đến nhà văn hóa Tân Hội (Đức Trọng) vào một buổi chiều, chúng tôi được chứng kiến trên khoảng sân rộng, hàng trăm người dân đủ mọi lứa tuổi đang luyện tập thể thao. Từng nhóm, từng cặp, chỗ thì thanh thiếu niên chơi bóng chuyền, đá bóng, cầu lông; nơi dành cho các cụ chơi bóng hơi. Trước đây, chưa có nhà văn hóa, nhân dân trong xã mạnh ai người nấy kiếm chỗ vui chơi luyện tập. Từ ngày có nhà văn hóa, không khí luyện tập thể thao, giải trí lành mạnh đã trở thành nếp, nhà văn hóa thực sự là nơi vui chơi giải trí của đông đảo nhân dân trong xã.

Tuy nhiên, đi qua nhiều nhà văn hóa, cái không khí mà chúng tôi đã gặp ở nhà văn hóa Tân Hội (Đức Trọng), Tân Hà (Lâm Hà) chỉ tính được trên đầu ngón tay và rất ít gặp lại. Đến nhà văn hóa Đạ Nhar (xã Quốc Oai) – nhà văn hóa xã duy nhất của huyện Đạ Tẻh được đầu tư cả tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ phát triển văn hóa – xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhưng 4 năm qua công trình rộng hơn 150 m2 được xây dựng trên diện tích 2000m2 này chưa phát huy tác dụng, mà chỉ giữ vai trò như một nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài việc là nơi hội họp của vài chục hộ đồng bào Mạ trong thôn, thi thoảng đội cồng chiêng của thôn tập luyện; còn hầu như các ngày còn lại trong năm đều cửa đóng then cài.

Không riêng gì Đạ Nhar, nhiều nhà văn hóa xã ở vùng sâu vùng xa trong tỉnh như Tà Năng (Đức Trọng), Đinh Trang Thượng, Hòa Bắc (Di Linh)… không khí tĩnh lặng “cửa đóng, then cài” cũng thường xuyên xảy ra. Vài người dân sống cạnh nhà văn hóa cho biết, mỗi năm nhà văn hóa được dăm bữa nửa tháng tưng bừng. Nhìn vẻ ngoài của các nhà văn hóa cũng biết rằng: Một thực trạng đang hiện hữu là, nhiều nhà văn hóa hầu như đóng cửa để đó không hoạt động gì, hoặc hoạt động cầm chừng, có nhà văn hóa cỏ mọc lan vào sân, phòng ốc xuống cấp.

Trong khi, có một điều gần như mâu thuẫn: Rất nhiều địa phương, rất nhiều người kêu rằng thiếu sân chơi cho thanh thiếu niên và đặt ra những câu hỏi đại loại như: Trẻ em vùng sâu vùng xa vui chơi ở đâu? Đi tìm nguyên nhân, tại sao nhà văn hóa là “mục tiêu phấn đấu” của ngành văn hóa, khi có rồi lại không được phát huy tác dụng thì mới biết nguyên nhân chính là do thiếu nguồn nhân lực, không có người duy trì hoạt động, thiếu kinh phí. Một số nhà văn hóa có người phụ trách (dù mới chỉ là kiêm nhiệm) đã có những hoạt động cụ thể (dù chưa bài bản), còn lại đa số các nhà văn hóa đều không có người quản lý, phụ trách, các hoạt động tổ chức không thường xuyên, chủ yếu là các hoạt động mang tính chất cổ động, thông tin, tuyên truyền, triển khai phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa, hoặc hội họp, mít tinh…, chứ chưa có những hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, hưởng thụ giá trị văn hóa đúng nghĩa của một nhà văn hóa.

Trong lúc 75 nhà văn hóa xã đã được xây dựng, đa số hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, ngành văn hóa vẫn tiếp tục đặt ra chỉ tiêu phấn đấu: từ nay đến 2015 có ít nhất 80% xã - phường - thị trấn có nhà văn hóa. Theo đó, trong 5 năm tới, ngành này sẽ tiếp tục huy động xây dựng thêm ít nhất là 44 nhà văn hóa xã nữa.

Nhà văn hóa là nơi không chỉ hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, mà còn là nơi gắn kết cộng đồng, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Việc xây dựng nhà văn hóa là đúng định hướng, nhưng chẳng thể xây rồi để đó, gây lãng phí.

Song song với việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, rất cần phải đầu tư đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, vì con người mới là nhân tố quyết định mọi vấn đề. Một đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở ngang tầm, đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ sức duy trì hoạt động nhà văn hóa sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Quỳnh Uyển