“Thành phố trong rừng – rừng trong thành phố”

03:12, 09/12/2010

Sở Xây dựng đã đưa 4 ý tưởng quy hoạch Đà Lạt ra triển lãm để lấy ý kiến của người dân và du khách nhằm lựa chọn một giải pháp tốt nhất, tái tạo diện mạo mới cho thành phố.

Ảnh minh họa.
Khu biệt thự Lê Lai. Ảnh minh họa.
Vừa qua, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã đưa 4 ý tưởng quy hoạch Đà Lạt ra triển lãm tại khu Trung tâm Hòa Bình (Đà Lạt) để lấy ý kiến của người dân và du khách nhằm lựa chọn một giải pháp tốt nhất cho việc tái tạo diện mạo mới cho thành phố nổi tiếng về kiến trúc, du lịch, môi trường, thiên nhiên… nằm trên độ cao 1.500m ở phía nam Tây Nguyên này. Đã có rất nhiều ý kiến đóng góp được ghi nhận qua các ngày triển lãm, nhưng nhìn chung, nổi lên nhất vẫn là nhóm ý kiến: Đà Lạt phải là “thành phố trong rừng – rừng trong thành phố”.

Theo ông Nguyễn Hữu Tâm – GĐ Sở Xây dựng Lâm Đồng, thì ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị trung tâm TP Đà Lạt phải đạt được các tiêu chí về kiến trúc đô thị hiện đại, về giao thông thuận tiện, không “đi quá xa” so với tính chất đặc trưng thành phố vốn có của Đà Lạt… Đặc biệt, lần này, một trong những vấn đề có tính chất sống còn của quy hoạch đô thị Đà Lạt được nhiều người quan tâm đóng góp ý kiến đó chính là sự hài hòa và hợp lý giữa kiến trúc với môi trường cảnh quan thiên nhiên – tính đặc trưng của Đà Lạt theo cách ví von dễ hiểu là “thành phố trong rừng – rừng trong thành phố”.

Theo ý tưởng quy hoạch mới cho Đà Lạt được đưa ra lần này thì khu Hòa Bình và chợ Đà Lạt được xác định là khu trung tâm của cả TP Đà Lạt và giữa chúng không thể tách rời nhau về chức năng đô thị cũng như kiểu dáng kiến trúc. Theo đó, diện tích xây dựng của khu chợ Đà Lạt là 5.032m2, có chiều cao tối đa là 49m; diện tích xây dựng khối cao tầng Trung tâm Dịch vụ và thương mại tại khu Hòa Bình khoảng 4.000m2, chiều cao tối đa không quá 45m. Tất nhiên đó chỉ mới là khu trung tâm TP Đà Lạt. Trước đó – năm 2009, UBND TP Đà Lạt đã bắt đầu triển khai đề án điều chỉnh quy hoạch đô thị Đà Lạt theo hướng tăng diện tích khu nội ô lên 5.104ha (thêm 2.374ha) với 4 khu trung tâm khác: Khu cửa ngõ phía đông TP trên đường 723 (Đà Lạt – Nha Trang) có các điểm nhấn là Học viện Lục quân, hồ Than Thở, khu du lịch Thái Phiên… Khu vực phía nam TP có hồ Tuyền Lâm là tâm điểm nối với QL 20. Khu phía tây có các trung tâm du lịch Dankia Suối Vàng, sân bay Cam Ly… nối dài đến núi Langbian. Và, khu đông nam với các dự án lớn như Đại học Kiến trúc TP HCM, các khu nhà biệt lập, các khu dân cư hiện đại…

Trước 1975, Đà Lạt có 2 đồ án quy hoạch đô thị của hai kiến trúc sư người Pháp được duyệt và thực hiện là quy hoạch đô thị của KTS Hbrard năm 1923 và quy hoạch chỉnh trang của KTS Lagisquet năm 1943. KTS Trần Đức Lộc (Sở Xây dựng Lâm Đồng) cho biết: Ý tưởng hình thành chuỗi hồ nhân tạo trên dòng suối Cam Ly có hồ chính là hồ Lớn (hồ Xuân Hương ngày nay) kết hợp với sân Cù (sân golf Đà Lạt ngày nay) tạo thành không gian xanh trung tâm và phân định rõ các khu chức năng (khu hành chính, khu ở, khu bệnh viện…) là ý tưởng chính của quy hoạch Đà Lạt đầu tiên của KTS Hbrard (1923). Sau đó, tại quy hoạch chỉnh trang, KTS Lagisquet (1943) chú trọng đến việc cấu trúc đô thị Đà Lạt theo mô hình thành phố vườn, tạo tầm nhìn cảnh quan vè phía núi Langbian ở hướng bắc, tạo không gian thoáng với các khu chức năng với mật độ xây dựng thưa và các công trình xây dựng thấp tầng… Như vậy, với hai quy hoạch này, yếu tố thiên nhiên đã được tôn trọng một cách tuyệt đối. Đến năm 1994, đồ án quy hoạch tổng thể Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồ án này xác định tính chất đô thị của Đà Lạt là “tỉnh lỵ, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đào tạo và nghiên cứu khoa học… có tương quan với vùng phụ cận trong tỉnh”, “có kế thừa và phát huy các ý tưởng có giá trị từ các đồ án quy hoạch thời Pháp thuộc và quy hoạch năm 1985” và đặc biệt là đồ án đã đem lại một khái niệm mới cho định hướng phát triển không gian đô thị Đà Lạt là “thành phố trong rừng – rừng trong thành phố”.

Như trên vừa nêu, tại cuộc triển lãm nhằm lấy ý kiến đóng góp cho ý tưởng quy hoạch Đà Lạt trong các ngày từ 2-5/12 vừa qua đã có khá nhiều ý kiến góp ý của người dân TP Đà Lạt và du khách. Và quả là đáng quan tâm khi biết rằng nhóm ý kiến quan trọng nhất vẫn là ý tưởng xây dựng một Đà Lạt là “thành phố trong rừng – rừng trong thành phố”!
 
Khắc Dũng